Đậu tương

Giá trị dinh dưỡng

Đậu tương hay đỗ tương, đậu nành, có (tên khoa học Glycine max) là loại cây họ Đậu (Fabaceae), là loài bản địa của Đông Á. Loài này giàu hàm lượng chất đạm protein, được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc.

Cây đậu tương là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Sản phẩm từ cây đậu tương được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành, okara... đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của người cũng như gia súc.
 

 

 

Công dụng

12 tác dụng tuyệt vời của đậu tương đối với sức khỏe:

1. Phòng bệnh tim mạch: Protein trong đậu tương có thể thay thế cho protein động vật làm giảm lượng LDL (cholesterol xấu), nhờ đó có thể làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và cao huyết áp.

2. Phòng ngừa ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt: Các chất genistein, isoflavone có nhiều trong đậu nành có đặc tính chống oxy hóa giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Ở phụ nữ, nó sẽ có tác động trong việc phòng ngừa ung thư vú trong khi ở nam giới là ung thư tuyến tiền liệt. Trong thực tế, tiêu thụ ít nhất là 10mg đậu tương (có thể là đậu tương được chế biến) mỗi ngày có thể làm giảm tái phát ung thư vú 25%.
 

3. Giảm nguy cơ trầm cảm: Các folate trong edamame có thể giúp bạn tránh được các cơn trầm cảm bằng cách ngăn ngừa sự dư thừa homocysteine hình thành trong cơ thể. Homocysteine có thể ngăn chặn máu và chất dinh dưỡng lên não bộ nên có thể gây ra trầm cảm. Homocysteine dư thừa còn gây trở ngại cho việc sản xuất các hormone cảm giác tốt serotonin, dopamin và norepinephrin - những hormone tác động đến tâm trạng, giấc ngủ và sự ngon miệng khi ăn.

4. Phòng bệnh tiểu đường, bệnh thận: Những người bị bệnh tiểu đường loại 2 thường, bệnh thận sẽ gặp phải tình trạng cơ thể bài tiết quá nhiều protein trong nước tiểu. Những người tiêu thụ protein trong đậu tương sẽ tiết ra ít protein hơn những người tiêu thụ protein động vật, do đó, nguy cơ bị bệnh thận, tiểu đường cũng giảm đi.

5. Tăng cường khả năng sinh sản: Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tiêu thụ chất sắt từ các nguồn thực vật như đậu tương, rau bina, đậu, bí đỏ, cà chua, củ cải đường... sẽ thúc đẩy khả năng sinh sản. Phụ nữ cũng cần lưu ý bổ sung đầy đủ lượng axit folic cần thiết khi mang thai để bảo vệ chống lại các khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Tiêu thụ một cốc đậu tương mỗi ngày cung cấp 121% nhu cầu folate hàng ngày.

6. Tăng mức năng lượng: Nếu không bổ sung đủ chất sắt trong chế độ ăn uống, hiệu quả sử dụng năng lượng của cơ thể bạn bị ảnh hưởng trầm trọng và bạn dễ bị kiệt sức do thiếu năng lượng. Đậu tương là một nguồn chứa sắt nhiều như đậu lăng, rau chân vịt và trứng... nên bạn có thể tiêu thụ chúng để cung cấp năng lượng cho mình.

7. Chống viêm: Choline là một chất dinh dưỡng rất quan trọng nhằm hỗ trợ cơ thể chúng ta trong giấc ngủ, chuyển động cơ bắp, học tập và trí nhớ. Choline cũng giúp duy trì cấu trúc của màng tế bào, hỗ trợ trong việc truyền tải các xung thần kinh, hỗ trợ trong việc hấp thu chất béo và làm giảm viêm mãn tính. Choline có nhiều trong đậu tương, vậy nên, đây được coi là thực phẩm có tác dụng chống viêm hiệu quả cho cơ thể.

8. Cải thiện trí nhớ: Đậu tương có một lượng lớn lecithin, đây là một trong những thành phần quan trọng nhất trong quá trình hoạt động của não bộ. Ăn nhiều đậu tương còn có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Ngoài ra, lecithin, sterol, có trong đậu tương có tác dụng tăng chức năng thần kinh và sức sống.

9. Ngăn chặn quá trình oxy hóa: Đậu tương còn có tác dụng chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể con người. Đồng thời, nó cũng giúp ức chế sự tăng trưởng của tế bào khối u, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.

10. Giảm mỡ máu: Các sterol thực vật có trong đậu tương có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu. Đậu tương và các chiết xuất từ đậu tương có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần, giảm cholesterol xấu (tức LDL-cholesterol), ngăn chặn sự phát triển của các mãng xơ vữa, cải thiện tính đàn hồi của động mạch vành

11. Ngăn chặn điếc: Đậu tương có chứa lượng sắt và kẽm lớn. Mà sắt có tác dụng làm mềm mao mạch, đảm bảo nguồn máu cho tai. Nên đậu tương có hiệu quả ngăn ngừa mất thính giác ở người cao tuổi.

