Khoai sọ

Giá trị dinh dưỡng

Khoai sọ là tên gọi của một số giống khoai thuộc loài Colocasia esculenta (L.) Schott, một loài cây thuộc họ Ráy (Araceae). Khoai sọ có nguồn gốc từ các vùng đồng bằng đất ngập nước của Malaysia (taloes). Ước đoán rằng khoai sọ đã trồng trong vùng ẩm nhiệt đới Ấn Độ trước 5000 TCN, có lẽ đến từ Malaysia, và Ấn Độ tiếp tục đưa đến phía tây để đến Ai Cập cổ, nơi nó được mô tả bởi các sử gia Hy Lạp và La Mã như một cây trồng quan trọng. 

Cây khoai sọ có củ cái và củ con. Khác với khoai môn, củ cái khoai sọ nhỏ, nhiều củ con, nhiều tinh bột. Nhóm khoai sọ thích hợp với các loại đất thịt nhẹ, cát pha, giàu mùn, thoát nước tốt, chủ yếu được trồng ở vùng đồng bằng và trung du. Tên khoai sọ được dụng chủ yếu ở miền Bắc. Nhiều vùng khác đồng nhất khoai môn và khoai sọ, gọi chung là khoai môn.

Công dụng

Trong ẩm thực: Khoai sọ thường dùng để chế biến nhiều món canh rất ngon như canh khoai sọ nấu sườn, canh cua khoai sọ, canh khoai sọ rau rút hoặc rau muống… 

Ngoài ra, củ khoai sọ dân dã rẻ tiền đó lại là vị thuốc có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo:Theo khoa học hiện đại, khoai sọ có rất nhiều công dụng chữa bệnh, nhưng do dùng dưới dạng thô chưa tinh chế nên cần phải sử dụng lâu dài thì hiệu quả sẽ thấy rõ rệt.

Khoai sọ có công dụng chữa trị mụn nhọt rất hiệu quả: Theo các chuyên gia về đông y, khoai sọ chứa một hợp chất giúp tái tạo tế bào, tăng sự trao đổi chất nên trong dân gian thường dùng cao khoai sọ đắp vào vị trí bị u bướu, ung nhọt. Khoảng 10 ngày kiên trì đắp cao khoai sọ, khối u sẽ teo hết.

Nhuận tràng, hạn chế cao huyết áp: Trong 100g khoai sọ có 1,5g chất xơ, đáp ứng được 27% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Chất xơ này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột, đại tràng, thải độc và làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể.

Khoai sọ chứa một lượng kali khá lớn, giúp kiểm soát mức huyết áp đồng thời hạn chế nguy cơ bị cao huyết áp. Lượng chất xơ dồi dào trong khoai sọ giúp nhuận tràng, thải cặn bã ra khỏi cơ thể nhanh chóng.

Trong khoai sọ có nhiều chất xơ, các hạt tinh bột giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn. Những người bị táo bón thường xuyên có thể dẫn đến bệnh trĩ, do đó để giúp điều trị táo bón, nhuận tràng hơn, chúng ta có thể sử dụng khoai sọ hàng ngày. Bạn có thể luộc hoặc dùng khoai sọ để nấu canh.

Khoai sọ bổ tỳ, vị nên giúp tăng chất lượng dịch vị tiêu hóa, kết hợp với lượng chất xơ phong phú sẽ giúp quét sạch ruột, ngăn ngừa nguy cơ ung thư đại, trực tràng.


Hàm lượng vitamin C và B6 dồi dào trong khoai sọ giúp cơ thể tăng đề kháng, chống lão hóa. Trong khoai sọ có chứa hơn 17 loại acid amin rất cần thiết cho cơ thể. Khoai sọ còn chứa omega-3 và 6 rất tốt với tim mạch, góp phần ngăn ngừa ung thư cũng như phòng tránh bệnh tật nói chung.

Khoai sọ chứa một hợp chất giúp tăng tái tạo tế bào, làm cho cơ tế bào hoạt động mạnh, tăng tốc độ trao đổi chất, giúp duy trì sự tươi trẻ, làm cho da trơn láng và giữ độ ẩm. Chính lý do này khiến người Nhật Bản gọi khoai sọ là “cội nguồn của tuổi trẻ từ thiên nhiên”.

Theo y học cổ truyền, khoai sọ là thực phẩm lành tính, bổ dưỡng có tính bình, vị cay ngọt, vào 3 kinh tỳ (lá lách), vị (dạ dày) và đại tràng.

Cả 3 kinh này đều đảm nhiệm chức năng tiêu hóa thức ăn. Khoai sọ chữa được tất cả chứng bệnh về hệ tiêu hóa như đau dạ dày, chán ăn, tiêu hóa kém, đầy bụng, ợ hơi, đi ngoài phân lỏng, hay bị đau bụng….

Khoai sọ chứa nhiều tinh bột, chất xơ, đường, lipid, nhiều a-xít amin và các khoáng chất (Ca, P, Fe) tốt cho cơ thể. Khoai sọ được đánh giá là một trong những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe của con người.

Hỗ trợ trị viêm thận: Không chỉ giàu chất xơ, trong khoai sọ còn chứa cả vitamin và phốt pho tạo điều kiện tốt chữa những người bị viêm thận. Bạn có thể dùng khoai sọ trong thực đơn hàng ngày như nấu với rau muống, canh thịt… nhưng nêm gia vị nhạt hơn so với những người bình thường.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng khoai sọ nấu với gạo thành cháo, có thể cho thêm một chút đường sẽ có tác dụng phòng cũng như hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận mãn tính.

