Cải bắp

Giá trị dinh dưỡng

Cải bắp hay bắp cải là một loại rau chủ lực trong họ Cải, phát sinh từ vùng Địa Trung Hải. Nó là cây thân thảo, sống hai năm, và là một thực vật có hoa thuộc nhóm hai lá mầm với các lá tạo thành một cụm đặc hình gần như hình cầu đặc trưng.

Cải bắp được trồng trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc, miền trung và Tây Nguyên. Cải bắp thuộc nhóm rau có nguồn gốc ôn đới, nhiệt độ xuân hóa (nhiệt độ cần thiết để phân hoá mầm hoa) là 1-10 °C trong khoảng 15-30 ngày tùy thời gian sinh trưởng của giống. Trên thị trường hiện nay có hai loại chủ yếu là bắp cải trắng và bắp cải tím.

Công dụng

Bắp cải có vị ngọt, tính mát. Được gọi là "Thầy thuốc của người nghèo". Bắp cải có nhiều tác dụng như bồi dưỡng, trị giun, tẩy uế, trừ sâu bọ, làm dịu đau, liền sẹo, chống hoại huyết, lọc máu, chống kích thích thần kinh và chứng mất ngủ.

Một số bài thuốc sử dụng bắp cải:

Giảm đau nhức: Ép cải bắp lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau nhức do thấp khớp, gout, đau dây thần kinh tọa.

Chữa đau khớp, nhức tay chân, nổi hạch: Lấy lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng rồi áp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3-4 miếng lá cải bắp, bên ngoài dùng vải dày áp lên rồi buộc lại.

Chữa ho nhiều đờm: Dùng 80-100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống.

Đái tháo đường: Cải bắp có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết. Dùng 100g hàng ngày giúp phòng và trị bệnh đái tháo đường.

Loại rau này có thể làm món: hấp, luộc, bỏ lò, cuốn thịt om, xào hay làm rau cải thái trộn, dưa muối, nộm...

Cách chọn

Chọn bắp cải cuốn chặt, nhìn chắc và tươi, các lớp lá bóng, có màu từ trắng đến xanh.

Nếu mua bắp cải tím, bạn nhớ lựa những cái có màu tím sẫm, cầm lên thấy chắc, nặng tay.

Bạn nhớ tránh những chiếc bắp cải có lá vàng, mùi ôi hay lõi bị nứt ra.

Bảo quản

Cũng như súp lơ, bạn không rửa bắp cải mà cho vào túi nhựa và giữ trong tủ lạnh (được khoảng 1 tuần).

Nếu dùng một lần không hết cả cái, bạn có thể giữ phần bắp cải còn lại bằng cách vẩy lên một ít nước rồi cho vào túi nhựa và cất trong tủ lạnh.

Bắp cải đã cắt miếng chỉ nên dùng trong 1-2 ngày.

Lưu ý khi sử dụng

Những bệnh không được ăn bắp cải:

Người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì trong bắp cải chứa một hàm lượng nhỏ goitrin. Chất này có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ vì thế sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra.

Với những người này, nên ăn bắp cải ở một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó, goitrin sẽ bị phân hủy hết.

Người suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo cũng không nên dùng bắp cải.

Đối với người táo bón, tiểu ít thì không nên ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín.

Người tạng hàn phải dùng bắp cải phối hợp với gừng tươi.

Khi sơ chế, bạn nên bỏ lõi trắng ở giữa bắp cải để khỏi đắng