Nấm rơm

Giá trị dinh dưỡng

Nấm rơm hay nấm mũ rơm (danh pháp hai phần: Volvariella volvacea) là một loài nấm trong họ nấm lớn sinh trưởng và phát triển từ các loại rơm rạ. Nấm gồm nhiều loài khác nhau, có đặc điểm hình dạng khác nhau như có loại màu xám trắng, xám, xám đen… kích thước đường kính "cây nấm" lớn, nhỏ tùy thuộc từng loại. Là loại nấm giàu dinh dưỡng. Nấm rơm chứa nhiều vitaminA, B1, B2, PP, D, E, C và chứa bảy loại a-xít amin. 

Công dụng

Trong ẩm thựcNấm rơm là loại nấm chứa khá nhiều dinh dưỡng cho cơ thể. Ở Việt Nam, nấm rơm được sử dụng phổ biến trong ẩm thực bởi nó dễ trồng, ăn lại ngon. Có thể dùng nấm rơm để xào, nấu soup, canh hay làm salad...Tùy vùng miền mà nấm rơm được chế biến và sử dụng trong các món ăn khác nhau. Ví dụ như ở miền Nam người ta hay dùng nấm rơm để xào với thịt bò, thịt lợn, nấu lẩu, thậm chí để kho với thịt gà và thịt heo, để nướng với thịt lươn hoặc kho chay nếu thích.

 

Nấm rơm có tác dụng kháng ung thư, hạ cholesterolCó thể bạn không tin, nhưng trong nấm rơm có một loại hoạt chất là protid dị chủng. Chính vì thế, nên khi bạn ăn thường xuyên loại nấm này thì sẽ giúp cho cơ thể nâng cao khả năng chống ung thư.

Bản thân nấm rơm có vị ngọt, mang tính hàn, có tác dụng khử nhiệt, làm hạ cholesterol và tiêu thực. Ở một số nơi người ta còn dùng loại nấm này để bào chế thành thuốc chữa bệnh thiếu máu.

Chữa bệnh liệt dương: ít ai biết rằng, nam giới bị bệnh liệt dương có thể sử dụng nấm rơm sẽ cải thiện bệnh nhiều. Nếu xào nấm rơm với thịt ếch hoặc thịt chim sẻ, ăn nóng, có tác dụng kích dục.

 

Cách chọn

Cách chọn nấm rơm ngon và an toàn không khó. Bạn hãy chọn loại nấm rơm có hình tròn, vẫn còn búp. Không nên chọn loại đã nở to ra. Nấm rơm có màu đen bao giờ cũng ngon hơn nấm rơm có màu trắng.

Nếu nấm rơm bạn đã để trong khoảng thời gian dài, nấm sẽ có mùi hôi. Để loại bỏ mùi hôi này cũng đơn giản thôi: Nấm đã được cạo sạch bạn cho vào trong một thau nước có pha sẵn nước muối rồi ngâm trong khoảng 15 phút, bạn sẽ thấy nấm rơm không còn mùi hôi nữa mà sẽ thơm như lúc đầu.

Bảo quản

Khi nấm mua về mà chưa dùng và bạn muốn bảo quản thì đầu tiên ta cần phải rửa nấm. Không nên rửa quá sạch nấm vì thân nấm ở dạng xốp và hình sợi cho nên nếu bạn bạn rửa quá kĩ làm cho nước lã đọng lại trên mình nấm thấm vào cây nấm làm cho nấm bị nhạt nhẽo vì vậy bạn chỉ cần rửa qua thôi cho hết những chất bẩn bám ở bên ngoài vào.
Nếu buổi sáng mua nấm mà buổi chiều dùng ngay bạn chỉ cần để nấm ở một nơi thoáng mát không cần phải cho vào túi ni lông, không cần buộc kín.

Trường hợp bạn muốn để nấm lâu hơn thì bạn hãy cho nấm vào những túi hút chân không rồi bỏ vào tủ lạnh hoặc cũng có thể dùng cách cho nấm rơm chần qua nước sôi khoảng 2 phút rồi vớt ra thả luôn vào nước lạnh và cứ để như thế cho vào ngăn mát tủ lạnh. Với cách làm này bạn có thể bảo quản nấm trong khoảng 3 đến 4 ngày mà nấm vẫn tươi ngon và có thể phát huy hết tác dụng của nấm rơm.

Nếu muốn để nấm lâu hơn 4 ngày không nên dùng tủ lạnh và không nên để nấm sống nữa mà cần phải sấy cho nấm khô lên bằng cách sau: Nấm khi bạn mua về rửa qua cho hết bẩn rồi dùng dao nhỏ sắc chẻ nấm ra làm đôi cho lên mâm sạch phơi nắng cho khô. Nếu mùa hè nắng to giòn nắng chỉ cần phơi hai ngày là được. Khi nào dùng chỉ cần ngâm nấm vào nước là nấm nở ra và ta lại có nấm tươi để sử dụng rồi. Với cách bảo quản này có thể để nấm đến tận 6 tháng, để đảm bảo hơn nữa thì thi thoảng nên đem nấm ra phơi.


Muối nấm để bảo quản: Sử dụng cách muối nấm cũng là một cách bảo quản tốt. Mua nấm rơm về rồi làm sạch, cho luộc qua nước sôi. Trong quá trình luộc cần dùng đũa nhấn nấm cho chìm hẳn xuống nước rồi khi nấm chín, vớt ra, thả ngay vào chậu nước lạnh. Khi thả vào chậu nước lạnh ngay lập tức bạn chắt nước đó đi rồi liên tục thay nước cho đến khi nấm nguội hoàn toàn thì vớt nấm ra rổ để ráo nước. Sau đó cho nấm vào hỗn hợp nước muối đã pha thêm một chút axit nữa để bảo quản nấm rồi đậy kín lọ. Sau 15 ngày là có thể dùng được. Tuy nhiên với cách làm nấm muối này bạn cần thực sự chú ý lúc nào nấm cũng phải chìm sâu trong nước.

Lưu ý khi sử dụng

Một số sai lầm phổ biến trong chế biến nấm mà nhiều người thường mắc phải:

Rửa nấm trực tiếp bằng nước: Thân nấm có dạng xốp, sợi nên khi rửa dễ khiến nước đọng lại trong khe kẽ, khiến món ăn không có được độ ngọt đặc trưng. Thay vào đó, bạn nên dùng một chiếc khăn giấy ẩm, thấm sạch hoặc chải nhẹ theo đường rãnh. Nếu cảm thấy bất tiện, chị em có thể rửa nhanh nấm dưới vòi nước dạng hơi sương, thấm khô rồi mới chế biến.

Chế biến nấm ở nhiệt độ thấp, ninh lâu: Thân nấm chứa lượng nước đáng kể, việc duy trì ngọn lửa nhỏ khiến nấm khó có thể chín đều. Trường hợp này, nên sử dụng ngọn lửa lớn để nước nhanh chóng thoát ra ngoài, làm chín nấm mà vẫn giữ được màu đặc trưng đẹp mắt.

Cho quá ít dầu: Do chế biến ở ngọn lửa lớn nên nấm dễ bị cháy sém. Chính vì vậy, cần tính toán lượng dầu phù hợp ngay từ đầu để chảo nấu không bị quá khô.

Chế biến nấm trong chiếc nồi quá nhỏ: Giống như các loại nguyên liệu khác, sử dụng nồi quá nhỏ khiến nấm khó có thể tiếp xúc nhiệt lượng phù hợp. Tốt nhất, hãy lựa chọn một chiếc chảo đủ lớn để món ăn chín tới, màu sắc đẹp mắt.

Cắt nấm thành nhiều mảnh nhỏ: Bản thân nấm khá tươi xốp nên quá trình chế biến có thể bị tách ra từng mảnh. Chính vì vậy, bạn nên để nguyên chúng hoặc thái thành miếng vừa phải phòng trường hợp nấm bị quắt lại hoặc nát khi đảo với thức ăn.

Ngoài ra khi sơ chế các loại nấm, nên nhẹ nhàng tránh làm nấm bị dập nát dễ nhiễm khuẩn. Vết cắt ở nấm sẽ chuyển màu đen khi tiếp xúc với không khí. Vì vậy, nếu sử dụng nấm tươi, tốt nhất nên cắt ngay trước khi dùng hoặc dùng nước cốt chanh bôi vào vết cắt.

Mặc dù nấm rơm lành tính, song cũng như các loại rau củ khác, không nên ăn quá nhiều và liên tục trong thời gian dài. Bạn có thể ăn cách nhật hoặc cách tuần, đồng thời theo dõi sự biến chuyển của cơ thể để bổ sung hoặc giảm bớt cho phù hợp.