Bí đao

Giá trị dinh dưỡng

Bí đao hay bí phấn hoặc bí xanh, danh pháp hai phần (Benincasa hispida), là loài thực vật dây leo thuộc họ Bầu bí, có quả ăn được, thường dùng nấu lên như một loại rau. 

Bản địa của bí đao là vùng Đông Nam Á nhưng nay phổ biến trồng khắp từ Nam Á sang Đông Á. Cây bí đao cần sức nóng mới mọc nhưng trái của nó thì chịu được nhiệt độ thấp, có thể để qua mùa đông mà không hư mặc dù dây bí đao chỉ mọc năm một, đến đông thì tàn. Lá bí đao xòe, hình bầu có lông giáp, bề ngang 10–20 cm. Hoa bí đao sắc vàng, mọc đơn.
Khi còn non, quả bí đao màu xanh lục có lông tơ. Với thời gian quả ngả màu nhạt dần, lốm đốm "sao" trắng và thêm lớp phấn như sáp. Quả bí đao già có thể dài đến 2 m, hình trụ, trong có nhiều hạt dáng dẹp. Bí đao thường trồng bằng giàn nhưng cũng có thể để bò trên mặt đất như dưa.


 

 

Công dụng

Dùng trong ẩm thực:  bí đao thường dùng nấu canh, hấp, xào. Bí đao còn được dùng thắng với đường làm mứt bí dùng trong dịp tết.

Bí đao vốn là một loại rau quả mát nhất, chỉ đứng sau dưa chuột, bắp cải, tương đương với cà chua.   Nên khi cơ thể bị nhiệt, chúng ta nên thường xuyên dùng bí đao để nấu canh như canh bí đao với tôm nõn, canh bí đao nấu sườn lợn, gà… hoặc luộc chấm muối vừng ăn mỗi ngày cũng rất tốt.

Ngoài việc thu hoạch trái, đọt non, lá và ngọn bí đao cũng có thể hái dùng như rau.

Hạt bí đao dùng làm thức ăn và có thể chiết xuất thành dầu ăn.

Tác dụng trong y học:

Vỏ Bí đao vị ngọt, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm tiêu thũng, giải nhiệt.

Hạt có tác dụng kháng sinh, tiêu độc trừ giun. Hạt bí đao dùng trong y học dân gian làm thuốc lợi tiểu. 

 Ngoài ra, hạt bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc.

Quả Bí đao cũng thường được dùng để chữa các chứng bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt, có tác dụng trong phòng, chữa một số bệnh như : táo bón, giảm viêm tấy, chống ho, hen suyễn, bệnh đái đường, phù do bệnh thận, bệnh gan, phù khi mang thai... Trong quả bí đao chứa nhiều nước, nhiệt lượng thấp, không có chất béo.

Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng natri trong bí đao rất thấp nên có tác dụng trị liệu cho những người mắc các chứng bệnh như: Xơ cứng động mạch, tiểu đường, bệnh động mạch vành tim, viêm thận, phù thũng, bệnh cao huyết áp và béo phì.

Bí đao còn có tác dụng giải độc từ các loại cá, tôm, rượu, làm giảm mỡ tích tụ trong cơ thể.

 

 


Cách chọn

Bí đao nên chọn trái thẳng, da thật xanh, còn lông tơ, nặng tay, bấm nhẹ móng tay ta thấy cảm giác mềm, cuống bí lớn là bí non, ít ruột, ít hột già.

Bảo quản

Với những trái bí đao còn nguyên chưa cắt ta có thể để được vài tháng ở nhiệt độ mát nhưng cần chọn trái bí không bị sứt hay dập nát.

Sau khi bổ bí còn thừa, để bảo quản được lâu, lấy một tờ giấy trắng úp vào chỗ dao cắt, rồi dùng tay miết cho dính chặt lại, làm như vậy có thể để được từ 3-5 ngày. Nếu muốn để lâu hơn, hãy thay mảnh giấy này bằng một mảnh nilon sạch.

Lưu ý khi sử dụng

Bí đao có tính xà phòng rất cao. Vì thế nếu ăn sống bí đao hoặc uống nước bí đao sống được xay như sinh tố để mong làm đẹp thì không nên vì tính chất xà phòng của bí đao sống sẽ gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa của bạn.

Bí đao rất tốt nhưng cũng chỉ nên ăn 1bữa/tuần. Không ăn hàng ngày, không ăn liên tục trong nhiều ngày bởi không chỉ bí đao mà bất kì thực phẩm nào cũng vậy, nếu bạn ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.