Khoai môn

Giá trị dinh dưỡng

Khoai môn hay môn ngọt là tên gọi của một số giống khoai thuộc loài Colocasia esculenta Schott, một loài cây thuộc họ Ráy. Cây khoai môn có củ cái và củ con. Củ cái nặng từ 1,5 đến trên 2 kg, ít củ con, chứa nhiều tinh bột.

Ở Việt Nam, Khoai môn hay Khoai sọ bao gồm gần 70 giống khác nhau với nhiều tên gọi theo tiếng của người Kinh và nhiều dân tộc thiểu số khác nhau. Tên gọi khoai môn phổ biến chung ở Miền Nam, trong khi ở Miền Bắc và Miền Trung có phân biệt hai tên gọi này.

Khoai môn là những loài cây thường cho củ cái to từ 1,5 đến trên 2 kg, ít củ con, chất lượng tốt, ăn ngon, bở, nhiều tinh bột. Còn Khoai sọ theo tên gọi ở Miền Bắc chỉ những loài khoai có củ cái nhỏ nhưng nhiều củ con, chất lượng tốt, ăn ngon, bở, nhiều tinh bột. Khoai sọ chủ yếu được trồng ở vùng đồng bằng và trung du.

Công dụng

Khoai môn chứa nhiều vitamin rất cần thiết cho cơ thể như vitamin C, E, B6. Ngoài vitamin, chất xơ… khoai môn còn chứa rất nhiều khoáng chất quan trọng cho sự điều hòa chức năng tim và huyết áp, tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể con người chống lại các chất gây lão hóa da, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Dưới đây là những công dụng chữa bệnh của khoai môn:

Tốt cho phụ nữ mang thai: Chất magie có trong khoai môn rất cần thiết cho sức khỏe của xương và chức năng của hệ thần kinh cũng như hệ miễn dịch. Nó giúp huyết áp trong máu bình thường, đồng thời điều tiết lượng đường trong máu. Chất magie trong củ khoai môn cũng giúp bạn giảm được chứng chuột rút ở chân, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. Một người mỗi ngày cần khoảng 310 mg magie.

Tốt cho người tiểu đường: Theo chuyên gia dinh dưỡng, đối với những người bị bệnh đái tháo đường thường được khuyên là nên chọn các món ăn ít tinh bột và hạn chế tiêu thụ đường, thế nhưng khoai môn lại là sự lựa chọn rất tốt cho họ. Nếu được sự tư vấn sử dụng đúng liều lượng thì người bị bệnh đái tháo đường không bị tăng đường huyết khi ăn khoai môn. Ngoài ra, trong khoai môn còn rất nhiều vitamin A vốn rất tốt trong việc ổn định nồng độ đường trong máu.

Tốt cho người bệnh thận: Những người mắc bệnh thận cần có chế độ ăn uống hợp lý nên kiêng ăn nhiều các chất béo, đường, đạm vì nó khiến cho thận của bạn phải hoạt động nhiều hơn gây đau tức, khó thở. Trong khi đó, khoai môn lại có hàm lượng chất béo, đường, đạm rất ít nhưng thành phần calorie cung cấp năng lượng lại khá cao nên sẽ rất tốt cho những người đang trong quá trình điều trị bệnh thận. Khẩu phần ăn của người mắc bệnh thận trung bình một bữa nên ăn từ 200-300g khoai môn.

Tốt cho hệ tiêu hóa: Khoai môn rất giàu chất xơ và các hạt tinh bột rất có tác dụng với hệ tiêu hóa. Theo chuyên gia dinh dưỡng, cứ một chén khoai môn luộc 132 g sẽ cung cấp 7 g chất xơ (chiếm 27% lượng chất xơ được đề nghị cho cơ thể hằng ngày). Chất xơ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm cholesterol. Vì vậy, những người thường xuyên bị táo bón ăn khoai môn thường xuyên sẽ cải thiện rõ rệt.

Tốt cho người ăn kiêng: Những người đang ăn kiêng nên bổ sung thêm khoai môn vào khẩu phần ăn hàng ngày vì loại củ này không cung cấp chất béo, giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân khá hiệu quả.

Cách chọn

Để chọn được khoai môn có nhiều bột, chọn củ đủ lớn, còn mới, bên trong trắng đục, vân tím. Khoai môn thường có khoai cái và khoai con. Nếu chọn được khoai mới dỡ, bạn nên chọn củ cái (củ cái là củ tròn to có bám nhiều củ con xung quanh, củ con là củ nhỏ bẻ ra từ củ cái) cho chắc - bở và ngọt, nếu khoai đã cũ thì nên chọn củ con cho dẻo vì lúc đó củ cái thường bị sượng. Khoai môn nhiều đầu có hàm lượng nước cao, liên kết mật thiết với nhau nên ăn rất ngọt.

Khi ăn nên chọn những củ có kích thước vừa. Bổ ra, bên trong màu trắng đục, xuất hiện thêm nhiều vân tím thì đó là những củ khoai môn thơm ngon và nhiều bột.

Bảo quản

Bảo quản khoai môn cũng giống như bảo quản khoai sọ.

Hiện nay đối với bà con, thường bảo quản trong thời gian ngắn trước khi đem bán. Cách làm như sau: Lúc mới thu về để cả vầng ở nơi thoáng mát, cao cách mặt đất 15 – 20cm. Khi vầng củ lụi khô chồi đỉnh củ cái có thể xếp vào giàn thấp cách mặt đất 20cm hoặc dưới gầm giường. Cũng có thể bảo quản khoai thương phẩm trong các hầm dưới đất, có quạt thông gió ở các phía.
Bảo quản củ giống: Thực tiễn quản lý, phương pháp bảo quản, duy trì giống truyền thống tại các vùng trong cả nước rất khác nhau, phụ thuộc vào các đặc điểm sinh học của các giống và mục đích trồng trọt. Tuy nhiên có hai phương pháp thường được nông dân sử dụng để bảo quản củ giống là vùi trong đất ẩm, mát ngay ở trên nương rẫy hoặc bảo quản trong nhà (dưới gầm giường hoặc trong túi gai). Những cách này được áp dụng cho tất cả các giống trừ những giống nhân bằng dải bò và đỉnh sinh trưởng.


Lưu ý khi sử dụng

Cần tránh nhầm lẫn khoai sọ với khoai môn. Khoai sọ có kích thước nhỏ, tròn trịa còn khoai môn củ lớn hơn, hơi dài chứ không tròn. 

Khi dùng, nhất thiết phải rửa sạch vỏ, vứt bỏ các phần bị hỏng, phải khoét bỏ vùng khoai có mầm vì ở các loại này có nhiều độc tố, ăn sẽ bị ngộ độc.

Khi ăn khoai môn, không nên gọt vỏ khoai quá dày sẽ làm mất đi lớp protein rất quý chỉ tồn tại ở sát lớp vỏ của củ. Nếu muốn nấu canh, hoặc xào thì nên cạo bỏ lớp vỏ của khoai, còn nấu ăn trực tiếp thì nên để vỏ mà luộc là tốt nhất.

Khoai môn khá lành tính, thế nhưng những người có làn da tay nhạy cảm đôi khi gặp phải phiền phức trong quá trình gọt vỏ khoai. Tay họ có thể bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, khó chịu.