Cá chép

Giá trị dinh dưỡng

Cá chép (tên khoa học là Cyprinus carpio, từ cá chép trong tiếng Hy Lạp nghĩa là mắn con) là một loài cá nước ngọt phổ biến rộng khắp có quan hệ họ hàng xa với cá vàng thông thường và chúng có khả năng lai giống với nhau. Tên gọi của nó cũng được đặt cho một họ là họ Cá chép (Cyprinidae).

Công dụng

Tác dụng làm an thai: Phụ nữ mang thai dễ xuất hiện các triệu chứng khí huyết yếu kém, tâm tính không yên. Trong bài thuốc "Thánh Huệ", Thánh Huệ phương có ghi: Lấy một con cá chép nặng khoảng nửa cân, để cả vẩy, mổ bỏ tạp ruột, trộn thêm nửa lạng gạo nếp, rửa sạch, cho thêm ít vỏ quýt, gừng sống. Ðổ tất cả vào nồi ninh chín, cho thêm ít muối, ăn 5-7 lần sẽ có hiệu quả rất nhanh.

Chữa nôn mửa: Phụ nữ thời kỳ đầu mang thai thường xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt... Y học cổ truyền gọi là "Nhiên thần ác trở" (Triệu chứng xấu khi mang thai). Nguyên nhân do tỳ vị suy yếu, mạch đập mạnh... gây nên. Lấy một con cá chép nặng khoảng 250g đánh vẩy, mổ bỏ nội tạng, rửa sạch, cho thêm 6g sa sâm đập nhỏ, 10g gừng tươi thái mỏng. Bỏ cả hai thứ vào trong bụng cá hầm chín, ăn trong ngày, có công hiệu kiện tỳ hòa vị, giảm thổn thức, tiêu trừ nôn mửa.

Chữa bệnh phù thũng: Sau khi mang thai 5-6 tháng, phụ nữ thường hay có chứng sưng mặt, chân tay phù thũng, tiểu tiện ít. Có thể dùng một con cá chép nặng 500g, 120g đậu đỏ (loại hạt nhỏ), cho thêm ít gừng, hành, bỏ vào nấu chín, ăn nhạt (chú ý không nêm mặn). Ðây là bài thuốc rất công hiệu.

Giúp làm tăng lượng sữa: Sau khi sinh, phụ nữ có người không có sữa hoặc ít sữa, có thể dùng một con cá chép nặng khoảng 2 lạng rưỡi (1/4kg), một chân giò lợn (loại bé), 3g thông thảo. Hầm thật nhừ, ăn dần 1-2 ngày sẽ có nhiều sữa và sữa rất mát tốt cho trẻ.

Chữa bệnh ứ huyết: Phụ nữ sau khi sinh có thể bị chứng khí huyết ứ trệ, đau bụng dưới, máu xấu không kịp bài tiết ra ngoài... Nghiền, tán nhỏ vẩy cá chép, cho vào từ 3-5g nước đun sôi. Uống với ít rượu nếp có công hiệu làm tan huyết, thông huyết, chữa trị được chứng ứ huyết.

Làm tăng công năng dạ dày: Dạ dày của phụ nữ sau khi sinh có thể thay đổi cường độ co bóp. Dùng một con cá chép nặng nửa cân, làm sạch vẩy và ruột, cho vào nồi nấu canh. Khi cá chín nhừ cho thêm ít gia vị, hồ tiêu, muối. Ăn cả nước và cái, có tác dụng bổ tỳ vị, trị bệnh hư hàn.

Cách chọn

Chọn những con cá còn nhanh nhẹn, bơi khỏe. Mình cá dày đều từ trên xuống dưới.

Không chọn những con cá dày bụng. Cá dày bụng thường là bụng trứng hoặc bụng mỡ, hoặc là cá nuôi có ruột quá lớn, mà những con cá này thường không ngọt thịt.

Chép sông bao giờ cũng dài mình, không tròn ủng như chép ao. Lúc mua, nên chọn con cái dài hơn, dày hơn, đảm bảo sẽ ngọt thơm hơn. Đừng ham con nặng ký, bởi lẽ cá nuôi rất nhanh lớn, ruột to, nhiều mỡ nên tròn, nhưng thịt lại không ngọt do chỉ ăn nhiều thức ăn công nghiệp và thời gian sinh trưởng chưa lâu.

Đối với cá cắt khúc bán sẵn, nên thận trọng bởi lẽ rất dễ mua phải cá đã chết trước đó lâu rồi. Khi lựa mua cá này, bạn có 2 cách: Một là đòi người bán cắt khúc một con cá lớn khác, đang bơi trong chậu để bán cho mình; hai là chú ý nhìn kỹ, chỉ ăn khúc của những con cá mà phần thân vẫn gắn với phần đầu và miệng cá, mang cá vẫn đang thở. Khi đó, bạn có thể đảm bảo cá mình mua là tươi sống.

Bảo quản

Có rất nhiều cách để bảo quản loại cá này, nhưng biện pháp cho vào tủ đông vẫn hiệu quả và phổ biến nhất. Tuy nhiên, vì cá có mùi tanh nên trong quá trình bảo quản cần lưu ý nếu không sẽ làm vấy mùi vào cá thực phẩm trong tủ nữa. Trước khi cho vào tủ lạnh cần lưu ý những điêu sau:

Thứ nhất, làm sạch cá để cho ráo nước, rồi bọc thật nhiều lớp túi bóng hay cho vào hộp nhựa có đậy nắp thì tốt hơn cả rồi cho vào tủ đông.

Thứ hai, có thể pha loãng giấm rồi đổ lên cá trước khi cho vào tủ đông. Nhiều người thay giấm bằng rượu nhưng không nên đâu nhé, rượu sẽ làm mất vị thơm của cá đấy.

Lưu ý khi sử dụng

Cá chép là món ăn bổ dưỡng, nhưng vì quá nhiều chất dinh dưỡng nên không phải ai cũng nên ăn nhiều. Nếu bạn thuộc 1 trong 4 nhóm người sau thì nên hạn chế hoặc tránh xa cá chép.

Bệnh nhân Gout: Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong mỗi 100g cá chép có chứa hàm lượng purine cao tới 137.1 mg, là nhóm thực phẩm có lượng purine cao thứ hai so với các nhóm thức ăn khác. Vì vậy, người đang trong giai đoạn khởi phát cấp tính bệnh gout, lượng purine hàng ngày của bệnh nhân cần được giới hạn tối đa ở mức 150 mg hoặc thấp hơn. Trong thời gian này, chuyên gia cho rằng nên cấm ăn cá chép, chờ cho đến khi bệnh gout giảm nhẹ thì bệnh nhân mới có thể ăn cá với số lượng hạn chế.

Những người bị dị ứng với cá: Một số người có thể trạng cơ thể dễ bị dị ứng, mỗi lần ăn cá sẽ gây dị ứng. Nhóm người này tốt nhất là không ăn cá chép, vì loại cá này có khả năng gây mẫn cảm với bệnh nhân dị ứng cao hơn một số loại cá khác.

Một số bệnh nhân mắc bệnh về gan và thận: Do cá chép rất giàu kali, bệnh nhân suy thận cấp không nên ăn, nếu không kiêng khem thì món ăn này sẽ làm tăng gánh nặng lên thận. Người bị bệnh gan đang trong giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần giảm lượng protein, kiểm soát lượng đạm ăn vào cơ thể trong vòng 20 gram mỗi ngày. Nhưng do cá chép giàu chất đạm, vì vậy những bệnh nhân này cũng không nên ăn cá chép.

Bệnh nhân có bệnh xuất huyết, chảy máu: Thành phần dinh dưỡng có trong cá chép giàu chất axit eicosapentaenoic, thành phần này sẽ gây ra sự ức chế tập tiểu cầu, chống lại bệnh huyết khối và những triệu chứng liên quan đến xuất huyết. Các bệnh nhân có các bệnh liên quan đến xuất huyết như dị ứng, cơ thể thiếu vitamin C xuất phát chủ yếu do cơ chế chảy máu bất thường, biểu hiện các dạng khác nhau của chứng chảy máu… Khi bị các bệnh này, thì bệnh nhân không nên ăn cá chép.