ỚT
Giá trị dinh dưỡng
Cây ớt thuộc loại cây bụi nhỏ, cao 0,5-1m, phân cành nhiều. Lá nguyên, mọc đối, hình trái xoan nhọn. Hoa mọc ở nách lá, thường đơn độc, ít khi thành đôi. Ðài hợp hình cái chuông. Tràng hình bánh xe hay hình chuông, chia 5 thuỳ, màu trắng hay vàng nhạt. Nhị 5, bầu 2-3 ô. Quả mọng, có hình dạng, khối lượng và màu sắc khác nhau: thuôn, mảnh hẹp, tròn, màu đỏ, vàng, tím, xanh tùy loại.
Có 2 loại ớt: Ớt ngọt (ớt không cay) và ớt cay
Ớt ngọt là loại ớt có vị từ thanh nhẹ đến ngọt, có thể được ăn sống hoặc nấu chín. Một số giống có vị ngọt nhưng hơi đắng. Có rất nhiều giống ớt ngọt khác nhau như ớt chuông, ớt sừng, ớt cachucha, ớt cuban, ớt Tây ngọt, ớt pimento, ớt sáp. Mỗi giống có kích thước, hình dạng, độ dày và màu sắc khác nhau. Màu phổ biến là màu lục khi mới ra trái và màu đỏ khi chín hoàn toàn. Một số màu sắc khác khi ớt mới ra quả có thể là màu ngà, vàng, cam, tím, nâu nhưng phần lớn đều chuyển sang màu đỏ khi chín. Ớt chuông (người Việt Nam quen gọi là ớt Đà Lạt) là giống ớt ngọt phổ biến nhất, có vị ngọt thanh, hình quả chuông, đa số có màu lục khi ra trái nhưng chuyển sang màu đỏ nếu không được thu hoạch tới khi chín hẳn.
Ớt cay, thường gọi chung là “ớt”, có hơn 200 giống ớt cay khác nhau. Ớt cay cho nhiều hình dạng, kích thước và mùi vị khác nhau. Từ hình tròn tới hình dài và hẹp, ớt có nhiều kích thước khác nhau từ ngắn hơn 2.5cm tới hơn 30cm. Chúng có thể có hình cầu tròn hoặc dài hẹp với một đầu nhọn. Chúng có vị từ thanh nhẹ tới rất cay. Nói chung, ớt càng nhỏ thì càng cay. Như vậy, những trái ớt lớn thường có vị thanh nhẹ, trong khi những trái ớt nhỏ hơn thì cay và nóng. Cảm giác cay nóng gây ra bởi ớt là do một tự nhiên gọi là capsaicin tạo nên vị cay trong miệng của bạn. Capsaicin có trong phần xơ màu trắng nằm ở giữa và xung quanh phần ruột ớt. Bỏ xơ và hạt sẽ giảm được độ nóng của ớt.
Công dụng
Không chỉ là gia vị thêm ngon miệng cho bữa ăn, ớt còn là "vị thuốc quý" giúp giúp ngăn ngừa bệnh tim, tránh được tình trạng huyết áp tăng cao, tăng sức đề kháng, chống ung thư,... Mới đây, nhiều nghiên cứu cho thấy ớt có những tác dụng chữa bệnh bất ngờ như giảm mỡ máu, cải thiện hệ tiêu hóa ...
Chữa bệnh vẩy nến: Lá ớt cay 1 nắm to (1 nắm chặt tay và đem sao chín nhưng không cháy), tinh tre đằng ngà cạo lấy 1 bát, lá sống đời (lá thuốc bỏng) 7-9 lá, thiên niên kiện khoảng 300g. Tất cả cho vào nồi với 2 lít nước, đun sôi kỹ, uống dần thay nước chè, uống chừng 3 ấm là khỏi.
Chống tiểu đường: Công trình nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tasmania, Úc vào năm 2011 cho thấy, thường xuyên ăn ớt có thể giúp cơ thể kiểm soát được nồng độ insulin trong máu, điều này sẽ mang lại lợi ích cho người tiểu đường. Theo nghiên cứu này, những người theo chế độ ăn uống có thêm ớt đã giảm được lượng đường trong máu hơn 60% so với những người không ăn.
Chữa rụng tóc do hóa trị liệu: Ớt trái 100g, ngâm với rượu trắng trong 10-20 ngày. Dùng rượu này bôi lên da đầu có tác dụng kích thích mọc tóc.
Chữa viêm khớp mãn tính: Ớt trái 1-2 quả; Dây đau xương, thổ phục linh (củ khúc khắc) mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 tháng.
Đau bụng kinh niên: Rễ cây ớt, rễ chanh, rễ hoàng lực, mỗi thứ khoảng 10g. Sao vàng, sắc uống ngày 1 tháng.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Nếu ăn cay vừa phải sẽ giúp tăng tiết dịch vị, giúp tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, đồng thời tránh bị đầy hơi. Khi ăn ớt, vị cay kích thích thần kinh vị giác để được chuyền lên não bộ. Não bộ phản ứng bằng cách tăng nhịp tim, giãn mạch cục bộ, tăng tiết nước bọt, hắt hơi. Để giảm cảm giác đau nóng của ớt, não bộ tiết ra một chất giảm đau là endorphin. Với nồng độ cao, chất này gây cảm giác thoải mái. Người ghiền ớt đã quen với cảm giác này, bữa ăn thiếu ớt sẽ mất ngon. Quả ớt có chứa chất capsaicin có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây loét dạ dày, ngăn chặn việc tạo ra acid chua, tăng lượng máu chảy vào niêm mạc dạ dày giúp ngừa tình trạng loét hoặc làm lành những vết loét. Tuy nhiên, những người hay ợ chua thì không nên dùng ớt, vì điều này có thể làm bệnh thêm nghiêm trọng.
Giảm cân: Thành phần chất cay của ớt (chất capsaicin) tạo khả năng sinh nhiệt rất lớn, có tác dụng lan tỏa và đốt cháy các chất béo, đốt cháy nhiều calo hơn ngay sau bữa ăn. Ngoài ra, chất này còn giúp làm tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể, tạo cảm giác no và nhờ đó giúp giảm cân. Khi cơ thể hấp thu chất cay từ ớt, não sẽ tăng cường hoạt động, thúc đẩy sự chuyển tải của hệ thần kinh, làm cho thận tiết ra các dịch thể. Khi thận tiết ra các dịch thể sẽ đốt cháy chất béo, vì vậy có tác dụng giảm béo.
Giảm đau: Chất capsaicin dồi dào trong ớt kích thích não bộ sản xuất ra chất endorphin, một móc-phin nội sinh có tác dụng giảm đau, đặc biệt cho những người bị viêm khớp mãn tính và ung thư.
Ngừa tai biến tim mạch: Nghiên cứu cho thấy, ớt chứa các hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, ngăn ngừa nguy cơ tai biến tim mạch. Ngoài ra, ớt cũng giúp hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Lượng vitamin C phong phú trong ớt có thể khống chế xơ cứng động mạch và làm giảm cholesterol. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, ớt có tác dụng sát trùng, chống ôi thiu, chống lạnh và chứa một số dưỡng chất nên giúp con người đề phòng và chữa một số bệnh.
Tăng sức đề kháng: Đối với những bệnh như: cảm cúm, cảm lạnh và những bệnh liên quan đến đường hô hấp thì ớt và các thức ăn cay là “thuốc ngừa” hiệu quả.
Cách chọn
Với ớt cay: Ớt có nhiều màu khác nhau như đỏ, lục, cam, vàng, trắng và đen. Khi mua ớt, không nên lấy những trái ớt với da nhăn nheo và nhạt màu.
Với ớt ngọt: Nên lấy những trái ớt có da bóng, không tì vết và không bị giập. Không chọn ớt có da nhăn nheo. Quả ngon nhất và có vị rõ ràng nhất khi đã ra quả nhưng không chín hoàn toàn.
Bảo quản
Với ớt ngọt: Chúng có thể trữ được ít nhất một tuần nếu được cho vào túi nhựa và để trong tủ lạnh. Nếu ớt đã chín, thời gian nó giữ được độ tươi sẽ ít hơn.
Với ớt cay: Ớt tươi có thể bảo quản tốt trong tủ lạnh, trong khi ớt khô cần phải trữ ở những khu vực khô ráo, độ ẩm thấp và tránh ánh sáng trực tiếp.
Lưu ý khi sử dụng
Những người không nên ăn ớt
Người có bệnh viêm loét dạ dày mãn tính, người bị bệnh viêm thực quản: Vị cay nóng của ớt có hại cho niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến men tiêu hóa của dạ dày, gây khó tiêu và có nguy cơ loét dạ dày nếu ăn quá cay.
Người mắc bệnh tim, não, cao huyết áp, viêm khí quản mãn tính, bệnh phổi: Trong ớt chứa các nhân tố khiến lượng máu trong quá trình tuần hoàn tăng cao, tim đập nhanh, nếu xảy ra trong thời gian dài có thể dẫn đến suy tim, thậm chí là tử vong.
Người bị bệnh về mật: Chất kích thích trong ớt làm tăng dịch vị trong dạ dày. Dịch vị tiết ra nhiều khiến túi gan co lại làm cho dịch gan tiết ra khó khăn hơn, từ đó dẫn đến viêm túi gan và tuyến tụy.
Những người bị bệnh trĩ: Các chất kích thích trong ớt gây tích nước trong tĩnh mạch có thể làm bệnh nặng thêm, thậm chí còn hình thành mủ trong hậu môn.
Ngoài ra, chất cay nóng của ớt rất dễ gây bốc hỏa, kích thích nhiều chứng bệnh như: Bệnh thận, đau mắt đỏ, bệnh về da. Người có thể trạng kém, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không nên ăn thức ăn cho quá nhiều ớt.
Những cách đơn giản giúp bạn loại bỏ cay mắt hoặc rát tay khi cắt ớt
Sử dụng lát khoai tây thoa đều hai bên mặt dao trước khi cắt.
Để thau nước lạnh bên cạnh, vừa cắt vừa nhúng dao vào thau nước.
Để ớt vào ngăn đá của tủ lạnh trong vòng khoảng 10 phút trước khi cắt hoặc ngâm vào nước đá để tránh bị rát tay khi không may chạm tay vào ớt khi đang cắt.
Khi bị rát tay do ớt: Xoa một ít đường cát vào chỗ bị cay; hoặc dùng giấm, rượu, tro bếp.