Lúa mạch đen

Giá trị dinh dưỡng

Lúa mạch đen hay hắc mạch, hay bo bo dưới thời bao cấp. tên khoa học Secale cereale, là một loài cỏ phát triển rộng khắp, có vai trò là một loại lương thực, một loại cây trồng phủ đất và thức ăn gia súc. Nó là một loài trong bộ Triticeae và có quan hệ gần gũi với lúa mạch và lúa mì. Hạt của lúa mạch có thể ăn hoàn toàn, bằng cách luộc hoặc xay nát như yến mạch.

Công dụng

Lúa mạch đen giúp giảm cân: Trong một nghiên cứu khoa học của Đại học Lund – Thụy Điển được công bố vào năm 2010, những con chuột được cho ăn khẩu phần ăn với ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lúa mì hoặc lúa mạch đen trong vòng 22 tuần. Trong suốt quá trình nghiên cứu, trọng lượng cơ thể, sự dung nạp glucose, và một vài những chỉ tiêu khác nữa được đo lường. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng lúa mạch đen nguyên cám đã tạo ra một cơ chế trao đổi khác với lúa mì. Cụ thể là cân nặng của những con chuột tiêu thụ lúa mạch đen nguyên cám giảm, sự nhạy cảm với của chúng với insulin được cải thiện nhẹ, và lượng cholesterol cũng thấp hơn.

Cải thiện đường huyết và giảm sự phản ứng của insulin: Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh béo phì và tiểu đường, thực phẩm tạo ra lượng phản ứng insulin thấp và ngăn chặn cảm giác đói trở nên rất hữu ích. Các nhà khoa học ở Đại học Lund – Thụy Điển đã nghiên cứu ảnh hưởng của các loại bột lúa mạch đen khác nhau (nội nhũ, lúa mạch đen nguyên cám, bột cám lúa mạch đen) lên cơ thể con người. 12 người khỏe mạnh được cho sử dụng các sản phẩm được làm từ các loại bột lúa mạch đen khác nhau từ các phương thức khác nhau (nướng, bột được trộn với men chua và nướng lên, và đun sôi) vào bữa sáng. Kết quả nghiên cứu cho thấy bánh mì làm từ bột nội nhũ và lúa mạch đen nguyên cám (đặc biệt loại trộn với men chua có axit lactic) giúp kiểm soát tốt nhất lượng đường trong máu và làm giảm sự phản ứng của insulin. Nghiên cứu còn cho thấy các sản phẩm từ lúa mạch đen còn sở hữu một đặc tính có lợi cho cơ thể đó là kiểm soát sự thèm ăn.

Giúp no lâu hơn so với bột mỳ: Tại trường Đại học Khoa học Nông nghiệp thuộc Uppsala – Thụy Điển, các nhà nghiên cứu đã cho 16 người ăn bánh mì làm từ lúa mạch đen với 3 cấp độ khác nhau của cám lúa mạch đen và bánh mì làm từ lúa mì. Sau đó, họ hỏi những người tham gia cuộc thử nghiệm đánh giá về sự thèm ăn (đói, thỏa mãn/no và muốn ăn) 8 giờ sau đó. Kết quả cho thấy bánh mì làm từ lúa mạch đen giúp làm giảm cơn đói và sự thèm ăn. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy bánh mì làm từ lúa mạch đen với hàm lượng cám cao nhất giúp thỏa mãn tốt nhất cảm giác no.

Là một lựa chọn rất tốt cho bữa sáng: Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Khoa học Nông nghiệp thuộc Uppsala – Thụy Điển đã tiến hành nghiên cứu xem liệu thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên cám có giúp con người có cảm giác no và thỏa mãn hơn sau khi ăn so với ngũ cốc tinh chế và liệu có món ăn nào được chế biến từ ngũ cốc nguyên cám giúp no lâu hơn các món ăn khác cũng được chế biến từ ngũ cốc nguyên cám. Nghiên cứu được tiến hành trên 22 người khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã đưa cho những người tham gia hoặc cháo nấu từ lúa mạch đen hoặc bánh mì trắng làm từ bột mì cho bữa sáng và sau đó là món mì sợi làm từ lúa mì hoặc mì sợi làm từ bột mì cho bữa trưa (bột mì là sản phẩm có được sau khi tinh chế lúa mì). Các món ăn được chế biến đều có cùng lượng năng lượng (calories). Kết quả cho thấy cả 2 món mì được làm từ lúa mì và bột mì cho kết quả khác nhau rất nhỏ trong việc ảnh hưởng đến sự thèm ăn của người tham gia. Tuy nhiên, cháo làm từ lúa mạch đen cho cảm giác no lâu hơn hẳn so với bánh mì làm từ bột mì. Cảm giác no kéo dài lên đến 8 tiếng đồng hồ sau khi ăn cháo làm từ lúa mạch đen. Hơn nữa, mặc dù cháo làm từ lúa mạch đen cho cảm giác no lâu hơn, nó không làm giảm lượng tiêu thụ thức ăn sau đó.

Giảm tình trạng viêm ở những người có hội chứng chuyển hóa: Tại Đại học Kuopio thuộc Phần Lan, các nhà nghiên cứu đã tiến hành ngiên cứu trên 47 người trưởng thành có hội chứng chuyển hóa với 2 chế độ khẩu phần ăn khác nhau trong vòng 12 tuần liên tục. Nhóm 1 được cho ăn khẩu phần với yến mạch, bánh mì trắng và khoai tây (phản ứng cao với insulin sau ăn) và nhóm 2 được cho ăn khẩu phần với bánh mì lúa mạch đen và mì ống (phản ứng thấp với insulin sau ăn). Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng nhóm có khẩu phần ăn với lúa mạch đen và mì ống cho thấy tình trạng viêm thấp hơn so với nhóm còn lại. Vì tình trạng viêm là một trong những nguy cơ dẫn đến tiểu đường nhóm 2, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng việc lựa chọn thức ăn với loại ngũ cốc thích hợp sẽ đóng 1 vai trò quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ bị tiểu đường, đặc biệt ở những người đã có hội chứng chuyển hóa.

Điều chỉnh giảm một số gene xấu: Trong suốt nhiều thập kỉ con người tin rằng gene quyết định số phận của họ. Chẳng hạn như nếu một số người mang trong mình gene có thể gây ra bệnh về tim, họ sẽ gặp phải bệnh về tim mạch. Tuy nhiên gần đây, chúng ta biết rằng gene cũng có cơ chế đóng/ mở. Có nghĩa những người mang trong mình gene có thể dẫn đến bệnh tim có thể đóng hoặc mở khóa những gene đó bằng chế độ ăn uống và lối sống của họ. Nghiên cứu trên 47 người trung niên với khẩu phần ăn với yến mạch, bánh mì trắng và khoai tây hoặc bánh mì lúa mạch đen và mì ống, các nhà nghiên cứu của Đại học Kuopio Phần Lan đã nhận thấy rằng với nhóm ăn bánh mì lúa mạch đen và mì ống, 71 gene được điều chỉnh giảm, trong đó có gene liên quan tới giảm tín hiệu insulin, so với 62 gene điều chỉnh tăng với nhóm còn lại, trong đó có cả những gene liên quan tới stress và phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch.