10 món ăn trị bệnh đổ mồ hôi trộm cho trẻ

Thứ Năm, 31/12/2015 09:13

4,529 xem

0 Bình luận

(0)

2897

Đổ mồ hôi nhiều ở trẻ (đổ mồ hôi trộm) là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ đó là do hệ bài tiết của trẻ nhỏ chưa thực sự hoàn thiện. Nhưng nó cũng là một biểu hiện đáng lo của bệnh còi xương, do trẻ thiếu vitamin D. Vì thế các mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để khám khi gặp triệu chứng này.

1. Canh rau ngót cũng trị bệnh ra mồ hôi trộm.

  Canh rau ngót với tim lợn, lấy 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng lại có tác dụng chữa bệnh, mà nó còn là vị thuốc kích thích ăn uống với những trẻ chán ăn. Đặc biệt, canh rau ngót nấu với thịt lợn nạc hoặc giò sống… không chỉ tốt cho trẻ em mà còn rất tốt cho cả người lớn

2. Cháo sò, hến

Sò biển 100g, hến 100g, gạo 50g, rễ cây hẹ 3g, gia vị vừa đủ. Sò, hến đem rửa sạch, hấp cách thủy rồi bỏ vỏ, ruột thái nhỏ, ướp bột gia vị. Rễ cây hẹ rửa sạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước. Gạo xay nhỏ mịn cho vào nước rễ cây hẹ quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho sò biển và hến vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày một lần lúc đói. Cần ăn liền 3 - 5 ngày.

3. Cháo trai

Trai đồng rửa sạch, cho vào nồi luộc chín, gỡ lấy thịt trai thái nhỏ, ướp gia vị và xào với 1 chút dầu. Sau đó đổ nước luộc trai vào, lấy 50g gạo tẻ 50g gạo nếp xay thành bột mịn, quấy đều trong nồi nước trai, đun nhỏ lửa đến khi thấy cháo chín thì cho thêm lá dâu non thái nhỏ, đợi cháo sôi lại, nêm nếm vừa ăn. Ngày ăn 2 lần, ăn trong 4-5 ngày.

4. Nước đậu (đỗ) đen

Đậu đen 50g, đem rang chín rồi thêm 300ml nước ninh với 15g long nhãn, 5 quả táo tàu. Đun nhỏ lửa đến khi còn 200ml thì gạn lấy nước, uống làm 4 lần trong ngày, uống liên tục trong 3 ngày.

5. Canh lá dâu

Lá dâu non 50g, thịt lợn nạc 100g, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, thịt lợn nạc băm nhỏ ướp bột gia vị, xào chín, thêm 200ml nước đun sôi, cho lá dâu đảo đều, canh sôi lại cho bột ngọt là được. Ăn ngày một lần với cơm, ăn liền 5 ngày.

 

6. Đậu ván trắng

Xao chín tùy lượng, tán thành bột mịn, pha với nước sôi để nguội, uống liên tục đến khi khỏi.

 

7. Cháo gốc hẹ

Gốc hẹ 30g, gạo 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị vừa đủ. Gốc hẹ chọn phần thân sát củ, rửa sạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước đặc. Thịt lợn nạc băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín. Gạo xay thành bột, cho vào nước gốc hẹ quấy đều, đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho thịt lợn, bột ngọt vào đảo đều, cháo sôi lên là được. Cho trẻ ăn ngày một lần, cần ăn liền 2 - 3 ngày, nếu trẻ nhỏ chưa ăn được thì lọc lấy nước cho uống.

 

8. Cháo chạch

Cá chạch đồng 100g, gạo 50g, dầu thực vật, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Cá chạch làm sạch, bỏ đầu, nội tạng, đuôi, đem hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt, ướp bột gia vị, xào bằng dầu thực vật. Xương chạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước ngọt. Gạo xay thành bột cho vào nước lọc, xương chạch quấy đều đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho thịt chạch và gia vị vào đảo đều. Cháo sôi lại là được. Ăn một lần trong ngày lúc đói, cần ăn liền 3 ngày.

9. Cháo cá quả

Cá quả một con (200g), gạo 50g, ngũ vị 2g, gia vị vừa đủ. Cá quả làm sạch, bỏ nội tạng, đem hấp cách thủy, gỡ lấy thịt nạc, ướp bột gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy 200ml nước ngọt. Gạo, ngũ vị xay thành bột mịn, cho vào nước lọc xương cá quấy đều đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín, cho gia vị, thịt cá vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày một lần lúc đói, cần ăn liền 3 - 5 ngày.

10. Nước mộc nhĩ

Mộc nhĩ 20g, táo tàu 5 quả. Mộc nhĩ rửa sạch cùng táo tàu cho vào nồi thêm 300ml nước đun sôi kỹ chắt lấy 150ml, chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống liền 5 ngày.

 

Nguồn: kiến Thức

Danh mục bài viết Món ăn & sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading