Thất vọng...

Thứ Sáu, 14/11/2008 02:23

790 xem

0 Bình luận

(0)

2144

"Hiện nay có những phần mềm giúp bạn khỏi cần đến bác sĩ, cứ ở nhà gõ lên bàn phím, "yes, no" một lúc cũng xong. Có điều, thường thì nó... trật lất, chỉ gây hoang mang và làm mất thì giờ cho việc chữa trị. Bởi với một triệu chứng có thể do hằng chục thứ bệnh gây ra. Người bác sĩ có kinh nghiệm, giỏi lâm sàng, có cái học bài bản về bệnh lý học mới có thể tìm ra chính xác. Máy móc chỉ xét nghiệm hỗ trợ thêm thôi".

Một ngày nọ, tôi đi khám bệnh do hai bàn tay đau, tê cứng... tại một trung tâm ở thành phố. Vị bác sĩ còn rất trẻ không nhìn tôi mà vừa gõ vào bàn phím vừa hỏi, sau đó cậu ấy cho tôi đi làm một số xét nghiệm. Đến trưa tôi mang kết quả đến, vị bác sĩ ấy ấy bảo tôi bị viêm khớp và cho toa hẹn một tuần sau xuống tái khám.

Đúng một tuần sau tôi trở lại tái khám, lần này là một vị bác sĩ già. Ông này thăm khám cặn kẽ, xem kết quả xét nghiệm lần trước rồi bảo tôi không bị khớp! Ông ấy nói có lẽ do tôi lao động nhiều, làm việc nhà, giặt giũ, quét tước nên mới bị đau như vậy. Tôi bảo, tôi không làm gì cả vì nhà có người giúp việc, đến văn phòng thì cũng chỉ làm công việc nhẹ nhàng... Và ông ấy bảo: chính vì cô không làm gì nên cô mới bị đau!

Lẽ ra đó là cả một câu chuyện cười, nhưng với tôi lại là một câu chuyện buồn... Thất vọng ghê gớm...

Vị bác sĩ trẻ khám cho bạn không cần nhìn đến bạn, không cần nắn thử các khớp bàn tay bạn xem nó đau nhức ra sao, chỉ làm việc trên máy vi tính vì... ông không quen tiếp xúc với con người! Có lẽ qua những lời khai bệnh của bạn, ông gõ gõ lên máy và "bụp" một cái như Aladin và cây đèn thần. Thế là xong. Một cái chẩn đoán và một toa thuốc bay ra "trọn gói"! Ông có thể khoan khoái xoa tay hoàn thành nhiệm vụ.


Thậm chí hiện nay có những phần mềm giúp bạn khỏi cần đến bác sĩ, cứ ở nhà gõ lên bàn phím, "yes, no" một lúc cũng xong. Có điều, thường thì nó... trật lất, chỉ gây hoang mang và làm mất thì giờ cho việc chữa trị. Bởi với một triệu chứng có thể do hằng chục thứ bệnh gây ra. Người bác sĩ có kinh nghiệm, giỏi lâm sàng, có cái học bài bản về bệnh lý học mới có thể tìm ra chính xác. Máy móc chỉ xét nghiệm hỗ trợ thêm thôi.

 

Có những nghiên cứu cho thấy máy móc có thể chẩn đoán chính xác từ 48% đến 60% các trường hợp bệnh. Nhưng người bệnh vẫn thích tìm đến bác sĩ hơn, vì có sự tương tác giữa con người với con người. Rồi đây sẽ có nhũng robot thay thế con người, cũng biết cười, biết khóc, biết cảm xúc... gọi là humatoid. Lúc đó con người sẽ dần bị lệ thuộc vào máy móc và trở thành những robotoid bất đắc dĩ!

May cho bạn gặp một vị bác sĩ già lần tái khám. Bác sĩ già dĩ nhiên không khoái máy móc lắm nên mới chịu khó hỏi han, khám cặn kẽ, xem xét kết quả cẩn thận rồi cho bạn biết bạn không bị viêm khớp. Đúng là cười ra nước mắt! Mà thực ra, theo tôi, có lẽ kết quả xét nghiệm nằm trong giới hạn, nên mỗi bác sĩ có hướng chẩn đoán khác nhau.

Điều quan trọng là phải khám lâm sàng. Vị bác sĩ già đã chịu khó khám và nghĩ nguyên nhân của chứng đau tê ở ngón tay bạn là do làm việc quá nhiều. Chẳng may cho ông... bạn chẳng làm gì cả với các ngón tay của mình... nên ông bị việt vị!

Nhưng ông nói không sai đâu, không làm gì cả cũng là nguyên nhân của chứng đau của bạn. Không làm gì cả thì các khớp cũng sẽ đơ cứng, giống như các bản lề hoen rỉ vì lâu ngày không sử dụng. Các chất hoạt dịch ở khớp cũng sẽ khô cạn đi. Nếu có thì giờ chắc ông sẽ khuyên bạn tập luyện các khớp ngón ra sao, ăn uống dinh dưỡng thế nào bên cạnh việc dùng thuốc.

Tóm lại, "tôi ơi đừng tuyệt vọng!". Cũng phải "thấu cảm" với bác sĩ chứ!

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading