Ngò

Giá trị dinh dưỡng

Ngòngò rí hay còn gọi là Rau mùi, hồ tuy, mùi tui, mùi ta, nguyên tuy, hương tuy, là loài cây thân thảo sống hằng năm thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc bản địa từ Tây Nam Á về phía tây đến tận châu Phi.

Có thể cao 30–50 cm, thân nhẵn, phía trên phân nhánh. Lá ở gốc có cuống dài, có 1 đến 3 lá chét, lá chét hình hơi tròn, xẻ thành 3 thuỳ có khía răng to và tròn; những lá phía trên có lá chét chia thành những thùy hình sợi nhỏ và nhọn. Hoa trắng hay hơi hồng, hợp thành tán gồm 3-5 gọng, không có tổng bao; tiểu bao gồm 2-3 lá chét đính ở một phía. Quả bế đôi hình cầu, nhẵn, dài 2 – 4 mm, gồm hai nửa (phân liệt quả), mỗi nửa có bốn sống thẳng và hai sống chung cho cả hai nửa.

Công dụng

Cây có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị. Ở nhiều nước vùng ven Địa Trung Hải, một số nước Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc, mùi được trồng quy mô lớn để lấy quả làm thuốc và cất lấy tinh dầu trong công nghiệp làm nước hoa.

Theo Đông y, rau mùi ta (rau ngò) có vị cay, tính ôn, thơm, có tác dụng kích thích tiêu hóa, long đàm, tăng tiết sữa, giải nhiệt, dùng để chữa tiêu ra múa, sởi chóng mọc, ăn khó tiêu, giun kim, lợi sữa, mẩn đỏ. Ngoài ra, người ta còn dùng cả rễ và lá làm thuốc. Theo dân gian thì mùi kích thích tiêu hoá và lợi sữa.

Hạt tươi có mùi hắc nhưng sấy lên thì mùi trở nên thơm, dễ chịu, có công dụng gây hưng phấn thần kinh, kích dục, tăng trí nhớ, kích thích ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt hơn, chữa nôn, trướng bụng, gây trung tiện, giảm đau răng, đau thắt dạ dày ruột.

Hàm lượng carotene trong lá gấp 10 lần cà chua, dưa chuột và đậu rán. Hàng lượng calci, sắt cao hơn các loại rau khác. Ngoài ra còn chứa các vitamin B1, B2, B6, B12, C, E và các chất khoáng như kiềm, selen, magie, đồng,... Ăn nhiều rau mùi ta là một cách tốt để ngăn ngừa bệnh tim, nhờ nó trung hòa muối natri và chất béo. Rau mùi ta có thể phối hợp với hầu hết các loại rau có trong các món nấu thịt gà, thịt bò, thịt heo, cá,...

Các bài thuốc chữa bệnh bằng rau mùi ta:
- Đậu sởi khó mọc: quả rau mùi 80g, rượu 0.1 lít, nước 0.1 lít. Quả rau mùi tán nhỏ đun sôi, đậy kín. Lọc bỏ bã, trộn với rượu, phun từ đầu tới chân, trừ mặt, đậu sẽ mọc ngay. Hoặc: Rau mùi sắc với nước, để nguội rồi uống, đắp mền cho vã mồ hôi, sởi sẽ mọc nhanh.
- Giải nhiệt: Dùng rau mùi hay rễ rau mùi sắc với nước khi nào hơi cô, chia ra uống nhều lần.
- Giun kim: Hạt rau mùi tán nhỏ, trộn với trứng gà luộc, thêm ít dầu mè, giã nhuyễn tất cả, nhét vào hậu môn.
- Kiết lỵ: Dùng hạt rau mùi chừng một nắm, sao thơm, tán nhỏ mỗi lần uống chừng 8g với nước đường nếu lỵ ra máu, nếu lỵ có đàm thì dùng với nước gừng.
- Khó tiêu, đau bụng lâm râm sau khi ăn: Rau mùi 1 nắm, vỏ quít 8g, sắc với nước, uống khi nước ấm.
- Lòi dom: Hạt rau mùi, quả rau mùi đốt lên, tắt cho khói bốc lên để xông vào hậu môn.
- Lợi sữa: Quả rau mùi 6g, nước 0.1 lít, đun sôi, ngày uống 2 lần. Hoặc: Hạt rau mùi nấu với gạo nếp, ăn thường xuyên.
- Loét niêm mạc lưỡi: Rau mùi 20g, rau húng chanh 10 lá, tất cả ngâm nước muối, nhai kỹ, nuốt từ từ.
- Mẩn đỏ: Vò nát rau mùi chà xát lên chỗ mẫn đỏ.
- Trĩ: Hạt rau mùi sao cho thơm, tán nhỏ uống với rượu lúc bụng đói.

Cách chọn

Tùy từng mục đích sử dụng mà ta chọn loại ngò rí khác nhau.

Nếu dùng làm rau thơm thì chọn loại cây mềm, không già, không non, vừa tới.

Nếu làm thuốc, chọn loại cây và hạt già mới cho tác dụng cao.

Bảo quản

Nếu dùng làm rau thơm có thể bảo quản trong tủ mát bắng cách cho vào túi nilon, buộc chặt, không để đồ nặng lên ngò để tránh dập nát.

Có thể dùng cách phơi khô để bảo quản lâu hơn nhưng với phương pháp này ta chỉ dùng cho rễ, hạt và ngò già để làm thuốc chữa bệnh hay lá tắm.

Lưu ý khi sử dụng

Những người bị gan:  Do rau mùi chứa một số tinh dầu dễ bay hơi kích hoạt các cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể. Ngoài ra, trong rau mùi có các chất oxy hóa mạnh giúp loại bỏ các vấn đề về gan. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn ăn rau mùi với số lượng vừa phải, nếu ăn quá nhiều, các thành phần trong rau sẽ làm việc ngược lại, tăng bài tiết mật và cuối cùng là làm tổn hại đến gan. Vì vậy những người bị bệnh gan nên hạn chế ăn loại rau này.

Những người bị bệnh dạ dày:  Rau mùi được biết đến là một loại thảo dược chữa các vấn đề về tiêu hóa. Nhưng nếu lạm dụng nó, dạ dày có thể gặp rắc rối, kéo theo các hiện tượng rối loạn tiêu hóa khác nhau. Theo một báo cáo y tế, sử dụng 200ml chiết xuất rau mùi trong vòng 1 tuần liền gây ra các triệu chứng như hình thành khí trong bụng, đau dạ dày, đau bụng, nôn mửa, thậm chí di chuyển không vững.

Không tốt cho phụ nữ mang bầu:  Các mẹ đang trong quá trình mang thai không nên ăn nhiều rau mùi vì có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của các bé. Một số thành phần có trong rau mùi được biết đến là làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tuyến sinh dục phụ nữ, gây nguy hiểm cho phụ nữ có thai và sức khỏe thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ.

Người có cơ địa dễ bị dị ứng:  Tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi có tính gây kích ứng da, vì vậy những người tiếp xúc thường xuyên với lá và hạt rau mùi cần chú ý mang găng tay khi tiếp xúc.