12. Giảm huyết áp: Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra, những người có xu hướng bị huyết áp cao là do thừa muối natri thiếu kali trong cơ thể. Đậu tương có tác dụng giảm huyết áp bởi đậu tương rất giàu kali. Mỗi 100 gram đậu tương chứa 1503 mg kali. Do đó, bệnh nhân cao huyết áp nên ăn đậu tương, để bổ sung đủ kali cho cơ thể của

 

Ngoài ra, Cây đậu tương còn có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất các cây trồng khác. Điều này có được là hoạt động cố định N2 của loài vi khuẩn Rhizobium cộng sinh trên rễ cây họ Đậu.


Cách chọn

Chúng ta nên lựa hạt đậu tròn, nhỏ và bóp chắc tay thì khi nấu nó mới ngon, vì những hạt đậu chắc tay là hạt đậu già, chứa rất nhiều protein.

Bảo quản

Thời gian bảo quản lâu hay ngắn, chất lượng cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào đặc tính giống, công nghệ trước thu hoạch, phương pháp bảo quản, nhiệt độ và độ ẩm trong lúc bảo quản.

Với phương pháp bảo quản cổ truyền có thể giữ được 3-7 tháng. Với phương pháp này người ta thường đưa hạt sau khi phơi khô khoảng 2-3 giờ vào bảo quản trong các dụng cụ chứa đựng như lu, chum sành, bể xi măng rửa sạch, hong khô. Dưới đáy dụng cụ chứa có lót một lớp tro, lá chuối khô hoặc lá xoan ta rồi cho hạt giống vào.

Chú ý: không được bảo quản lúc hạt còn nóng dễ hấp hơi làm giảm chất lượng hoặc mất sức nẩy mầm. Đổ gần đầy hạt, trên cùng phủ một lớp tro, lá chuối khô để chống ẩm và ngăn chặn sâu mọt xâm nhập tấn công. Kiểm tra định kỳ, nếu thời tiết tốt mà chưa tiêu thụ thì đem phơi thêm một nắng.

Nếu khối lượng hạt lớn nên đem bảo quản trong kho mát, có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Kho bảo quản giống phải khô ráo, thoáng, sạch, có chất cách ẩm. Các bao giống xếp trên kệ cách mặt đất 30cm, cách tường 20cm, cách trần 50cm.

Lưu ý khi sử dụng

Một số chị em phụ nữ có mối lo ngại về sự an toàn của đậu nành, đặc biệt là về bệnh u xơ tử cung, u nang bường trứng, khả năng sinh sản, chức năng tuyến giáp. Nhưng thực sự những lo ngại đó có thực sự đúng không?
 
U xơ tử cung, u nang buồng trứng: Ăn đậu nành trong chế độ ăn uống bình thường không làm tăng nguy cơ u xơ tử cung, u nang buồng trứng. Thậm chí, nó còn có tác dụng bảo vệ.
 
Tuy nhiên, khi bạn đang bị bệnh thì tinh chất đậu nành hàm lượng cao sẽ không tốt cho tình trạng này. Và hãy nhớ rằng, nhiều loại thực phẩm thực vật có chứa nội tiết tố nữ tương tự như đậu nành.
 
Khả năng sinh sản: Hiện chưa có bằng chứng về việc suy giảm khả năng sinh sản ở cả nam giới và phụ nữ khi tiêu thụ lượng đậu nành với chế độ ăn bình thường.
 
Với nam giới, việc sử dụng đậu nành trong chế độ ăn không làm giảm khả năng sinh lý, sự suy giảm này chỉ xảy ra khi sử dụng tinh chất mầm đậu nành ở hàm lượng cao
 
Ảnh hưởng tới tuyến giáp: Một nghiên cứu cho thấy ở một người khỏe mạnh với việc bổ sung iốt đầy đủ thì sử dụng tinh chất mầm đậu nành không gây ảnh hưởng tới tuyến giáp. Ngay cả ăn lên đến 3 lần/tuần trong thời kỳ mang thai, nó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
 
Nếu bạn có vấn đề về tuyến giáp (Bướu cổ, viêm tuyến giáp), đậu nành có thể không tốt cho bạn. Nếu bạn đang dùng thuốc tuyến giáp, bác sĩ có thể cần phải điều chỉnh liều nếu bạn bổ sung với các loại thực phẩm từ đậu nành, bởi vì đậu nành có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc.

Sử dụng vừa đủ, hợp lý với loại thực vật bổ dưỡng này là một cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe. Tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, 60% lượng đạm tiêu thụ hằng ngày là do đậu tương cung cấp. Hàm lượng chất đạm chứa trong đậu tương cao hơn nhiều so với lượng chất đạm chứa trong các loại đậu khác.