Sấu xanh

Giá trị dinh dưỡng

Quả sấu là loại quả của cây sấu. Khi vào mùa sấu, quả sấu được bán rất nhiều tại các chợ ở miền Bắc Việt Nam, trước đây có giá rẻ và dễ mua. Khi còn xanh, quả sấu được dùng để nấu canh chua, ngâm nước uống. Quả chín được dùng làm ô mai sấu, làm sấu dầm, tương giấm v.v. Các sản phẩm chế biến từ quả sấu được nhiều người Việt Nam ưa thích, đặc biệt là phụ nữ. Chỉ riêng món ô mai sấu cũng đã được làm thành nhiều loại như: sấu chua dòn, sấu dầm chua cay, sấu dầm chua mặn, sấu ngọt, sấu ngâm gừng v.v và loại nào cũng rất "đắt hàng".

Công dụng

1. Trị nhiệt miệng, háo khát, ngứa cổ, đau họng

Lấy quả sấu chín dầm đường hoặc muối ăn ngay trong ngày. Hoặc lấy từ 4 – 6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8g cùi quả sấu khô hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền.

2. Trị nôn nghén cho phụ nữ mang thai

Lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt ăn cũng chóng lành. Hoặc dùng quả sấu xanh ngâm đường uống cùng giúp giảm nôn nghén, tuy nhiên không nên uống nhiều vì có thể gây tăng đường huyết cho bà bầu.

3. Chữa ho

Có nhiều cách dùng quả sấu chữa ho như sau: Cùi quả sấu tươi 15g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3 – 5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Hoặc cùi sấu tươi 25g sắc với 250ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày. Hoặc lấy hoa, quả sấu sắc với 300ml nước còn lại 100ml, chia ra 2 – 3 lần uống trong ngày. Chữa ho cho trẻ em: Lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.

4. Tăng cường tiêu hóa

Lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn ngay.

5. Chữa say rượu

Dùng 4 – 6g cùi quả sấu khô sắc lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi mà uống. Hoặc dùng nước sấu ngâm đường và gừng để uống rất có hiệu quả. 6. Trị mụn nhọt, lở ngứa Dùng lá ấu tươi đun nước tắm rửa hoặc lá sấu rửa sạch, giã nát, bọc bằng băng gạc sạch đắp lên vết mụn.

Cách chọn

Chọn loại sấu bánh tẻ là tốt nhất vì lúc này thịt sấu còn dày, hạt nhỏ, nên chỉ cần dùng ít quả mà vẫn được nồi canh ngon lành, còn sấu già thì có khi chỉ gọt vỏ thôi, cũng đã gần vào đến hạt.

Bảo quản

Sấu đem cạo vỏ (bằng cái nạo), rửa sạch, để thật ráo nước (se mặt quả sấu lại). Nhiều người thường chỉ cắt cuống sấu cho hết nhựa chảy ra ngoài, để ráo nước rồi cho ngăn đá tủ lạnh. Cách này cũng được, tuy nhiên, nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị chát của vỏ. Hơn nữa, sấu còn tươi, cạo (hoặc gọt) vỏ rất dễ. Nếu để trong ngăn đá rồi sau mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm.

Lưu ý khi sử dụng

Quả sấu tươi thường có vị chua, nhất là khi còn xanh nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thể đa toan nên tránh dùng. Bạn cũng không nên ăn sấu khi đang đói vì nó không những khiến bạn cồn cào trong bụng mà còn hại dạ dày. Ngoài ra các đối tượng khác như trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng loại quả này vì hệ tiêu hóa của những đối tượng này rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu. Mùa hè chúng ta thường ngâm sấu để lấy nước uống. Tuy nhiên sấu được ngâm với nhiều đường vượt mức cho phép nên nếu uống nhiều cũng không tốt cho sức khỏe. Ăn nhiều đồ ngọt làm đường trong máu tăng, tụy phải hoạt động nhiều để giải phóng insulin điều chỉnh đường huyết. Nếu sự việc này diễn ra liên tục sẽ làm suy giảm chức năng tụy, tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch và huyết áp. Bạn cũng không nên uống nước sấu vào lúc đói vì sấu có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày.