Cà dừa

Giá trị dinh dưỡng

Cà dừa (còn gọi là Cà bát) là một loài cây thuộc họ Cà cho quả được sử dụng làm thực phẩm. Nó có quan hệ họ hàng gần gũi với cà chua,khoai tây, cà tím, cà pháo. Nó là cây thân thảo, quả tròn to hơn cà pháo rất nhiều, có thể to như cái bát ăn cơm nên gọi là cà bát, hoa màu tía. Trong cây cà dừa phần ăn được, được sử dụng làm thực phẩm là quả. Người ta có thể xắt miếng bao bột chiên giòn, cắt miếng ngâm nước muối cho bớt chát nhựa và khỏi đen, ăn sống chấm với mắm cái hoặc mắm tôm nhưng phổ biến nhất là nấu canh như rau.

Công dụng

Theo Đông y, cà vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, chỉ thống, nhuận tràng, lợi tiểu, trị thũng thấp độc, trừ hòn cục trong bụng, ho lao. Theo sách Thực kinh, cà có công dụng làm đầy da thịt, ích khí lực, chữa cước khí...

Một số bài thuốc từ quả cà bát:

Đại, tiểu tiện gây chảy máu: Cà pháo già sao vàng, tán mịn. Mỗi lần dùng 8 g, hòa với nước, dấm loãng để uống, ngày 3 lần.

Phụ nữ huyết hư, da vàng: Cà pháo già bổ ra, phơi trong bóng râm cho khô, tán mịn. Mỗi lần uống 8 g với ít rượu hâm nóng, ngày 2 lần, uống dài ngày.

Đàm nhiệt, viêm phế quản cấp, táo bón: Cà tím 500 g, gừng tươi 4 lát, tỏi 3 củ. Cà thái dọc, tỏi và gừng nghiền nhuyễn. Tất cả trộn với nước tương, dầu, muối, đường, chưng cách thủy để ăn.

Ho lâu năm không khỏi: Cà pháo tươi 30-60 g nấu chín, cho mật ong vừa đủ, nấu lại. Ngày ăn 2 lần. Bài thuốc này được in trong sách Ẩm thực phương Đông trị bệnh của Hồng Minh Viễn (Trung Quốc), trái ngược với thành kiến của người Việt Nam: Khi ho kiêng ăn cà.

Vàng da do viêm gan: Cà tím trộn gạo, nấu cơm ăn trong 5-7 ngày.

Ngoài ra, để chữa các bệnh ngoài da và niêm mạc như bầm máu, lở loét ở da, chảy máu chân răng, ngón tay chân bị chín mé, nứt đầu vú, có thể lấy cà pháo đốt thành than, bôi tại chỗ.