Bác sĩ

Thứ Năm, 11/09/2008 11:09

900 xem

0 Bình luận

(0)

4268

Trường hợp của bà Trần Thị H., 50 tuổi (Cà Mau) là một ví dụ điển hình. Cách đây một tháng, bà đi khám phụ khoa định kỳ tại BV tỉnh và phát hiện một khối u nhỏ trong tử cung (TC). Các BS đã cho làm Pap's, thấy bất thường, tiến hành sinh thiết, kết quả không có vấn đề gì... Tuy nhiên, lo ngại vấn đề ung thư cổ tử cung (UTCTC), các BS khuyên bà nên lên TP.HCM kiểm tra lại.

Ngày 5/9, bà H. đến khám tại một phòng khám sản khoa ở TP.HCM. Kết quả tương tự như cũ, nhưng các BS ở đây cho biết bệnh của bà cần phải mổ khoét chóp nhỏ để điều trị. Sau đó, lại tư vấn là nên cắt TC để phòng ngừa UTCTC vì bà đã lớn tuổi.

Trước quá nhiều lời chỉ định như vậy, người nhà đã đưa bà H. đến BV Từ Dũ. Tại đây, bà H. được chỉ định soi TC và làm sinh thiết. Kết quả khối u lành tính nên bà được các BS chỉ định về uống thuốc và theo dõi, sau một tháng tái khám để thử lại HPV rồi mới quyết định hướng điều trị.

Các bác sĩ hội ý trong ca mổ
(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

 
BS Phạm Việt Thanh - GĐ BV Từ Dũ, cho biết: "Bệnh nhân lớn tuổi hay các trường hợp tiền mãn kinh, mãn kinh có biểu hiện sự thiếu hụt nội tiết estrogen, viêm nhiễm kéo dài sẽ làm cho việc đọc kết quả phết tế bào khó khăn (dương tính giả) thì phải cho bệnh nhân soi cổ TC để xác định tổn thương. Trường hợp soi không thấy tổn thương, nhưng Pap's bất thường nhẹ (ascus - tổn thương tế bào không điển hình) thì cũng không nên tư vấn cắt TC, bởi kết quả đó không có ý nghĩa xác định bệnh (cũng có thể là lành tính nhưng cũng có thể là bất thường).

Tùy theo nguyên nhân mà các BS sẽ có hướng điều trị. Chẳng hạn, người mãn kinh, thiếu nội tiết lâu dài, thì sẽ được cho đặt nội tiết tại chỗ trong vòng một tháng. Khi ổn định sẽ tiếp tục xét nghiệm để đánh giá lại. Trong những trường hợp khó xác định thì sẽ làm thêm xét nghiệm HPV. Thậm chí, trong trường hợp có tổn thương tiền ung thư thì việc khoét chóp cũng xem như là một phương pháp điều trị. Cắt TC chỉ có thể thực hiện khi mà tỷ lệ ác tính đã được xác định.

Ngay cả khi đã có chỉ định cắt TC, thì việc cắt hoàn toàn hay cắt bảo tồn hai buồng trứng trong điều trị ung thư cũng được thầy thuốc cân nhắc kỹ. Bởi, khi cắt TC thường dẫn đến tình trạng mãn kinh do phẫu thuật và thường phải dùng ngay liệu pháp hormone thay thế suốt đời. Đó là chưa nói đến những hậu quả mà người phụ nữ phải trải qua sau việc cắt TC, như: mệt mỏi, trầm cảm, nhức đầu, khô âm đạo cũng như một số vấn đề về đường tiết niệu...

Không nên vì lý do phòng ngừa ung thư mà cắt bỏ TC. Phụ nữ, khi bị cắt TC dễ có nguy cơ bị tim mạch, viêm khớp và loãng xương hơn. Vì vậy, trừ những lý do như UTCTC đã rõ ràng hoặc là u xơ, sa sinh dục lạc nội mạc TC là cần phải cắt TC hoặc với những trường hợp nguy cơ cao, bệnh nhân đã trên 45 tuổi, có đủ con, không có điều kiện theo dõi bệnh thường xuyên".

Và những cuộc phẫu thuật... không cần thiết

Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM: "Thực tế đã xảy ra việc BS muốn phẫu thuật để trình diễn kỹ thuật, để khẳng định có thể thực hiện được kỹ thuật đó. Chúng tôi đã ghi nhận, một số bệnh nhân lớn tuổi bị giãn tĩnh mạch, thay vì sử dụng thuốc và mang vớ y khoa là đủ. Nhưng bệnh nhân lại được chỉ định sử dụng laser để làm tắc tĩnh mạch. Sau việc làm tắc tĩnh mạch, bệnh nhân vẫn đau và sưng dọc theo đường đi của tĩnh mạch, phải sử dụng thuốc cả tháng sau mới hết. Tổng chi phí điều trị lên đến gần 10 triệu đồng, trong đó chỉ riêng chi phí cho sợi dây dẫn ánh sáng laser cũng trên năm triệu đồng. Tình trạng này hiện nay khá phổ biến.

Cũng có trường hợp bệnh nhân ho ra máu, chụp X quang thấy cả hai đỉnh phổi đều bị tổn thương, một bên là giãn phế quản, một bên nghi u nấm phổi. Không xác định được bên nào gây chảy máu vì lúc soi phế quản bệnh nhân không còn ho ra máu. Tốt nhất là nên chụp động mạch phế quản để xem bên nào có khả năng chảy máu cao. Nhưng vì không nắm vững chỉ định, BS đã phẫu thuật cắt bỏ bên phổi nghi u nấm, hậu quả là chảy máu khá nhiều và bệnh nhân sau mổ vẫn bị ho ra máu do giãn phế quản bên phổi đối diện.

Chưa kể đến việc, hiện nay một số thầy thuốc vẫn giữ quan điểm phẫu thuật phòng ngừa: cắt amydal phòng ngừa, cắt ruột thừa phòng ngừa cho một số bệnh nhân được gọi là có nguy cơ cao. Nhưng cắt ruột thừa, cắt amydal v.v... bệnh nhân sẽ dễ bị suy giảm miễn dịch và nhiều nguy cơ ung thư đại tràng. Đôi khi, chỉ vì những chỉ định quá "rộng tay" này của thầy thuốc mà khiến không ít bệnh nhân phải lao đao cả đời".

Thiên Nga

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading