Nghệ

Giá trị dinh dưỡng

Nghệ hay nghệ nhà, nghệ trồng, khương hoàng là cây thân thảo lâu năm thuộc họ Gừng, có củ (thân rễ) dưới mặt đất. Nó có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Tamil Nadu, phía đông nam Ấn Độ, và cần nhiệt độ từ 20 độ C đến 30 độ C (68 độ F và 86 độ F) và một lượng mưa hàng năm đáng kể để phát triển mạnh. Cây được thu hoạch hàng năm để lấy phần củ, và được nhân giống từ một phần trong số củ đó vào mùa sau. Khi không được sử dụng ngay, củ được luộc trong khoảng từ 30 đến 45 phút và sau đó đem sấy khô trong lò nóng. Sau đó chúng được nghiền ra thành một loại bột có màu vàng cam sậm mà thường được sử dụng làm gia vị trong ẩm thực Tamil và kể cả các loại cà ri, hoặc để nhuộm màu, tạo màu cho các loại gia vị mù tạc. Thành phần hoạt động của nó là chất curcumin với hương vị hơi cay nóng, hơi đắng, có mùi mù tạc, và ‘mang hương vị của đất’ một cách khác biệt.

Công dụng

Trị mụn: Nhờ vào tính chất kháng khuẩn và khử trùng có chứa trong nghệ, mụn trứng cá có thể được điều tiết và giảm nhẹ một cách hiệu quả. Đối với những người sở hữu làn da quá nhờn thì việc thường xuyên sử dụng nghệ có thể giúp kiểm soát sự tiết dầu trên da cũng như khiến các vết sẹo mụn trứng cá mờ dần và biến mất theo thời gian.

Cầm máu: Nghệ giúp cầm máu rất nhanh, hơn nữa nó lại có thể kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi bị các vết đâm hay đứt tay chân… đổ bột nghệ vào chỗ vết thương, sau đó dùng gạc băng lại và ép nhẹ vào chỗ bị thương để cầm máu.

Bệnh ung bướu: Curcumin (thành phần hoạt chất chính trong tinh bột nghệ) có tiềm năng đáng kể như một tác nhân phòng chống ung bướu.

Chống bệnh tim: Bạn có thể giảm hàm lượng cholesterol độc hại trong máu và có khả năng phòng chống lại chứng xơ vữa động mạch bằng tinh bột nghệ.

Chữa bệnh viêm khớp: Tinh bột nghệ có tác dụng giảm đau khi bạn bị chứng viêm khớp quấy nhiễu.

Cách chọn

Nghệ mà còn quá non cũng không có nhiều tinh nghệ mà nghệ già quá thì chỉ chủ yếu còn chất xơ. Bạn nên lựa chọn những củ nghệ mà có màu đậm từ bên trong ra bên ngoài.

Bảo quản

Nghệ hoàn toàn có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường, nhất là mùa đông, nghệ giữ tươi được khá lâu. Bạn cũng có thể dùng giấy bạc quấn chặt củ nghệ và để ở nơi thoáng mát.

Có thể vùi nghệ trong cát và bảo quản ở nhiệt độ thường được vài tháng.

Lưu ý khi sử dụng

Nghệ có tác dụng rất tốt trong việc điều trị và chữa bệnh; tuy nhiên, nếu dùng quá liều hoặc dùng trong thời gian dài có thể gây ra nguy hiểm đến sức khỏe. Mọi người nên lưu ý để tránh mắc sai lầm trong ăn uống khi sử dụng nghệ, vì nếu lạm dụng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ dưới đây:

Gây chảy máu: Một số hợp chất trong nghệ nếu tiêu thụ vào cơ thể quá nhiều có thể làm chậm quá trình đông máu, vì vậy nó có thể dẫn đến chảy máu. Nếu đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc liên quan đến tiểu cầu thì nên lưu ý khi dùng nghệ. Tốt nhất nên tham khảo tư vấn của bác sĩ hoặc tránh dùng nghệ.

Tiêu chảy và buồn nôn: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ nghệ với liều lượng lớn có thể bị tiêu chảy, đổ mồ hôi, buồn nôn do nó có tính cay và kích thích dạ dày. Vì vậy, hãy giảm liều hoặc tránh dùng nghệ nếu bị tiêu chảy và buồn nôn.

Đau bụng: Do có tính cay, dùng nghệ trong một thời gian dài có thể gây ra đau bụng. Để tránh tác dụng phụ này, nên dùng bột nghệ để có thể dễ dàng tan trong ruột, các chất dinh dưỡng được hấp thu ở ruột non nhiều hơn và giảm khó chịu cho dạ dày.

Kích thích ử cung: Nghệ được biết đến là một chất có thể gây kích thích tử cung, vì vậy có thể có lợi cho dòng chảy kinh nguyệt. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú cần phải cẩn thận khi dùng nghệ để tránh bất kì tác hại cho em bé.