Giá trị trái cây ngày Tết

Thứ Tư, 11/06/2008 11:29

1,408 xem

0 Bình luận

(0)

2828

Dưa hấu là loại quả có nhiều chất dinh dưỡng và cung cấp cho cơ thể một lượng nước đáng kể. Theo Đông y, dưa hấu vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng giải khát, chống nóng, lợi tiểu. Về công dụng trị bệnh thì nước ép dưa hấu có tác dụng giải rượu, đây là “bí kíp” mà quí ông muốn “ngàn ly không say” có thể áp dụng để “bù khú” với bạn bè. Mãng cầu xiêm có công dụng hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp nhiều chất xơ giúp nhuận trường và giảm lượng mỡ trong máu. Chỉ cần nhớ: hạt và vỏ mãng cầu xiêm có chứa độc tố, không nên ăn.

Trong các loại trái cây cúng thì dừa được sử dụng nhiều nhất. Nước dừa rất tốt cho cơ thể, đặc biệt sau khi vận động, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, mất một lượng lớn muối khoáng. Những người trẻ tuổi, hệ tiêu hóa bình thường hoàn toàn có thể uống nước dừa sau khi vận động (pha thêm chút muối, đường). Người lớn tuổi do khả năng tiêu hóa kém, nên cần uống từng ít một, không nên uống một hơi cho đã khát vì có thể gây tình trạng ách bụng khó chịu hoặc nôn ói.

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM nói. BS còn nhắc nhở, người bị bệnh thận nặng không nên uống nhiều nước dừa vì có thểdư khoáng chất làm bệnh trầm trọng hơn (tăng kali). Công dụng quan trọng nhất của nước dừa là thay thế oresol (pha thêm chút muối và đường) để uống bù nước nếu bị tiêu chảy trong ngày tết hoặc khi em bé từ chối uống oresol.

Về làm đẹp cho phụ nữ thì đu đủ và thơm là “cặp bài trùng”. Cả hai đều chứa men chống lão hóa. Để giữ gìn sự trẻ trung, ngoài ăn trực tiếp quả tươi, bạn còn có thể dùng chúng làm mặt nạ dưỡng da và tẩy tế bào chết. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Trung tâm oxy Cao áp TP.HCM giải thích: “Đu đủ có công dụng chống lão hóa nhờ có men patain, còn trái thơm có men promalin”.

Xoài là loại quả được nhiều người ưa thích nhưng đây là loại quả có nhiều “tác dụng phụ” nhất. Đầu tiên là dễ béo phì do lượng đường trong xoài nhiều, kế đến là làm nặng thêm nếu đang mắc bệnh tiêu chảy. Xoài chứa nhiều tiền sinh tố A giúp phòng chống nhiễm khuẩn, mù lòa do thiếu sinh tố A.



Có lẽ trong trái cây cúng tết thì nhiều người biết đến công dụng của bưởi nhất, vì đây là loại quả quý có thể hạ cholesterol, giảm thiểu cơn đau nhức, phòng ngừa từ xa bệnh ung thư và tim mạch nhờ chứa nhiều vitamin C, kali, biofl avonoid... Tuy nhiên, khi dùng các thuốc hạ cholesterol trong máu thì không nên ăn bưởi.

Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức - Đại học Y dược TP.HCM khuyên: “Có sự tương tác giữa thuốc và thức ăn, vì vậy nếu đã uống thuốc hạ cholesterol thì nên ngưng dùng bưởi”. Cùng họ hàng với bưởi có trái quít và trái tắc (tắc thường được chưng nguyên cây để cầu phát tài, phát lộc) có công dụng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng (chứa nhiều sinh tố C) và giảm ho, giã rượu.

Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM hướng dẫn: “Không cần pha chế, chỉ cần ăn thường xuyên quít tươi đã giúp long đờm, giảm ho; còn giải rượu thì dùng quít ép lấy nước cốt cho người “say xỉn” uống sẽ thấy rất hiệu nghiệm”. Trong các loại quả thì chỉ có hồng là loại được thầy thuốc Đông y khuyên dùng để khai vị, kích thích ăn uống, hạ huyết áp, cầm tiêu chảy. Song nếu đang chén chú chén anh mà dùng hồng làm “mồi” nhắm thì sẽ... thêm say!

Cuối cùng là công dụng trị bệnh của các loại hạt dưa, hạt bí “tí tách” trong những ngày xuân thong dong. Cả hai loại hạt này, theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp TP.HCM, đều chứa nhiều chất kẽm giúp tăng cường sức đề kháng, giảm căng thẳng, stress, giúp vết thương mau lành. Riêng với quý ông bị phì đại tiền liệt tuyến, hạt bí còn là “thuốc” giảm bệnh nhờ có hoạt chất kháng viêm.


PHƯƠNG NAM

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading