Những điều nên biết nếu trẻ sinh thiếu tháng

Thứ Sáu, 16/09/2011 09:55

981 xem

0 Bình luận

(0)

2655

Theo ước tính của các nhà khoa học, có khoảng 15% trẻ sinh ra rơi vào trường hợp sinh non. Trước đây trẻ sơ sinh thiếu tháng được hiểu là trẻ sinh ra có trọng lượng dưới 2.500g, nhưng từ năm 1960 Tổ chức Y tế thế giới đã bổ sung thêm tuổi thai, nếu trẻ sinh trước tuần thứ 37, tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối.

Để chăm sóc tốt, trước hết cần hiểu được đặc điểm sinh lý của trẻ, đặc biệt là chức năng hô hấp, tuần hoàn, dinh dưỡng…

Về chức năng hô hấp

Trẻ sinh non thường dễ bị suy hô hấp vì lồng ngực dễ biến dạng, do các xương sườn còn mềm, các cơ gian sườn còn yếu, phổi chưa giãn nở tốt, các phế nang chưa trưởng thành, cấu tạo của trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh, nhu mô phổi giãn nở không đầy đủ để trao đổi khí. Trong thời gian này trẻ thường thở bằng miệng, phình bụng lên khi hít vào, thở theo chu kỳ, có thể ngưng thở dưới 15 giây. Nếu thời gian ngưng thở kéo dài hơn 15 giây kèm theo tím tái, nhịp tim chậm thì cần được theo dõi và xử trí kịp thời, vì suy hô hấp là nguyên nhân dễ gây tử vong cho trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Chức năng điều hòa thân nhiệt

Trẻ dễ bị nhiễm lạnh vì trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não còn yếu, kém vận động do trương lực cơ yếu, kết hợp với lớp mỡ dưới da chưa phát triển nên dễ bị mất nhiệt. Khi lạnh, trẻ không run được để sinh ra nhiệt chống lại môi trường lạnh. Vì vậy, việc theo dõi ủ ấm lau khô cho trẻ là hết sức cần thiết. Nếu để thân nhiệt trẻ hạ xuống dưới 35 độ C sẽ có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng suy hệ hô hấp, tổn thương thần kinh và có khi gây xuất huyết ở não.

Tốt hơn nhất, nên giữ nhiệt độ trong phòng trẻ nằm thích hợp, tối thiểu là 24-26 độ C, trẻ được ủ ấm bằng lò sưởi, lý tưởng là trẻ được sưởi trong lồng ấp chuyên biệt, bé được mang bao tay, tất và đắp chăn ngang bụng.

Chức năng tuần hoàn

Do trẻ sinh non, các mao mạch dễ vỡ, những yếu tố đông máu chưa hoàn chỉnh nên nguy cơ bị xuất huyết cao, vì vậy thường phải được bổ sung vitamin K để phòng xuất huyết.

Chức năng tiêu hóa và dinh dưỡng

Trẻ thiếu hụt enzym chuyển hóa bilirubin gián tiếp thành bilirubin trực tiếp nên thường bị vàng da nặng và kéo dài, cần được theo dõi thường xuyên.

Dạ dày của trẻ thời kỳ này có thể tích nhỏ, nằm ngang, thiếu hụt các men tiêu hóa nên hấp thu không hết thức ăn, cho dù chỉ là sữa mẹ, do đó dễ bị đầy bụng, ói. Với đặc điểm như vậy, nên cho bé bú từ 40 - 60ml sữa trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 giờ, tùy vào sức bú của bé, có thể tăng dần lượng sữa. Bé bú sữa mẹ thường bú lâu hơn và mau đói hơn bú bình.

Nếu bé sinh trên 32 tuần, cân nặng trên 2.300g đã có phản xạ bú thì tập cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt, bú theo nhu cầu của trẻ, bú cạn một bên vú rồi hãy chuyển sang bên kia. Nếu sữa mẹ quá nhiều mà bú không hết thì nên nặn lấy sữa đầu ra ly, rồi sau đó dùng muỗng đút sữa cho bé uống dần thay nước lọc, không nên cho bé uống thêm các loại nước khác, vì sử dụng bú sữa mẹ là đủ.

Nếu trẻ sinh dưới 32 tuần chưa có khả năng bú, phải nặn sữa mẹ rồi cho ăn qua ống thông dạ dày 8 đến 10 lần trong ngày. Việc chăm sóc và giữ cuống rốn cho bé cũng không kém phần quan trọng vì rất dễ nhiễm trùng, giữ cuống rốn càng khô và sạch thì càng mau rụng. Cần đảm bảo vô trùng cho bé, hạn chế người thân đến thăm, tiếp xúc hoặc sờ vào người bé do trẻ sinh non dễ nhạy cảm với kích ứng và nhiễm trùng, bé cần được tiêm phòng như các bé sinh đủ tháng.

Khi chăm sóc ở nhà không nên tắm hàng ngày vì da bé dễ bị khô. Giữ sạch, hấp hoặc ủi, khử trùng đối với tã lót trước khi sử dụng, có thể tắm cho bé 1-2 lần trong tuần, đặc biệt là khi trời lạnh cần lưu ý giữ ấm. Tắm nắng cho bé để tận hưởng nguồn vitamine D từ ánh sánh mặt trời, thời gian tốt nhất để tắm nắng là trước 9 giờ sáng (khoảng 10 đến 15 phút mỗi lần). Cũng không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho bé khi chưa có chỉ định của bác sĩ, cho dù là thuốc bổ.

Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng mất nhiều thời gian, công sức và tốn kém. Để phòng tránh nguy cơ sinh con thiếu tháng, trong quá trình chuẩn bị làm mẹ đòi hỏi cần có sức khỏe tốt, khi mang thai luôn chú trọng bồi dưỡng bằng chế độ ăn uống, làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động quá sức, giữ tâm lý vui tươi, thoải mái, lưu ý khám thai định kỳ, đặc biệt là trước 37 tuần.

BS Trần Quốc Long
(Phó khoa khám, BV Điều dưỡng và
phục hồi chức năng Bưu Điện 2)

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading