Cây bướm bạc

Giá trị dinh dưỡng

Bướm bạc là thứ cây mọc hoang khắp nơi, thường gặp ở các đồi núi, trong rừng thưa, ven rừng, chỗ ẩm, sáng, suốt từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình...cho tới tận Đồng Nai.

Cây còn có tên gọi khác như bướm bướm, hoa bướm, ngọc diệp kim hoa, bướm chừa.

Cây nhỏ mọc trườn 1-2m. Cành non có lông mịn. Lá nguyên, mọc đối, màu xanh lục sẫm ở mặt trên, nhạt và đôi khi có lông ở mặt dưới. Lá kèm hình sợi. Cụm hoa xim ngù mọc ở đầu cành. Hoa màu vàng, có lá đài phát triển thành bản màu trắng. Quả hình cầu, rất nhiều hạt nhỏ màu đen, vò ra có chất dính. Ra hoa kết quả vào mùa hè.  

Công dụng

Phòng ngừa say nắng: Dùng bướm bạc từ 60-90g, sắc nước uống như trà.

Cảm mạo, say nắng: Dùng một nắm lá bướm bạc ( 30g ), sắc uống. Hoặc dùng lá khô, hãm nước sôi uống như trà. Nếu là say nắng nặng, toát nhiều mồ hôi: Dùng 100g lá, nấu với 2 lít nước, dùng nước còn nóng, pha với trà đậm, thêm đường, uống nhiều lần.

Chữa sốt mùa hè đến giai đoạn hôn mê, khô khát, táo bón, đái sẻn, tân dịch khô kiệt: Dùng rễ bướm bạc 60g, hành tăm 20g ( đều sao vàng ), sắc uống 1 thang thì đại tiểu tiện thông lợi, sốt lui, nuốt được. Thông thường, uống đến thang thứ 2 thì tỉnh, ba thang hết sốt, ăn uống được.

Sưng amidan, ho, sốt: Dùng bướm bạc 30g, huyền sâm 20g,  rễ bọ mẩy 10g, sắc nước uống.

Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Rễ bướm bạc 10-20g sắc uống,. Hoặc dùng cành và rễ bướm bạc 30g, cốt toái bổ 30g, thổ phục linh 30g, thiên niên kiện 30g, bạch chỉ 20g, sắc uống, đồng thời dùng lá tươi giã đắp nơi sưng đau.

Phù, giảm niệu do viêm thận: Dùng thân bướm bạc 30g, dây kim ngân tươi 20g, mã đề 30g, sắc nước uống.

Chữa khí hư bạch đới: Rễ bướm bạc 10-20g. sắc uống.

Viêm lở da: Lá bướm bạc tươi, lá mướp tươi, giã uống.