Không còn đau đầu về thực đơn cho bé: "Tết cho con ăn gì?"

Thứ Ba, 02/02/2016 11:09

34,185 xem

0 Bình luận

(0)

4648

Cùng với niềm vui sum họp gia đình vào dịp Tết, nỗi lo thường gặp của các phụ huynh có con nhỏ là: "Cho bé ăn gì để bé không bị rối loạn tiêu hóa, không bị béo phì, không bị suy dinh dưỡng…?” Sức khỏe của trẻ nhỏ luôn là mối quan tâm lớn nhất trong gia đình, vì vậy nỗi lo của các bạn vào mỗi dịp tết đến là điều không thể tránh khỏi. Dinh dưỡng cho bé như thế nào giúp bé luôn có sức khỏe tốt để cả

Tâm lý "Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên mọi người thường  ăn uống "thoải mái”. Các bữa ăn trong gia đình vào những ngày Tết thường nhiều đạm, thiếu rau xanh. Hầu như nhà nào cũng có một mâm ngũ quả để cúng nhưng trái cây để "ăn được” thì rất ít. Bánh chưng bánh tét được làm từ nếp, thịt, đậu xanh nên rất giàu chất dinh dưỡng và năng lượng rất cao, vì vậy nhiều bé béo phì không kiểm soát được cân nặng vì không thể từ chối trước những miếng bánh đầy thịt, mỡ quá hấp dẫn! Các loại thức ăn ngọt cung cấp năng lượng rất cao, chỉ cần 40g-50g mứt các loại, hoặc 14 viên kẹo trái cây, hoặc 1 lon nước ngọt sẽ cung cấp năng lượng bằng một chén cơm! Năng lượng của các thực phẩm này được cung cấp chủ yếu từ đường, nên nó là nguyên nhân làm cho trẻ béo phì dễ tăng cân và trẻ suy dinh dưỡng dễ biếng ăn, sụt cân.

Còn những thức ăn "vui miệng” tưởng chừng như "chẳng đáng là bao” như hạt dưa, hạt bí, chỉ cần "lai rai” khoảng 50-80g cũng cung cấp năng lượng bằng 1 chén cơm.

Chính những món ăn truyền thống ngày Tết và thói quen "ăn Tết” trong gia đình của người Việt Nam là nguyên nhân của việc "không ăn gì mà sao lại lên cân?”

Không bánh chưng, không kẹo mứt, không hạt dưa … thì sao có thể gọi là Tết! Vậy làm sao để các bé ăn nhưng vẫn khỏe?

Với bé béo phì

-  Dự trữ nhiều rau và trái cây. Ưu tiên những loại rau trái cây có thể ăn sống như dưa leo, củ sắn, cà chua, cà rốt, các loại trái cây không cần gọt vỏ như quýt, táo.

-   Cất giữ trái cây ở nơi dễ nhìn, dễ lấy.

-   Cho bé ăn trái cây trước bữa ăn chính.

-  Quy định một ngày uống một lon nước ngọt. Hoặc mua nước ngọt không đường cho trẻ uống. Đừng để quá nhiều hạt dưa, hạt bí, bánh kẹo… trên bàn.

-   Ăn bánh chưng, bánh tét vào bữa chính tương đương với ăn cơm trong ngày thường.

-  Nếu bé thức khuya: chỉ nên ăn trái cây, không nên ăn các loại có chất bột như cơm, cháo, mì, bánh các loại.

Với  bé suy dinh dưỡng


  Dự trữ những món ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ ăn như bánh flan, yaourt, sữa các loại, bột ngũ cốc.
-  Ăn những thức ăn ngày Tết trong bữa chính như ngày thường nhưng thêm một muỗng dầu ăn vào món ăn như miến gà, cháo gà, cháo cá. Hoặc cho bé ăn thêm sau bữa chính những món ăn vặt giàu năng lượng như yaourt, bánh flan, chuối.
-  Nên ăn bánh kẹo, trái cây sau bữa ăn.
-  Ăn một bữa chính trước khi ngủ nếu bé thức khuya.

Lưu trữ thực phẩm cho bé ngày Tết

Mặc dù ngày nay, chúng ta có thể mua được thực phẩm ngay ngày mồng 1 nhưng dường như ai cũng muốn dành thời gian để vui chơi và thăm hỏi nhau nên việc dự trữ thực phẩm cũng là việc quan trọng trong dịp Tết. Thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, do đó bạn cần nhớ:
-  Vệ sinh tủ lạnh trước khi dự trữ thực phẩm và mỗi tuần một lần vì vi khuẩn rất dễ phát triển trong môi trường thức ăn giàu dinh dưỡng trong tủ lạnh.
- Thời gian dự trữ thực phẩm: Rau: 3 ngày, thịt cá: 7 ngày, trứng : 2 tuần. Không dự trữ thực phẩm quá nhiều (thực phẩm chồng lên nhau, không đủ độ lạnh, vi khuẩn dễ sinh sôi) thực phẩm chóng hỏng.
-  Chia thực phẩm dự trữ thành từng phần nhỏ đủ ăn cho một bữa, đựng trong bao nilon hoặc hộp nhựa chuyên dùng để ăn cữ nào thì rã đông cữ đó, không được làm đông lại những loại thực phẩm đã rã đông.
-  Với thực phẩm đóng hộp hay đã chín (giò chả, nem chua, bánh chưng, tét..) cần xem hạn sử dụng trên bao bì trước khi  mua và cách bảo quản, cách sử dụng.
-  Nếu muốn uống nước có đá lạnh thì tự làm đá bằng nước chín hoặc mua đá tinh khiết tại cơ sở tin cậy hoặc uống nước ướp lạnh (đá ướp bên ngoài vỏ chai).
Chúc các bé có một sức khỏe tốt để cùng ba mẹ đi thăm ông bà, cùng cả nhà vui Xuân thật hạnh phúc nhé!
BS.CKII Nguyễn Thị Hoa, CNDD Tôn Nữ Thu Trang
Khoa Dinh Dưỡng – Bệnh viện Nhi đống 1

Danh mục bài viết Mẹ và Bé

Đang tải dữ liệu loading