Nấm mối

Thứ Hai, 04/05/2009 08:00

1,195 xem

0 Bình luận

(0)

2351

Ngày trước ở Trường Sơn, lúc mưa rừng vào mùa, bọn tôi thường rủ nhau đi hái nấm từ rất sớm để làm món ăn cho ngày diệt sâu bọ. Loại nấm mối gạo bé tẹo thường mọc dày đặc trong các vườn tre, thân nấm cao nhất cũng chỉ từ 3-4cm, tai nấm to nhất chỉ 2cm. Nấm tươi rất giòn, dễ gãy nên việc thu hoạch khó khăn, người ta phải dùng lưỡi hái bới đất lên rồi mới nhặt từng cái nấm một. Nấm mối gạo có vị ngọt thanh, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn. Có một loại nấm mối khác to hơn, đường kính tai nấm có khi tới 10cm, trên chóp  có màu nâu, thân bằng ngón tay út, đuôi nấm có khi dài tới 20cm. Nấm này ăn rất ngon, có mùi thơm gỗ mục, đặc trưng của đại ngàn.

Nấm có thể được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng có lẽ khoái khẩu nhất là món nấm mối xào chay, xào lá cách nước cốt dừa hay đúc bánh xèo.

Nấm hái về còn tươi, giòn rụm, nạo sạch đuôi, rửa qua nước muối thật nhanh, chẻ nấm ra làm đôi nếu là nấm mối, còn nấm gạo thì để nguyên. Hành tím đập dập bỏ vào chảo dầu nóng hổi phi vàng, cho nấm vào xào hai phút là chín, nêm chút muối, chút hành ngò, tiêu, trang trí thêm vài lát ớt đỏ... Nào, gắp và nhai thật kỹ, để tận hưởng vị ngọt lựng của hương đất đầu mùa, cảm cái dai dai giòn giòn như thịt gà xé phay của từng thân nấm, nhắp thêm chút cuốc lủi để tự thưởng cho mình cái công lăn lê bò toài khổ cực khi thu hái nấm.

Có một bí quyết thuộc loại gia truyền để xào món nấm này được ngon. Đó là phải rửa nấm thật nhanh và phải xào trên lửa lớn. Rửa nhanh cho nấm không ngậm nước, xào lửa lớn cho nấm không bị ra nước, giữ được chất ngọt tự nhiên trong thân nấm.

Cũng làm như vậy, nhưng nếu ta cho thêm lá cách và nước cốt dừa vào món nấm thì mọi chuyện sẽ khác. Vị thơm thanh thoát của lá cách, vị béo ngậy của nước cốt dừa, màu trắng nõn sữa của nấm, màu xanh ngăn ngắt của lá cách, màu đỏ của ớt... tất cả hòa quyện làm món ngon vừa bắt mắt, vừa bắt miệng.

Độc nhất vẫn là món nấm mối đúc bánh xèo. Thay vì dùng nhân tôm, hay thịt ba rọi, người ta chỉ cần nấm mối là đủ làm nên sự hấp dẫn của một món ăn trong những ngày mưa. Bột gạo pha với bột nghệ, bột đậu xanh cho có màu rồi múc đổ vào chảo mỡ nóng hổi, thêm vài tai nấm mối, nghe bánh reo xèo xèo vui tai mà lại thơm nức... Khi bánh chín, giòn tan béo ngậy, ăn nóng với các loại rau vườn như xoài, gừng thái chỉ, cải non...

Với hảo thủ sành ăn thì món nấm nướng là thượng sách. Nấm phải còn búp và tươi rói, khe hở giữa tai và thân nấm không quá 1cm. Người ta nhồi vào khe này một loại nhân làm từ tôm cua và thịt gà, rồi nhẹ tay lăn qua đĩa muối ớt giã nhuyễn, dùng lá cách gói lại, nướng trên lửa than hoa...

Trong "gia phả” của họ hàng nhà nấm thì nấm mối được xếp ở chiếu trên, còn nấm rơm, nấm mộc nhĩ, đông cô, nấm mỡ... xếp ở hàng con cháu. Là món ăn dân dã, nhưng nấm cung cấp nhiều chất bổ dưỡng cho cơ thể, giúp chống lão hóa, giúp tăng cường sinh lực, trợ tim... Tóm lại, bổ không kém gì món cá giếc nấu rau răm độc chiêu mà ai ai cũng công nhận, nếu bạn không tin, thì cứ hỏi nhỏ mấy bà... nội tướng, khắc biết.

Phan Thành Minh

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading