Những nguyên tắc để có kỳ nghỉ 2/9 hoàn hảo

Thứ Bảy, 01/09/2012 08:55

970 xem

0 Bình luận

(0)

2042

Những ngày nghỉ lễ 2/9 lại trùng với cuối tuần, nên nhiều gia đình đã tranh thủ dịp này đi du lịch. Amthuc365.vn xin mách bạn một số cách để có một kỳ nghỉ trọn vẹn và khỏe mạnh.
Chơi chừng mực
Được tung tăng chạy nhảy trên bãi biển, phơi mình trên bờ cát trắng với những hoạt động thể thao hấp dẫn như đá bóng, thả diều, bơi lội… là điều tuyệt vời nhất trong những kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, trẻ em khi thích gì thường thích quá độ, có những trẻ đằm mình trong nước cả vài tiếng đồng hồ, da tay, da chân nhăn nheo lại vì lạnh vẫn đòi tắm tiếp không chịu lên. Hãy cương quyết với bé, nếu không, con bạn rất dễ bị cảm lạnh, sốt đùng đùng ngay tối đó để rồi chuyến đi nghỉ của gia đình không còn hứng thú bởi những lo toan khi con ốm sốt.

Ngay cả người lớn cũng vậy, đi chơi theo nhóm bạn dễ khiến các bạn trẻ ham vui quên trời đất, chơi từ sáng đến đêm. Điều này sẽ làm bạn trẻ mất sức, mệt mỏi.

Nhớ uống đủ nước

Nhiều người quan niệm, mất nước chỉ xảy ra khi người bệnh bị đi ngoài, nôn, nhưng mất nước cũng dễ xảy ra khi đi du lịch. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, đi du lịch thường phải di chuyển nhiều, đi bộ nhiều khiến cơ thể toát nhiều mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước lọc nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Càng ra nhiều mồ hôi cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi đó, cơ thể sẽ mệt mỏi, choáng, dễ gây sốt, trong nhiều trường hợp mất nước nặng khi đi ngoài nắng khiến người bệnh dễ bị say nắng, gây nhức đầu, khó thở…

Vì thế, khi đi ra ngoài, hãy nhớ mang theo nước, uống từng ngụm nhỏ để cơ thể luôn được đảm bảo đủ nước. Tuyệt đối không để khi cơ thể thấy khát, mệt mỏi mới lại uống nước ừng ực thì không tốt cho cơ thể... Còn với những người mất nước quá nhiều qua hiện tượng toát mồ hôi như ở trẻ em đùa nghịch, người làm việc ngoài đường nắng nóng… thì chỉ uống nước thôi chưa đủ, mà hãy pha dung dịch oresol theo tỷ lệ đúng để dùng thay thế nước lọc, sẽ giúp cơ thể bồi phụ lượng nước, muối khoáng, đường mất qua mồ hôi. Hoặc có thể uống nước chanh tươi pha với một nhúm muối giúp cơ thể lại sức nhanh chóng.

Hãy chú trọng trong ăn uống

Đi chơi, mối lo lớn nhất của nhiều người là sợ “lạ nước”, lạ đồ ăn sẽ bị đi ngoài. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, các điểm vui chơi ngày nghỉ lễ thường đông ngẹt người. Vì thế, khi ăn uống tại các điểm tham quan này phải rất lưu ý. Vì chính sự quá tải của các khu du lịch chính là nguy cơ khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn. “Sự quá tải của khu du lịch làm tăng quá tải tại các quán xá khiến việc phục vụ cũng không còn được tốt. Một quán ăn lẽ ra ngày phục vụ được 50 người, nay số lượng khách tăng đột ngột, gấp 2 - 3 lần thì bát đĩa, thìa đũa cũng khó đảm bảo sạch sẽ như ngày thường.

Chưa kể, thực phẩm tại nhà hàng, việc bảo quản quá nhiều đồ ăn cũng có thể khiến nguồn thực phẩm không còn được đảm bảo. Vì thế, đi ăn uống ở nhà hàng, quán xá tại những khu du lịch này, hãy chọn món ăn tươi, như món cá (chọn cá sống đợi chế biến), nên chọn các loại rau củ (rau lá, việc rửa khó đảm bảo vệ sinh), chọn đồ luộc, không ăn các đồ xào nấu, hầm… bởi đặc thù món luộc nếu thức ăn để lưu trữ lâu ngày rất dễ nhận thấy bằng cảm nhận như nhìn màu sắc không tự nhiên, mùi vị không thơm mới. Còn với những món xào, nướng, hầm thì việc tẩm nhiều các loại gia vị sẽ khiến chúng ta không thể nhận biết được thực phẩm mới hay cũ.

Hãy chú ý đến món ăn vặt của bé, nhất là các hàng ăn bán rong tại các điểm vui chơi, công viên. Như món xúc xích nướng khoái khẩu của phần lớn trẻ em, nhìn chúng được nướng trong các lò nướng, ai cũng chắc mẩm sạch sẽ và an toàn vì nướng chín. Nhưng nên nhớ, có quá nhiều nguy cơ nếu xúc xích đó không được bảo quản tốt. Nguyên tắc của xúc xích phải giữ đông, trước khi dùng mới bỏ ra giã đông. Còn tại những quán rong này, vài chục túi xúc xích được mang theo từ sáng sớm, việc bảo quản không đúng tiêu chuẩn có thể khiến chúng bị nhiễm khuẩn, ăn vào dễ bị đi ngoài, đau bụng.

Đi du lịch khỏi vùng miền nơi mình sinh sống, ai cũng có tâm trạng háo hức được thưởng thức món đặc sản nơi mình đến. Nhưng hãy cẩn trọng, món đặc sản dù rất phổ biến ở địa phương đó, mọi người ăn an toàn nhưng rơi vào mình lại có chuyện. Bởi bộ tiêu hóa của mình chưa từng tiếp nhận nguồn thực phẩm lạ đó.

“Bị ngộ độc thực phẩm, hội chứng tiêu chảy khi đi du lịch là khá phổ biến. Nguyên nhân trực tiếp gây ra là do ăn uống kém vệ sinh, ăn món ăn lạ bụng… nên việc ăn uống phải cực thận trọng. Món ăn lạ, đặc sản ở các vùng du lịch sẽ dễ khiến du khách bị hấp dẫn và quên đi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài nguyên nhân thức ăn lạ, khó tiêu, rất có thể bạn tự cộng thêm lý do ăn thực phẩm thiếu vệ sinh gây ra tiêu chảy cho mình.

Các món ăn nguội, rau sống, sa lát, hoa quả lột vỏ bán sẵn, hoa quả nguyên vỏ và thức ăn bán rong… đều rất dễ bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, đối với nước uống, chỉ nên uống nước đóng chai, lon, không nên uống nước lã, nước đá pha rượu bia, nước giải khát.

Tốt nhất, mỗi người đi du lịch nên đề cao tinh thần tự phục vụ, ngoài ăn chín, uống sôi, nên rửa tay sạch để tự gọt trái cây, tự mở nắp lon nước uống… Ngoài ra, khi đi nghỉ, du lịch kỳ nghỉ lễ cũng cần chuẩn bị một số thuốc đề phòng gặp tiêu chảy thông thường như thuốc cầm tiêu chảy nguồn gốc thảo dược (berberin), men tiêu hoá, smecta, loperamide… và oresol để bù nước. Ngoài ra các thuốc hạ sốt, kẹp nhiệt độ… cũng vô cùng cần thiết với trẻ.

(Theo Zing)

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading