Ngũ vị hương

Giá trị dinh dưỡng

Ngũ vị hương (trong tiếng Trung gọi là 五香粉-ngũ hương phấn) là một loại gia vị tiện lợi dùng trong ẩm thực của người Trung Hoa hay Việt Nam, đặc biệt hay dùng trong ẩm thực của người Quảng Đông. Nó bao gồm 5 loại vị cơ bản trong ẩm thực là: mặn, ngọt, chua, cay, đắng.

Thành phần của ngũ vị hương không giống nhau trong từng loại công thức pha chế. Nó có thể bao gồm bột của các loại thực vật sau: sơn tiêu (hay hoa tiêu hoặc xuyên tiêu, thuộc chi Zanthoxylum), nhục quế (Cinnamomum aromaticum), đại hồi (Illicium verum), đinh hương (Syzygium aromaticum), tiểu hồi hương (Pimpinella anisum).

Tuy nhiên, người ta cũng có thể dùng một công thức pha chế khác bao gồm nhục quế, hồ tiêu (Piper nigrum), đinh hương, tiểu hồi hương và đại hồi. Nó được sử dụng trong các món ăn (vịt, bò) quay hay hầm hay các món cà ri.

Bột ngũ vị hương bán trên thị trường có thể có thêm bột ớt hay gừng. Ngũ vị hương đóng gói sẵn ở Việt Nam thường có: đại hồi, đinh hương, nhục quế, ngọc khấu, hồ tiêu, trần bì (tức vỏ quýt (Citrus reticulata) phơi khô tán thành bột), hạt ngò, thảo quả (Amomum hongtsaoko), hạt điều để tạo màu đỏ. Ngoài ra, còn có vài công thức ngũ vị hương khác như: hạt ngò, tiểu hồi, bạch đậu khấu (Amomum kwangsiense hay A.kravanh/compactum), hồ tiêu.

Công thức chế biến ngũ vị hương dựa trên nền tảng triết học Trung Hoa cổ về sự cân bằng âm-dương trong thực phẩm.

Mặc dầu gia vị này được sử dụng nhiều trong các món ăn chế biến tại nhà hàng, nhưng nhiều người nội trợ thông thường không dùng nó trong nấu ăn hàng ngày. Tại Hawaii, một số khách sạn có các lọ đựng ngũ vị hương ngay trên bàn ăn.

Công dụng

Ngũ vị hương là gia vị hỗn hợp gồm 5 loại vị cơ bản trong ẩm thực: Mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Mỗi vùng đất có công thức pha chế riêng, nhưng phổ biến nhất là: Hoa tiêu, quế, đinh hương, hồi hương, hạt cây thì là.

Ngoài tính năng làm tăng hương vị của món ăn thì cả 5 vị trên đều có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Công thức chế biến ngũ vị hương dựa trên nền tảng về sự cân bằng âm - dương trong thực phẩm.

Hồi hương: Là quả của một loại cây luôn xanh tươi, có hình cánh hoa xòe ra. Cây trồng được khoảng 6 năm thì bắt đầu thu hoạch và thời gian thu hoạch có thể kéo dài gần trăm năm. Quả được hái khi chưa chín và để phơi cho chín trên các phên mắt cáo, cho đến khi có màu nâu gỉ sắt. Có thể chữa đau họng, ho, và ngậm cho hơi thở thơm tho.

Hoa tiêu: Còn gọi là tiêu Szechwanhay xuyên tiêu, không phải thuộc họ tiêu vì nó không cay, mà thật ra là họ chanh, có hương vị thật mạnh tựa như mùi long não. Người ta chỉ dùng vỏ ngoài màu đỏ sẫm để xay thành bột sau khi phơi khô. Do không dễ kiếm trên thị trường nên nó được thay thế bằng tiêu hột. Hoa tiêu chỉ được cho vào lúc cuối khi chế biến và kết hợp rất tốt với các món cá. Có tính năng kháng viêm cao.

Đinh hương: Là nụ hoa nguyên búp của cây đinh hương, được phơi khô trong 3 ngày và có hương thơm, nhiều tinh dầu, hơi vàng nâu và rắn. Nụ đinh hương phải được bảo quản trong tối và mát. Người ta dùng đinh hương để ướp thịt, cá, dùng trong bánh ngọt và thức uống. Đinh hương được dùng để trị nấc cụt, thổ tả, đau bụng, kích thích tiêu hóa, sát trùng mạnh (nhai đinh hương để phòng dịch cúm), tinh dầu đinh hương dùng trong nha khoa để sát khuẩn, giảm đau, dùng trong mỹ phẩm, nước hoa.

Quế: Gia vị lấy từ vỏ cây quế, có mặt trong các món ngọt tráng miệng châu u, nhưng lại được dùng nhiều trong các món mặn tại châu Á. Quế là loại tương đối đắt tiền từ trước đến nay. Quế được biết đến nhiều như là một gia vị có tính năng kích thích tiêu hóa, sát khuẩn, trị tiêu chảy và đau dạ dày, se lỗ chân lông, chữa trị cảm cúm và cảm lạnh...

Thì là: Loại cây có thể dùng cả lá, hột hoặc củ rễ để làm gia vị. Người Trung Quốc và Ấn Độ biết đến cây này từ rất sớm. Người Hy Lạp và người Ai Cập cổ đại đã biết đến gia vị này như một liều thuốc hồi sức. Thì là có tính lợi tiểu trong trường hợp suy thận hoặc trong chế độ ăn giảm cân, trợ tiêu hóa, chống chướng hơi và giúp hơi thở thơm tho.