“Phổ cập” cách dạy con … dùng tiền

Thứ Bảy, 14/05/2011 11:27

1,432 xem

0 Bình luận

(0)

4701

Gần tháng nay, anh Nguyễn Văn Vinh - giám đốc một công ty cơ khí ở Q.Bình Tân, TP.HCM tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc để đi học cách hướng dẫn con chi tiêu hợp lý. Nhiều bạn bè chế nhạo “xài tiền mà cũng học”, nhưng với anh, việc tham gia lớp học là rất bổ ích.

Khi giáo viên phụ trách lớp học đưa ra yêu cầu, lập kế hoạch chi tiêu cho một cậu bé (cô bé) 14 tuổi với số tiền 800.000đ/tháng thì nhiều học viên trong lớp dạy con của Trung tâm Tư vấn tâm lý Hồn Việt đã ngồi… cắn bút. Chị Minh Thư nhà ở Q.11, TP.HCM nói: “Mỗi tuần tôi cho con gái 200.000đ để con tiêu vặt, đổ xăng và ăn sáng. Con gái tôi chưa bao giờ phàn nàn việc thiếu, đủ, không biết con gái chi xài ra sao. Vì vậy, việc giải bài toán “lập kế hoạch” này là rất khó với tôi”. Nhiều học viên cũng rất lờ mờ với việc giúp con lập kế hoạch dùng tiền.

Lớp học nêu trên trang bị cho phụ huynh những kiến thức rất căn bản: Tiền là gì? Dạy con cách xài tiền, cách kiếm tiền, tiền bạc với gia đình, tiền với quan hệ gia đình-xã hội… Nhiều phụ huynh cho biết, đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận những kiến thức này. Nếu không được tiếp cận với những thông tin tại lớp học, họ có thể sẽ còn mãi trách con sao xài tiền vô độ, thậm chí không biết quan tâm xem con của mình biết dùng tiền hay chưa.

 

Ảnh: P.Huy

Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh đã cho con tiền bạc từ năm trẻ mới 12, 13 tuổi, thậm chí còn sớm hơn. Nhưng với các khoản tiền đã cho này, rất ít phụ huynh kiểm tra lại xem con đã dùng vào việc gì, có biết tiết kiệm và có chi tiêu đúng nơi đúng chỗ? Một nghiên cứu năm 2010 của tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) trên 200 học sinh Trường THPT Nguyễn Du và Marie Curie (TP.HCM) cho thấy, độ tuổi từ 13-18 là độ tuổi đã bắt đầu xài tiền và có nhu cầu xài tiền. Thanh thiếu niên ngày nay được cha mẹ cho tiền tiêu vặt nhiều hơn so với trước đây. Đáng nói, nhiều phụ huynh còn lấy tiền làm giải thưởng để khích lệ con.

Khảo sát này cũng cho thấy, những em được cha mẹ cho tiền nhiều thường là do cha mẹ bận bịu làm việc.

Không hiểu giá trị của tiền nên các em chi tiêu không kế hoạch, dẫn đến thiếu hụt khi có những khoản chi bất ngờ. Theo khảo sát mới đây của Tổ chức Bảo trợ trẻ em, có đến 32% học sinh cho biết đã rơi vào tình trạng như vậy. Và để giải quyết khó khăn này, một bộ phận không ít giới trẻ đã có hành vi sai lệch: ăn cắp tiền của cha mẹ, vay mượn của bạn bè… thậm chí còn tham gia cướp giật… để thỏa mãn những nhu cầu và bù đắp các khoản chi bị thiếu hụt.

Tại TP.HCM, những lớp học dạy con, trong đó phần quan trọng là dạy con ứng xử với tiền, rèn các phẩm chất, kỹ năng: tiết kiệm trong sử dụng, chi tiêu theo kế hoạch, trung thực với tiền bạc… đã bắt đầu xuất hiện từ vài năm trở lại đây. Thực tế, vẫn còn quá ít những lớp học cho cha mẹ, những người sẽ làm gương về cách dùng tiền cho con. Thậm chí, đơn vị đang thực hiện dự án giáo dục tài chính cho thanh thiếu niên là Sở GD-ĐT TP.HCM cũng chỉ tổ chức chuyên đề cho vài trăm phụ huynh ở bốn trường tham gia dự án.

Tuy rất khó chiêu sinh, bởi quan niệm, có tiền thì xài, việc gì phải học! Nhưng, theo bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý Hồn Việt, một trong những đơn vị tiên phong với công việc này, thì khi đã đăng ký các lớp học này, phụ huynh tham gia rất nhiệt tình và nghiêm túc. Điều đáng quan tâm là họ không phàn nàn vì học phí cao (khoảng hơn 3 triệu đồng/khóa) mà chỉ tiếc vì sự chậm trễ khi tham gia lớp học.

May mắn được tham gia khóa học về dạy con lập kế hoạch tài chính miễn phí tại Trường THPT Marie Curie - theo dự án Giáo dục tài chính cho thanh thiếu niên vào năm 2009, anh Nguyễn Văn Hưng, nhà ở Q.3, TP.HCM chia sẻ: “Đi học cách dạy con mà tôi thấy có nhiều thông tin rất bổ ích cho chính bản thân mình”.

Hạnh Chi

Danh mục bài viết Mẹ và Bé

Đang tải dữ liệu loading