Ngăn ngừa suy nhược cơ thể: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng từ gluxit được đưa vào mỗi ngày nên chiếm 60 - 70% tổng năng lượng. Trong khi đó, khoai sọ chứa nhiều gluxit giúp cung cấp nhiều năng lượng, góp phần nuôi dưỡng tế bào thần kinh và chống suy nhược cơ thể.

Nhất là đối với người mới ốm dậy, người bị gầy, có dấu hiệu suy nhược cơ thể thì nên dùng canh khoai sọ móng giò hay khoai sọ nấu thịt sẽ giúp cơ thể mau chóng phục hồi.

Giúp tiêu khát, giải nhiệt: Mùa hè luôn làm chúng ta cảm thấy khát và cơ thể luôn cần một lượng nước hơn bình thường. Chính vì vậy bạn có thể dùng khoai sọ để nấu với cua và rau muống giúp tăng cường sức khỏe, tiêu khát, giải nhiệt trước thời tiết nóng bức, khó chịu.

Ngoài ra, lá khoai sọ tính mát, vị cay, có tác dụng cầm mồ hôi, chữa ra nhiều mồ hôi, tiêu chảy. Hoa khoai sọ tính bình, vị the có khả năng chữa đau dạ dày, sa tử cung, sa trực tràng… Bên cạnh đó, cuống lá khoai sọ còn được sử dụng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy, điều hòa chức năng tiêu hóa…

Cách chọn

Cách chọn khoai sọ nhiều bột: chọn củ khoai đủ lớn, còn mới, bên trong trắng đục, vân tím. Khoai sọ thường có khoai cái và khoai con. Nếu chọn được khoai mới dỡ, bạn nên chọn củ cái (củ cái là củ tròn to có bám nhiều củ con xung quanh, củ con là củ nhỏ bẻ ra từ củ cái) cho chắc - bở và ngọt.

Nếu khoai đã cũ thì nên chọn củ con cho dẻo vì lúc đó củ cái thường bị sượng. Khoai cái nhiều đầu có hàm lượng nước cao, liên kết mật thiết với nhau nên ăn rất ngọt.

Bảo quản

Hiện nay đối với bà con, thường bảo quản trong thời gian ngắn trước khi đem bán.

Cách làm như sau: Lúc mới thu về để cả vầng ở nơi thoáng mát, cao cách mặt đất 15 – 20cm. Khi vầng củ lụi khô chồi đỉnh củ cái có thể xếp vào giàn thấp cách mặt đất 20cm hoặc dưới gầm giường.

Cũng có thể bảo quản khoai thương phẩm trong các hầm dưới đất, có quạt thông gió ở các phía.


Bảo quản củ giống: Thực tiễn quản lý, phương pháp bảo quản, duy trì giống truyền thống tại các vùng trong cả nước rất khác nhau, phụ thuộc vào các đặc điểm sinh học của các giống và mục đích trồng trọt. Tuy nhiên có hai phương pháp thường được nông dân sử dụng để bảo quản củ giống là vùi trong đất ẩm, mát ngay ở trên nương rẫy hoặc bảo quản trong nhà (dưới gầm giường hoặc trong túi gai). Những cách này được áp dụng cho tất cả các giống trừ những giống nhân bằng dải bò và đỉnh sinh trưởng.


Lưu ý khi sử dụng

Khoai sọ là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon, nhưng khâu gọt khoai khiến nhiều người e ngại vì hay bị ngứa tay. Tuy nhiên, có một số mẹo rất dễ thực hiện giúp chị em thoát khỏi tình trạng này:

Đeo găng tay: Đây là cách đơn giản nhất, dễ dàng nhất khi gọt khoai sọ. Bạn chỉ việc đeo một 1 đôi găng tay nilon hoặc cao su để gọt vỏ.

Luộc khoai với muối loãng: Hòa khoảng 2 muỗng cà phê muối vào 1 lít nước rồi cho khoai vào nồi. Bắc bếp đun lửa lớn đến khi nước bắt đầu sôi thì đổ khoai ra rổ, xả nước lạnh cho khoai nguội bớt và lột vỏ. Việc này sẽ giúp bạn không bị ngứa khi gọt khoai. 

Để khoai khô khi gọt: với khoai tây hay khoai lang bạn thường rửa vỏ bên ngoài rồi mới gọt tuy nhiên với khoai sọ thì không nên làm như vậy. Hãy để nguyên đất bám vào khoai, để tay thật khô rồi gọt vỏ khoai. Gọt xong ngâm khoai vào nước muối loãng 10 phút rồi đổ ra rổ để chuẩn bị chế biến. Lưu ý trong quá trình ngâm khoai không nên cho tay trực tiếp vào khoai. 

Nướng sơ khoai trước khi gọt vỏ: Gói khoai vào giấy bạc rồi nướng sơ trong lò nướng hoặc cho khoai vào bát nước lạnh và đun trong lò vi sóng đều được. Nướng khoai giúp bạn bớt ngứa tay khi gọt khoai rất nhiều. 

Nếu chẳng may trong quá trình gọt khoai thực hiện không đúng cách khiến bạn bị ngứa, bạn có thể tham khảo các cách làm sau:

Pha nước dấm: Đối với một số người da nhạy cảm, không chỉ bị ngứa tay, đôi khi ngứa toàn thân, có thể dùng 2 muỗng canh dấm pha vào nước, tắm sẽ hết ngứa cả người.

Ăn rau má trộn dấm: Nhiều chị em còn chia sẻ kinh nghiệm, nếu chẳng bị ngứa khi gọt khoai sọ, bạn có thể ăn rau má trộn dầu dấm, cách này sẽ giúp giảm ngứa nhanh chóng.

Nước muối pha nước chanh: Nước muối pha loãng cùng vài giọt nước chanh cũng có thể khiến bạn hết ngứa nhanh sau khi ngâm.