Đinh hương

Giá trị dinh dưỡng

Đinh hương (danh pháp khoa học: Syzygium aromaticum, từ đồng nghĩa: Eugenia aromaticum, Eugenia caryophyllata) là một loài thực vật trong họ Đào kim nương (Myrtaceae) có các chồi hoa khi phơi khô có mùi thơm. Nó có nguồn gốc ở Indonesia và được sử dụng như một loại gia vị gần như trong mọi nền văn hóa ẩm thực. Nó có tên gọi là đinh hương có lẽ là do hình dáng của chồi hoa trông khá giống với những cái đinh nhỏ. Đinh hương được trồng chủ yếu ở Indonesia và Madagascar; nó cũng được trồng tại Zanzibar, Ấn Độ, Sri Lanka và "quần đảo Hương liệu" (Molucca tức Maluku, Indonesia, còn được biết với tên gọi quần đảo Banda).

Đinh hương là cây thường xanh có thể cao tới 10-20 m, có các lá hình bầu dục lớn và các hoa màu đỏ thẫm mọc thành cụm ở đầu cành. Các chồi hoa ban đầu có màu nhạt và dần dần trở thành màu lục, sau đó chúng phát triển thành màu đỏ tươi, là khi chúng đã có thể thu hoạch. Các hoa được thu hoạch khi chúng dài khoảng 1,5-2 cm, bao gồm đài hoa dài, căng ra thành bốn lá đài hoa và bốn cánh hoa không nở tạo thành viên tròn nhỏ ở trung tâm.

Công dụng

Đinh hương được sử dụng ở ba dạng chính là hạt còn nguyên, xay thành bột, tinh dầu. Hương thơm của đinh hương rất mạnh và quyến rũ. Tùy vào từng món ăn mà người ta sử dụng đinh hương ở dạng nguyên hay dạng bột, tuy nhiên dạng nguyên vẫn được ưa chuộng hơn. Sức “công phá” của đinh hương rất lớn, vì thế khi nấu chỉ nên cho một hàm lượng vừa phải đủ để tạo mùi mà thôi.

Chúng ta có thể bắt gặp đinh hương ở hầu hết các nhà bếp, dù là bếp ăn gia đình, nhà hàng hay khách sạn lớn. Với đặc điểm chính là vị cay ngọt, mùi thơm, tính nóng, đinh hương được dùng để tăng thêm hương vị cho các món thịt, cà ry và cả những món tráng miệng có vị ngọt.

Ở Trung Quốc, Nhật, người ta sử dụng nhiều trong việc chế biến thành hương liệu. Còn ở Pháp, các đầu bếp lại thích cho đinh hương vào món súp gà. Ở Anh, gia vị này không thể thiếu trong món salad táo. Ở Ấn Độ, dầu đinh hương được chế biến nhiều trong công nghiệp thực phẩm và gia vị, phổ biến như: dưa chua, nước chấm, bánh gia vị. Ở nhiều nơi khác, nhất là ở Indonesia, tinh dầu đinh hương được ưa dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc lá. Còn người Việt lại thích cho đinh hương vào trong hũ dưa, tỏi hay cà muối... mùi vị cũng đặc biệt không kém.

Nếu tinh ý bạn còn có thể bắt gặp đinh hương trong nhiều gia vị khác như: bột cà ry, nước xốt BBQ, vanila, thuốc lá, nước hoa... Thỉnh thoảng tại các quán cà phê ở phương Tây người ta cho vào cà phê và đôi khi còn được trộn lẫn trong cả cần sa. Vị thơm nồng nên đinh hương dễ dàng “kết đôi” được với nhiều “người bạn” quý như tiêu, quế, hồi, vanila, rượu vang đỏ, vỏ cam... nhưng tuyệt nhiên không phù hợp với nghệ. 

Xóa tan căng thẳng: Tinh dầu đinh hương có tác dụng kì diệu trong việc phá tan sự căng thẳng, mệt mỏi. Mùi thơm từ loại thảo dược này kích thích cơ thể thư thái, hưng phấn, giúp lấy lại sự cân bằng của cuộc sống. Sử dụng một lượng tinh dầu đinh hương vừa đủ sẽ giúp bạn ngủ ngon, có lợi cho những người có mắc bệnh mất ngủ, trầm cảm…

Thúc đẩy tiêu hóa: Đinh hương thúc đẩy các enzyme trong cơ thể giúp tăng cường chức năng tiêu hóa. Chúng được sử dụng để chữa bệnh đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Uống hỗn hợp bột đinh hương trộn mật ong có hiệu quả trong việc giảm ói mửa đồng thời xoa dịu cơn đau dạ dày.
Đặc biêt, đinh hương hoàn toàn lành tính đối với phụ nữ có thai, chỉ cần xoa một chút dầu đinh hương pha loãng là bạn có thể đánh bay cơn đầy bụng khó chịu.
 
Chữa lành chứng đau răng: Chỉ cần chà một chút tinh dầu đinh hương vào chỗ răng bị viêm nhiễm, đau nhức, sau một vài phút bạn sẽ có cảm giác bị tê, giảm đau, sát khuẩn hiệu quả. Chính vì thế, đinh hương là một thành phần để chế biến ra kem đanh răng, nước xúc miệng, thuốc chữa đau răng, thuốc làm trắng răng…

Ngoài ra, mùi hương của tinh dầu này còn có tác dụng hữu hiệu trong việc loại bỏ mùi hôi răng miệng. Hòa vài giọt tinh dầu đinh hương vào nước và súc miệng hàng ngày sẽ cải thiện dần mùi hôi khó chịu ấy.

Sát khuẩn: Đinh hương có tính sát trùng rất cao. Dầu đinh hương được sử dụng để điều trị các vết thương ngoài da như nhiễm trùng, bầm tím, vết cắt, nấm, ghẻ, vết côn trùng đốt...
Hơn nữa, loại thảo dược này còn được sử dụng để trị mụn trứng cá, dưỡng da… Dầu đinh hương khá mạnh, khi sử dụng trên da hãy nhớ pha loãng tinh dầu này.
 
Giảm ho: Khí hậu thay đổi khiến cơ quan hô hấp của bạn chưa thích nghi kịp thời, điều đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài. Tuy nhiên, bạn hãy ngậm hỗn hợp bột đinh hương trộn với vài hạt muối tinh để dập tắt các cơn ho ấy. Đinh hương có tác dụng loại bỏ đờm và vi khuẩn gây bệnh trong cổ họng vì tính kháng khuẩn rất cao.

Giảm đau xương khớp: Ngâm đinh hương, quế, gừng vào rượu trắng khoảng 7 ngày là bạn đã có một chai dầu xoa bóp chữa trị bệnh đau khớp hữu hiệu. Ngoài ra, bạn cũng có thể giã nhỏ hỗn hợp này rồi sao nóng và chườm lên chỗ đau mỏi, hiệu quả sẽ rõ rệt.