Cua đồng

Giá trị dinh dưỡng

Cua đồng hay còn gọi là điền giải (danh pháp khoa học: Somanniathelphusa sinensis) là một loài trong họ Cua đồng thuộc nhóm Cua nước ngọt và phân bố nhiều tại Việt Nam. Tại Việt Nam, thuật ngữ này thường dùng để chỉ chung cho những loài cua nước ngọt sống trong môi trường đồng ruộng và thường gặp nhất là cua đồng có tên khoa học Somanniathelphusa sinensis sinensis H.Milne-Edwards thuộc họ Parathelphusidae.

Cua đồng phân bố rộng ở vùng nước ngọt, từ đồng bằng, trung du, miền núi. Là động vật sống ở tầng đáy, ưa nước sạch, đào hang thích nghi với bùn sét, bùn cát. Chúng sinh sản quanh năm nếu môi trường thuận lợi, tập trung vào mùa xuân, mùa hè, mùa thu. Lưng cua đồng có màu vàng sẫm, đều có hai càng, một to và một càng nhỏ hơn, hai gọng cua đồng có màu vàng cháy, toàn thân có màu sắc nâu vàng. Thịt cua đồng ngọt lạnh, ít độc hay sinh phong, có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc. Gạch cua có nhiều cholesterol, cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines.

Công dụng

Dùng chế biến các món ăn hàng ngày: cua rang muối, cua nấu khoai sọ rau rút, canh cua mướp mồng tơi, canh riêu cua...

Chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi: Cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, rang nhỏ lửa cho vàng và khô, tán bột. Dùng 15 g - 20 g khuấy với bột gạo, cho trẻ ăn trong ngày.

Chữa vết thương đụng dập, lở loét: cua đồng 2 con giã nát, rượu 1 chén, cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau.

Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: rau nhút 1 - 2 nắm bỏ rễ, cạo bỏ phần bấc, ngắt đoạn, rửa sạch; khoai sọ 300 - 400g cạo vỏ, xắt nhỏ; cua đồng 200g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, gạn lấy nước. Cho khoai sọ vào nước cua nấu chín, khi gần chín, cho rau nhút vào, đun sôi tiếp 5 - 10 phút. Ăn trong ngày, cần ăn 2 - 3 ngày.

Trị viêm thận cấp: cua đồng 250g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; vỏ cây dâu 50g rửa sạch, cắt đoạn. Đem tất cả nấu thành canh, uống nước.

Trị trướng bụng, chứng phù tim: cua đồng tươi nấu cháo, ăn nóng.

Chữa sưng tấy: mai cua 10g sao vàng, vảy tê tê 10g sao phồng rộp; gai bồ kết 10g phơi sấy khô. Tất cả tán bột, uống với rượu.

Đau răng đau lợi do vị nhiệt: cua đồng nấu với mướp đắng, ăn hàng ngày. Đồng thời dùng phương thuốc: hoàng cầm 10g, chi tử 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, đinh lăng 16g, bồ công anh 16g, chân cua đồng (sao vàng) 20g, cam thảo 10g, bạch thược 12g, bạch mao căn 16g, khổ qua 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 - 3 lần.

Cách chọn

Chọn những con cua còn sống, nhanh nhẹn.

Không chọn những con cua đực vì to, nặng nhưng không nhiều thịt và gạch.

Chọn những con cua cái sẽ nhẹ cân hơn và cho nhiều gạch hơn.

Đặc biệt, không nên chọn những con cua chết vì rất dễ nhiễm độc tố.

Bảo quản

Xếp cua vào hộp có chứa đá lạnh rồi đưa cua vào tủ lạnh. Bạn lưu ý nên đặt cua lên một chiếc khay trước khi xếp cua vào hộp vì nếu tiếp xúc trực tiếp với đá, cua sẽ bị chết cóng.

Có thể rửa sạch, xay cua rồi chia thành từng túi nhỏ vừa đủ bữa ăn, cấp đông, dùng dần.

Lưu ý khi sử dụng

Phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng bởi cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng.

Người đau ốm mới khỏe, hệ thống tiêu hóa còn yếu cũng không nên ăn.

Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) cũng cần hạn chế.

Nếu bị tiêu chảy, không ăn cua đồng.

Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng.

Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để làm giảm bớt tính hàn.

Cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp cho người bị bệnh gút.

Những người đang bị ho hen, cảm cúm không được ăn cua.