Sán lá trong trứng gà không kí sinh ở người

Thứ Hai, 29/10/2012 03:13

1,839 xem

0 Bình luận

(0)

3648

Dù chỉ mới nghe thông tin về trứng có sán prosthogonimus ovatus và chưa hiểu hết cơ chế lây nhiễm, tác động tới sức khỏe ra sao, nhiều bà mẹ đã quyết định không cho con ăn trứng.

Theo các chuyên gia, sán lá prosthogonimus ovatus trong trứng gà mới được phát hiện gần đây rất hiếm gặp, chưa có một tài liệu nào công bố loài sán này kí sinh ở người. Tuy nhiên, rất nhiều loại sán, kí sinh trùng khác có thể lây bệnh cho người nếu trứng không được nấu chín.

Không nên từ bỏ trứng

Việc kinh doanh trứng gà mấy ngày nay khá ế ẩm. Chị Hoàng Thị Mười chuyên bán trứng gà tại chợ Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khách hàng mua trứng ít hẳn. “Họ chuyển sang ăn các thực phẩm khác vì lo ngại sán từ trứng”, chị Mười nói.

Trong khi đó, theo PGS. TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng bộ môn Kí sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), người dân không nên quá lo lắng mà từ bỏ trứng. Loài sán lá có tên khoa học là prosthogonimus ovatus được Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật và Viện Thú y xác định là loài sán kí sinh trên gà, vịt, ngỗng và chim rừng. Chúng kí sinh ở trong ống dẫn trứng của vật chủ. Việc sán chui vào trứng lúc trứng còn non là việc có thể xảy ra tuy hiếm gặp. “Chưa có tài liệu nào công bố loài này kí sinh ở người. Chính vì vậy, loại sán lá này có hại đối với gia cầm và chim mà thôi, chưa xác định nguy hiểm đối với con người. Dù có ăn phải loại sán này thì chúng cũng không thể tồn tại được trong cơ thể người bởi người không phải vật chủ kí sinh của chúng”, TS Nguyễn Văn Đề trấn an.

TS. BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng Khoa Virus - Kí sinh trùng (BV Bệnh nhiệt đới TƯ) cho biết, sán lá không kí sinh ở người, không lây sang người, rất dễ chết khi trứng gà nấu chín ở nhiệt độ từ 80 độ.

Ổ vi khuẩn ở vỏ trứng

Cũng theo TS. BS Nguyễn Tiến Lâm, với những người thường xuyên hút trứng gà sống hoặc trứng chần qua rồi ăn thì có nguy cơ nhiễm trứng sán, ấu trùng sán. Khi trứng sán vào trong cơ thể sẽ phát triển thành ấu trùng đi vào các tổ chức gây bệnh.

“Tốt nhất là người dân không nên hút trứng sống, vì mình không thể biết được con sán đó đã đẻ hay chưa đẻ, có trứng hay chưa có trứng. Nếu con sán đấy nó đẻ trong trứng gà thì khi hút sống đương nhiên là đã hút cả trứng sán. Hơn nữa, bằng mắt thường chúng ta rất khó phát hiện thực phẩm nhiễm sán. Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nhiễm các loại kí sinh trùng nguy hiểm này thì không nên ăn đồ ăn sống”,TS. BS Nguyễn Tiến Lâm nói.

Ngoài trứng gà, ấu trùng sán (sán lá gan lớn và sán lá ruột lớn) còn sống trong rau thủy sinh như rau muống, cần, cải xoong… có tại cả 52 tỉnh thành. Sán lá gan lớn thường gây tổn thương dạng u trong gan và nhầm với u gan, nhất là ung thư gan, có trường hợp vỡ khối u gây nguy hiểm tính mạng.

Cua đá chứa mầm bệnh sán lá phổi paragonimusspp, lưu hành ở ít nhất 10 tỉnh miền núi phía Bắc. Bệnh sán lá phổi hầu hết chẩn đoán nhầm với lao nên nhiều người khi mắc đều điều trị lao năm này sang năm khác, có người điều trị lao 30 năm gây tốn kém và sức khỏe người bệnh, trong lúc đó điều trị sán lá phổi chỉ trong 2 ngày.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ở vỏ trứng gà luôn chứa nhiều loại vi khuẩn do trứng hay bị dính phân gà. Ống dẫn trứng của gà mái nối liền với hậu môn, do đó trứng gà và phân đều được đưa ra ngoài qua đường hậu môn.

Trong các loại vi khuẩn có ở phân gà, có một loại vi khuẩn rất phổ biến là salmonella. Loại vi khuẩn này chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 80 - 100 độ C. Chính vì vậy, nếu trong quá trình lấy lòng trứng ra khỏi vỏ mà vỏ quả trứng không được rửa sạch thì vi khuẩn có thể bị dính vào lòng trứng. Ăn phải quả trứng có vi khuẩn còn sống thì người ăn có thể mắc phải nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dẫn đến đau bụng và tiêu chảy.

(Theo Chaobuoisang)

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading