Cua huỳnh đế

Giá trị dinh dưỡng

Cua Huỳnh Đế (hay còn gọi cua hoàng đế)thuộc hải sản biển, tuy rằng mang họ nhà cua nhưng hình dáng thì hoàn toàn khác. Cua huỳnh đế chỉ có 6 chân và 2 càng (cua bình thường có 2 càng và 8 chân). Do đó mà cua sau khi được ngư dân đánh bắt và dâng lên vua như cúng phẩm từ đó cua có tên là Cua Hoàng Đế hay gọi là Cua Huỳnh Đế. 

Cua huỳnh đế được ví là đệ nhất cua biển vì hình dáng rất đặc biệt, cua có kích cỡ to bằng bàn tay của người lớn, với trọng lượng khoảng 300 gram/con, tuy nhiên nhiều con nặng đến 1kg/con. Cua có bộ vỏ màu đỏ hồng, dáng vẻ bề ngoài suôn dài như tôm, phần đầu mai to như chữ u và có nhiều râu, càng và que ngắn.

Cua huỳnh đế phân bố nhiều ở vùng biển phía Đông Nam Thái Bình Dương. Ở Việt Nam. Cua huỳnh đế xuất hiện nhiều ở vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh như các vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cam Ranh (Khánh Hòa). Nhiều ngư dân vùng biển cho biết, cua huỳnh đế thường sống ở những vùng biển nước khá sâu từ 100 - 300m, việc đánh bắt chỉ phổ biến trong mùa xuân, hè vì vậy việc đánh bắt cua huỳnh đế khá khó khăn và nguy hiểm, hiện chưa có đơn vị nào có thể nuôi thương phẩm, vì thế cua huỳnh đế trên thị trường là hoàn toàn đánh bắt tự nhiên. Đôi khi nếu vô tình bắt được cua huỳnh đế thì đó được ngư dân quan niệm rằng gặp may, việc đánh bắt sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Công dụng

Cua huỳnh đế được đánh giá là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao: thịt thơm, ngon và bổ. Các thớ thịt cua đều săn chắc, trắng muốt và có độ đạm cao. Với thành phần dinh dưỡng phong phú, thịt cua không chỉ có hàm lượng protein, canxi, phospho, sắt và các vitamin A, B1, B2, C… ở mức cao, mà còn chứa một lượng lớn calcium, magnesium và axit béo omega 3 rất tốt cho tim mạch.

Khoa học đã chứng minh thịt cua Hoàng đế có tác dụng: thanh nhiệt, sinh huyết, giảm đau, bổ xương tủy và đặc biệt tốt cho những người làm việc trí não ở cường độ cao.

Ngoài ra loài cua này còn có tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới, đặc biệt hiệu quả khi cua được chế biến lúc còn tươi sống, đang bơi.

Là một trong những nguyên liệu giá trị đối với ẩm thực: Cua huỳnh đế có rất nhiều thịt dưới phần mai, thịt có hương vị thơm ngon chắc và ngọt, đặc biệt là gạch cua huỳnh đế rất chắc, thơm và béo hơn các loại cua, ghẹ khác. Việc chế biến vô cùng dễ dàng mà chất lượng món ăn vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Có thể chế biến cua huỳnh đế thành các món như rang me, rang muối, nướng... nhưng ngon nhất và đơn giản trong chế biến vẫn là món hấp ăn với muối tiêu ớt xanh hoặc luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo.

Cách chọn

Bằng trực giác: mắt phải trong, mai cứng, càng rắn. Khi mới cấp đông, túi bọc nilon sẽ còn hơi ẩm. Ngược lại, nếu cua để lâu ngày, điều dễ nhận thấy là mắt đục, mai ọp, cân nặng không tương xứng với hình khối bên ngoài. Khi chế biến, mai cua không có màu đỏ rực mà ngả vàng, nước thịt tanh.

Bảo quản

Cua hoàng đế có tập tính ăn thịt đồng loại. Nếu bị nhốt quá lâu trong bể chứa, chúng có thể ăn thịt lẫn nhau. Ngoài ra, cua rất dễ chết do tàu thuyền bị rung lắc. Một vài con chết, xác chúng tạo ra chất độc có thể giết chết những con còn lại. Nên ngư dân đánh bắt phải mang nhiều thùng chứa, để có thể cấp đông ngay trên thuyền.

Lưu ý khi sử dụng

Loài cua này chỉ phổ biến trong mùa xuân, hè vì thế thời gian mua cua cũng cần được lưu ý. Khi mua cua vào thời điểm này, cua sẽ chắc và ngon hơn, ngoài ra giá thành cũng rất hợp lý.

6 điều KHÔNG khi ăn cua chúng ta cần nhớ:

Không ăn cua chếtNgười ta thường nói “một con cua chết hỏng cả nồi canh”, nguyên nhân là do trong cơ thể cua có chứa nhiều thành phần hóa học mang tên histidine. Cua sau khi bị chết, các loại vi khuẩn phát triển rất mạnh trong cơ thể, đặc biệt có axit amin histidine - là loại acid “tối cần thiết”; nhưng khi cua chết, nó biến đổi thành chất histamine, một chất độc gây ra dị ứng miễn dịch có hại cho con người. Nếu cua chết càng lâu thì lượng histamine sinh ra càng nhiều, khi ta ăn vào càng dễ bị nôn, đau đầu, choáng váng...

Không ăn đi ăn lại cua: Khi nấu canh cua bạn đã nấu chín kỹ nhưng không ăn hết, sau đó bạn ăn lại vì sợ phí hoài là một sai lầm có hại cho sức khỏe. Lý do là trong thịt cua có rất nhiều chất đạm, để lâu rất dễ bị ôi thiu, ô nhiễm do vi khuẩn xâm nhập. Do đó, với cua nên chế biến đến đâu ăn hết đến đó. Nếu thực sự còn nhiều, ăn không hết, bạn nên bảo quản trong tủ lạnh, hoặc để nơi thoáng đãng, sạch sẽ, và nên phải đun nấu lại thật kỹ trước khi ăn.

Không ăn cua sống: Ở nhiều vùng quê, người dân có thói quen ăn gỏi cua sống, nhưng thực ra điều này rất nguy hiểm vì trong thịt cua sống có chứa nang trùng “lungfluke” (trùng hút máu phổi), nếu không qua khử trùng tiêu độc ở nhiệt độ cao mà ăn tái sống sẽ rất dễ mắc bệnh “trùng phổi”. Nang trùng loại lungfluke ký sinh trong phổi, không những kích thích hoặc phá hoại các tổ chức phổi, dẫn tới ho, khạc ra máu, mà còn có thể xâm nhập lên não, dẫn tới chứng co giật, thậm chí gây bại liệt. Nếu nó xâm nhập vào các khí quan như mắt, thận, gan, tim, tủy sống … còn dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Không ăn “bọng hoi” (dạ dầy): Dạ dầy là nơi chứa nhiều loài vi khuẩn gây bệnh và tạp chất có độc. Cua ở sông hồ biển thường ăn xác động vật hoặc các chất mùn, vì thế bề mặt cơ thể, mang và đường ruột của nó có chứa rất nhiều vi khuẩn và bùn đất.
Nhiều người do chưa rửa sạch cua, khi chế biến lại chưa nấu chín kĩ, nên khi ăn vô hình chung đã ăn cả những vi khuẩn gây bệnh lẫn những kí sinh trùng. Chuyện đau bụng hay đi ngoài vì thế khó tránh khỏi.

Không uống trà, ăn hồng khi ăn cua: Trong và sau khi ăn cua khoảng một tiếng không nên uống trà, vì nước trà có thể làm loãng acid trong dạ dày. Khi vào cơ thể trà sẽ làm cho một số thành phần của cua bị đóng đặc lại, không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng khác, thậm chí còn đẫn đến đau bụng đi ngoài.

Mùa thu, lúc cua béo ngậy cũng là mùa hồng chín đỏ. Nhưng hai thức này lại không nên ăn cùng nhau, vì chất tannin và các thành phần khác trong quả hồng có thể làm cho protein trong thịt cua rắn lại, chất rắn đó lâu dần sẽ lưu lại trong ruột rồi lên men và thối rữa, có thể gây buồn nôn, đau bụng, đi ngoài. Nặng hơn nữa, những chất đó còn có thể kết thành sỏi rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Những đối tượng “xung” không ăn cua: Người bị cảm lạnh sốt, đau dạ dày hoặc những người bị tiêu chảy không nên ăn cua vì thịt cua lạnh khiến bệnh càng nặng hơn. Trong gạch cua có chứa một hàm lượng cholesterol cao, không tốt cho những người mắc bệnh huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh mỡ trong máu cao. Ngoài ra, người bị dị ứng cũng cần hết sức cẩn trọng khi ăn cua.