Lá lốt

Giá trị dinh dưỡng

Lá lốt là cây thân thảo đa niên, có tên khoa học Piper lolot thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae), gồm các loài như trầu không, hồ tiêu... Một số địa phương còn gọi là "nốt", (ở Nam bộ có nơi gọi là "Lá lốp"). Cây lá lốt cao khoảng 30–40cm, mọc thẳng khi còn non, khi lớn có thân dài không thể mọc thẳng mà trườn trên mặt đất. Lá đơn, có mùi thơm đặc sắc, nguyên, mọc so le, hình tim, mặt lá láng bóng, có năm gân chính phân ra từ cuống lá, cuống lá có bẹ. Hoa hợp thành cụm ở nách lá. Quả mọng, chứa một hạt.

Công dụng

Nói về công dụng của cây lá lốt thì có rất nhiều, trong dân gian người ta sử dụng làm gia vị khi chế biến các món ăn trong các bữa ăn hàng ngày, ngoài ra còn có công dụng như một vị thuốc chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay chân.

Chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân tê buốt: Rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc; chia uống 3 lần trong ngày.  

Chữa phong thấp, đau nhức xương: Rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống.

Chữa phù thũng: Lá lốt 12g, rễ cà gai leo 12g, rễ mỏ quạ 12g, rễ gai tầm xoọng 12g, lá đa lông 12g, mã đề 12g. Sắc uống ngày 1 thang.  

Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân: Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày. 

Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: Lá lốt 50g, lá đậu ván trắng 50g, lá khế 50g. Giã nát, thêm ít nước, ép gạn lấy nước cho uống ngay trong khi chờ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế. 

Bệnh tổ đỉa: Lá lốt giã nát chắt lấy nước cốt, uống hết 1 lần. Bã cho vào nồi đổ 3 bát nước sắc kỹ dùng để rửa vùng tổ đỉa. Rửa xong lau khô rồi lại lấy bã lá lốt đã sắc đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 – 2 lần, liên tục 5 – 7 ngày sẽ khỏi. 

Đau nhức xương khớp: 20 gr lá lốt, 12 gr thiên niên kiện, 16 gr gai tầm xoang, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, chia uống trong ngày. Uống liền trong một tuần.

Viêm nhiễm âm đạo, ngứa: 50 gr lá lốt, 40 gr nghệ, 20 gr phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi liu riu khoảng 10 – 15 phút rồi chắt lấy một bát nước dùng rửa âm đạo. 

Lưu ý khi sử dụng

Người bình thường: Một ngày chỉ nên ăn từ 50 – 100g lá lốt/người. Lá lốt có vị nồng, tính ấm nên nếu sử dụng nhiều, thường xuyên sẽ gây ra tình trạng nóng trong, nhiệt miệng, táo bón…

Những người đang bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón (biểu hiện lợi hàm sưng đỏ, lưỡi khô, môi nẻ, đi tiêu khó khăn, nóng bức trong người…) thì không nên dùng lá lốt vì sẽ làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Người đang cho con bú: Các nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm dân gian đều cho rằng, lá lốt có thể gây ra hiện tượng mất sữa ở phụ nữ đang cho con bú. Vì vậy, với những chị em muốn đảm bảo nguồn sữa cho con thì hãy tránh xa loại lá này, nếu có chỉ nên sử dụng một lượng vừa phải và không nên dùng thường xuyên.