Muối

Giá trị dinh dưỡng

Muối ăn hay trong dân gian còn gọi đơn giản là muối (tuy rằng theo đúng thuật ngữ khoa học thì không phải muối nào cũng là muối ăn) là một khoáng chất, được con người sử dụng như là chất bảo quản cũng như là gia vị. Thành phần của muối ăn gồm chủ yếu là chất vô cơ có công thức hóa học là NaCl, một phần KCl và các khoáng chất khác. Muối ăn có vị mặn chát.

Có rất nhiều dạng muối ăn: Muối thô, muối tinh, muối iốt. Thông thường muối có dạng tinh thể, màu từ trắng tới có vết của màu hồng hay xám rất nhạt, thu được từ nước biển hay các từ các mỏ muối. Muối thu được từ nước biển có các tinh thể nhỏ hơn muối mỏ. Muối mỏ có thể có màu xám hơn vì dấu vết của các khoáng chất vi lượng. Muối tinh, được sử dụng rộng rãi hiện nay, chủ yếu là chứa NaCl. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 7% lượng muối tinh được sử dụng trong đời sống hàng ngày như là chất thêm vào thức ăn. Phần lớn muối tinh được sử dụng cho các mục đích công nghiệp. Muối i-ốt là muối tinh được bổ sung thêm iốt dưới dạng của một lượng nhỏ iốtua kali.

Ngày nay, muối nguyên chất không còn thông dụng nữa, người ta chuyển sang dùng muối i-ốt vốn có lợi hơn cho sức khỏe. Một số người cho rằng muối thô tốt hơn cho sức khỏe hay tự nhiên hơn. Tuy nhiên muối thô có thể chứa không đủ lượng i-ốt cần thiết để phòng ngừa một số bệnh do thiếu i-ốt như bệnh bướu cổ.

Công dụng

Muối rửa mặt giúp sach bụi bẩnMuối được các chuyên gia chứng minh là có tác dụng giúp bài trừ bụi bẩn, bã nhờn và se khít lỗ chân lông một cách rất hiệu quả. Bạn lấy một lượng vừa muối ăn nhỏ vào lòng bàn tay, đổ thêm chút nước ấm rồi thoa đều lên mặt và vùng cổ theo hình tròn. Tuy nhiên, lượng muối không được quá nhiều, chỉ nên cho 1/4 thìa cafe muối hòa với 20ml nước là vừa đủ. 

Trị mụn đầu đen: Nếu bạn kiên trì dùng tinh thể muối hòa trong nước thoa lên mặt đã được rửa sạch, mụn đầu đen sẽ được loại bỏ sau một thời gian. Sau khi đợi khoảng 5 – 10 phút tùy vào tình trạng mụn của bạn, massage nhẹ nhàng để các tinh thể muối rớt dần xuống. Cuối cùng, rửa mặt lại bằng nước lạnh. Những tinh thể muối sẽ lấy đi chất bẩn và những cồi mụn.  

Tẩy tế bào chết: Sau khi tắm xong, hãy lấy một muối hột hay muối biển chà xát nhẹ nhàng lên mặt hay vùng da cơ thể để loại bỏ những lớp da chết và bụi bẩn một cách triệt để. Bạn cũng có thể massage nhẹ nhàng, muối sẽ kích thích các mạch máu lưu thông giúp da bạn trắng hồng, mịn màng hơn.  

Giúp săn chắc da: Giã nhuyễn muối hột sau đó cho vào một túi vải hơ lên lửa cho ấm rồi chườm lên vùng mắt hoặc vùng bụng. Mỗi bên mắt chườm khoảng 5 phút, riêng bụng nên để khoảng 20 phút. Rất tốt cho những tình trạng mắt phù nề và vùng bụng không săn chắc của phụ nữ sau khi sinh.  

Ngăn chặn kiến: Nếu nhà bạn nhiều kiến bạn hãy rắc muối ở ô cửa, ngưỡng cửa sổ và bất cứ nơi nào mà kiến thường kéo vào nhà. Kiến không thích bò trên muối.

Giữ hoa tươi lâu: Hoa được tươi lâu hơn nhờ muối, đó là điều được nhiều người áp dụng vì mang lại hiệu quả cao. Bạn chỉ cần hòa tí muối vào nước trong bình hoa sẽ giúp hoa tươi lâu hơn (cũng có thể dùng thuốc aspirin hoặc tí đường để đạt hiệu quả tương tự).

Bảo vệ đáy lò nướng: Nếu món bánh nướng hoặc nồi thịt hầm sôi sùng sục tràn ra lò, thả một nhúm muối lên trên vết tràn sẽ không bị bốc khói và mùi, đồng thời làm vết bẩn gom tụ cứng lại để dễ dàng lau chùi khi lò nướng nguội.

Dập tắt lửa dầu mỡ: Đặt một hộp muối gần lò nấu và lò nướng, nếu ngọn lửa bùng lên do dầu mỡ văng xuống, cho nhúm muối vào sẽ giúp dập tắt ngọn lửa bùng (đừng dùng nước để dập tắt ngọn lửa dầu mỡ vì dầu mỡ sẽ văng tung tóe). 

Làm sạch chảo dính dầu mỡ: Rắc ít muối lên nồi chảo bằng gang bám nhiều dầu mỡ rồi dùng khăn giấy lau sạch, sau đó rửa sạch trở lại.  

Lau chùi tủ lạnh: Khuấy dung dịch muối và nước soda rồi lau chùi và khử mùi bên trong tủ lạnh mà không cần dùng những hóa chất làm sạch, gây hại cho thực phẩm.  

Tẩy vết rỉ: Trộn muối và kem tartar với lượng nước vừa đủ để tạo thành bột sệt. Chà xát lên chỗ bị rỉ, để khô, dùng khăn khô mềm phủi sạch và đánh bóng. Cũng có thể dùng muối và chanh để tẩy sạch rỉ. 

Làm sạch vết ố trên ly: Ly uống nước của bạn bị ố vàng, hãy trộn muối với nước rửa chén rồi cọ nhẹ trên những vết ố do cà phê và trà bám trên ly rồi rửa sạch.  

Bảo quản

Sau khi mua về và khi sử dụng để trong lọ có nắp đậy hoặc túi nilông buộc kín. Đối với muối i-ốt, do i-ốt là chất dễ bay hơi nên lưu ý không rang muối i-ốt, không để muối i-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào. Dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô xong lại dùng tiếp đợt khác.

Lưu ý khi sử dụng

Natri là một trong những chất điện giải cơ bản trong cơ thể: Quá nhiều hay quá ít muối ăn trong ăn uống có thể dẫn đến rối loạn điện giải, có thể dẫn tới các vấn đề về thần kinh rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết người.

Muối ăn là tối thiết cho sự sống, nhưng việc sử dụng quá mức có thể làm tăng độ nguy hiểm của các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh cao huyết áp: Thói quen ăn mặn hoặc chế biến mặn các loại thức ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều (quá lượng nước cho phép), tích giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác và gây “ mệt mỏi” cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này.

Ngoài việc ăn mặn gây tăng huyết áp, dẫn đến các bệnh về tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương: Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.