Những lễ hội truyền thống dịp Tết Nguyên Đán

Thứ Sáu, 11/01/2013 03:50

2,277 xem

0 Bình luận

(0)

3176

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Trong những ngày trọng đại này, mọi người, mọi nhà đều đồng loạt dâng lên bàn thờ tổ tiên nào hoa quả, nào món ngon vật lạ… mừng năm mới, mừng mùa màng, mừng muôn loài cựa mình sinh sôi nảy nở.

Dân ta ăn Tết, trước hết nhằm nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thể hiện cao nhất tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ là dịp để thăm nom, chúc tụng và biếu quà Tết, đồng thời tỏ sự hân hoan chào đón những điều tốt lành, suôn sẻ đang chờ đợi ở phía trước.

Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” của người nông dân, thì đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hàng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời.

Nguồn: Internet

Nói đến Tết Nguyên Đán, người dân Việt cũng không thể quên được các ngày lễ hội truyền thống của dân tộc đã được tổ chức năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn vào sinh hoạt văn hóa và lễ hội, người ta thấy được bốn ngàn năm văn hiến của một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời.

Dưới đây là một số lễ quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán:

Dân tộc Kinh có rất nhiều phong tục và lễ hội khác nhau. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ kể lại một số lễ hội trong dịp Tết tại một số địa phương mà thôi.

1- Hội Đống Đa

Hội tưởng nhớ trận chiến tại làng Hạ Hồi và Ngọc Hồi thuộc quận Đống Đa, Hà Nội là một trong các chiến thắng oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược phương Bắc. Sau khi bị quân xâm lược phương Bắc xâm chiếm miền Bắc, Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã thống lĩnh 10 vạn quân thiện chiến mở cuộc tấn công giải phóng cố đô Thăng Long kể từ nửa đêm ngày 3.1.1978. Các tướng địch gồm: Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tư lệnh Tiền phương Trương Sĩ Long, Tả quân Thượng Duy Thăng đều lần lượt bị tử trận. Quan phủ Diễn Châu Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa bị vây sợ quá thắt cổ chết. Chỉ trong vòng ba ngày, Hoàng Đế Quang Trung đã đánh tan hàng chục vạn quân Thanh và giải phóng cố đô vào ngày 5.1.1978. Lễ hội Đống Đa hay giỗ trận Đống Đa được tổ chức vào ngày 5.1 để kỷ niệm chiến thắng vang danh lịch sử này.

2- Hội Tây Sơn

Lễ hội Tây Sơn được tổ chức tại quê hương của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ vào ngày 5.1 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ngoài nghi thức lễ, người ta còn tổ chức các cuộc vui như: biểu diễn trống, thi đánh côn, múa đường quyền, tranh tài thượng võ và hát tuồng. Nên nhớ là Võ Bình định là một trong các môn phái nổi tiếng trong làng võ thuật Việt Nam. Không chỉ nam giới nổi tiếng võ giỏi mà nhiều cô thanh nữ cũng đấm đá không thua ai. Vì thế mới có câu:

Ai ra Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định múa roi đi quyền.

3- Hội Đền Mai Động

Đền Mai Động nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 4 đến 6.1 để tưởng niệm bà Lê Chân, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ngoài nghi thức tế lễ, người ta còn tổ chức nhiều trò chơi và các cuộc thi đấu khác nhau.

Tết cổ truyền là "mùa" của nhiều lễ hội

4- Hội Chùa Keo

Hội Xuân chùa Keo diễn ra vào ngày 14.1. Chùa Keo tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa được xây dựng để kính nhớ nhà sư Không Lộ. Nhờ có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông (1054-1058) nên sư ông được phong làm Quốc sư. Ngoài nghi thức lễ cúng Phật, người ta còn tổ chức các trò chơi dân gian như thi bắt vịt, thi thổi cơm và ném pháo.

5- Hội Đền An Dương Vương

Lễ hội này còn gọi là Hội Cổ Loa diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 6 đến 16.1, để tưởng niệm Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Câu truyện tình gián điệp ngang trái giữa Trọng Thủy - Mỵ Châu và chiếc nỏ thần cũng được ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe trong dịp này. Nghi lễ gồm có đám rước các kỳ mục tế thần và rước thần của 12 xóm. Các trò chơi giải trí gồm đánh đu, cờ người, tổ tôm và hát chèo.

6- Hội Chợ Chùa

Hội được tổ chức tại xã Nam Giang, Nam Ninh, Nam Định vào ngày 8.1, để ghi lại chiến tích lẫy lừng Đống Đa và tiệc khao quân sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh và giải phóng cố đô Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789). Nghi thức gồm có tế lễ và rước thần thánh.

7- Hội Lim

Hội diễn ra từ ngày 13 đến 15.1 tại Nội Duệ, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Lễ hội này nhằm mục đích tưởng nhớ ông Hiếu Trung Hầu, người sáng lập lối Hát Quan Họ, một lối hát nổi tiếng miền Bắc. Nhân dịp này thanh niên, thiếu nữ quanh vùng đua nhau tới tham dự và có dịp tỏ tình, trao duyên qua những câu hò tiếng hát. Ngoài Hát Quan Họ, còn có nghi lễ đu tiên và đấu vật.

8- Hội Đền Phạm Ngũ Lão

Hội này diễn ra từ ngày 10 đến 15.1 tại làng Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên để tưởng niệm danh tướng Phạm Ngũ Lão thời Trần. Có nghi thức tế lễ, lau rửa và tắm tượng.

9- Hội Linh Sơn Thánh Mẫu

Hội này còn gọi là hội Xuân núi Bà Đen, Tây Ninh. Hội thu hút khách thập phương kéo dài suốt 3 tháng Xuân, thường từ ngày 20 trở đi, đông nhất là ngày 15.1. Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam bộ. Lưng chừng núi có đền Linh Sơn Thánh Mẫu, gần đỉnh núi có miếu Sơn Thần. Đặc trưng của hội là chơi xuân, du lịch, lễ bái cầu mong năm mới an bình và thịnh vượng.

10- Hội Đền

Hội bắt đầu vào ngày 15.1 tại Bất Bạt, Hà Nội. Đền này thờ thần núi Tản Viên, bắt nguồn từ câu truyện Sơn Tinh đánh thắng Thuỷ Tinh trong lịch sử Việt Nam. Hội có rước thần và tế thần. Trò vui có đánh cá, hát đúm và cờ người.

11- Hội Đền Cửa Suốt

Hội được tổ chức tại thị trấn Cửa Ông, Quảng Ninh vào ngày 15.1, để tưởng niệm anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) vang danh sử sách qua lời khảng khái trước vua Trần Nhân Tông (1284): "Nếu Bệ hạ muốn hàng quân Nguyên, xin chém đầu tôi trước đi đã, sau đó hãy hàng!" và là người có công đánh đuổi giặc Nguyên ra khỏi bờ cõi. Khách hành hương trẩy hội, có dịp nhớ lại địa danh ghi dấu chiến tích và du lịch vãng cảnh vịnh Hạ Long.

12- Hội Đền Hạ Lôi

Hội diễn ra tại Mê Linh, Hà Nội vào ngày 15.1 để tưởng niệm hai nữ anh hùng: Bà Trưng Trắc và Trưng Vương.

Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số khác mừng năm mới, mừng mùa màng, cảm ơn trời đất....

www.amthuc365.vn tổng hợp

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading