Áp lực của trái tim

Thứ Năm, 22/05/2008 04:40

1,122 xem

0 Bình luận

(0)

4039

Trái tim người Việt Nam chỉ có 250g. Tuy nhỏ và nhẹ nhưng tim đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, chỉ cần tim co bóp chậm lại một chút, là cơ thể sẽ suy kiệt vì đói oxy, biểu hiện là sự mệt mỏi, suy hô hấp... Tim làm việc cả ngày lẫn đêm, và chịu nhiều áp lực nặng nề từ lối sống, cách ăn uống của chúng ta. Ăn nhiều muối làm tăng huyết áp là một trong những nguy cơ gây bệnh cho tim. Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược VN, lượng muối ăn bình thường của người Việt Nam hiện nay nhiều gấp 4-5 lần nhu cầu của cơ thể (10-11 gam/ngày). Người ta nhận thấy nơi nào ăn mặn thì số người bị tăng huyết áp cao hơn.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi ngày ăn thêm 1 gam muối, làm huyết áp tâm trương tăng thêm 0,8 mmHg. Nguy cơ ngày càng cao khi kinh tế sung túc, tủ lạnh được chất đầy các loại thực phẩm làm sẵn. Cho vào lò vi sóng vài phút là có ngay món ăn mà không phải đi mua. Sự tiện lợi này tạo điều kiện để người ta ăn bất cứ khi nào thấy... muốn. Khi ta ăn, tim phải “tăng năng suất” lên 30% để giúp hệ tiêu hóa làm việc, vì vậy càng ăn nhiều tim càng mệt.

Nguy hiểm hơn cả là các món ăn được nhiều người ưa chuộng hiện nay thường chứa nhiều đường, mỡ, bơ, tinh bột. Chẳng hạn như: kem, chè, bánh cake, hamburger, gà rán (nhiều năng lượng dễ dẫn đến dư thừa so với nhu cầu). Đây là thủ phạm làm tăng cholesterol và hình thành các mảng vữa xơ trong lòng mạch máu. Theo thời gian các mảng này lớn dần, nếu “nó” lấp 60-70% lòng động mạch vành thì bệnh tim các loại xuất hiện, thông thường nhất là đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nguy hiểm hơn là chết đột ngột.

Khi xúc động lo lắng, tim phải làm việc tăng lên từ 50% đến 100%, timđập nhanh hơn. Áp lực công việc ngày nay luôn đòi hỏi nhiều nỗ lực, sáng tạo. Đây không chỉ là sức ép trên tinh thần phải liên tục suy nghĩ tìm tòi cái mới, mà còn là gánh nặng cho tim. Chưa kể sự căng thẳng liên tục mà không có hướng tháo gỡ còn khiến người ta... ăn nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn.

Sự an nhàn cũng gây bệnh cho tim. Theo GS Phạm Nguyễn Vinh - Viện Tim TP.HCM, thiếu vận động là nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Trong khi đó, đa số công việc ngày nay đều được trang bị máy móc, tự động hóa, máy vi tính có nhiều trò chơi, ti vi có nhiều kênh... đã khiến mọi người hạn chế vận động.


Giúp tim quẳng gánh nặng
Mảng xơ vữa hình thành từ khi chúng ta còn nhỏ. Đây là lý do Tổ chức Y tế thế giới chủ trương: “Phòng bệnh tim mạch của người lớn ngay từ khi còn nhỏ tuổi”. Cần cho trẻ ăn đúng mức, đừng để béo phì bằng cách hạn chế tình trạng tủ lạnh quá “giàu có”. Cho trẻ ăn nhiều loại trái cây tốt cho tim mạch, huyết áp: bưởi, táo, nho... Trên 40 tuổi cần theo dõi sức khỏe định kỳ, lượng cholesterol trong máu, kiểm soát cân nặng thường xuyên để tránh thừa cân... Bên cạnh đó, nên hạn chế, giảm lượng muối ăn hàng ngày. Khi nấu ăn, phải nêm hai muỗng muối thì bớt một, trong bữa ăn không chấm thêm nước mắm, xì dầu.

Theo GS Phạm Nguyễn Vinh, vận động thể dục 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cho cơ thể bạn kiểm soát được mức cholesterol, tránh tiểu đường và giảm bớt huyết áp. Ngoài ra, “quẳng gánh lo đi mà vui sống” cũng góp phần giảm tải cho tim. Nếu là đàn ông còn phải tránh xa rượu bia, thuốc lá.

Cuối cùng, chú ý đến lời kêu cứu của tim, lượng máu đến cơ tim chỉ giảm một chút là tim đã kêu cứu “ầm ĩ” bằng những cơn đau thắt ngực. Khi có triệu chứng này, cần đến bác sĩ chuyên khoa, chữa trị để không bị nhồi máu cơ tim.


PHƯƠNG NAM

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading