Thân thương củ ấu quê nhà

Thứ Bảy, 30/01/2010 07:40

1,279 xem

0 Bình luận

(0)

1689

Ấu là loại cây thủy sinh, được trồng ở các tỉnh ĐBSCL, nhiều nhất là các huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), Long Hồ (Vĩnh Long).v..v… Mùa nước lũ tràn về (tháng 7 – 10 Âm lịch) là thời điểm thích hợp để trồng loại cây này. Ngoài ra, ấu còn được trồng quanh năm nơi các ruộng trũng (không trồng lúa được), và các ao hồ. Ấu là cây ngắn ngày, sau 3 tháng trồng là thu hoạch đợt củ đầu tiên, lứa đầu chấm dứt trong vòng một tháng. Thu hoạch lứa đầu xong, người ta bón phân, chăm sóc để thu hoạch tiếp lứa thứ hai (khoảng 10 - 15 ngày sau). Thời vụ thu hoạch ấu kéo dài đến 6 tháng. Hái ấu là công việc khá vất vả, người hái phải ngâm mình xuống nước, hái từng trái dính trên thân ấu hoặc mò trên mặt ruộng để lượm trái ấu già rụng.


Củ ấu luộc

Giờ sống xa quê, mỗi khi đi chợ thấy người bán ấu là lòng tôi bồi hồi nhớ về mùa thu hoạch ấu chốn quê nhà. Lúc đó gia đình tôi rất nghèo. Để có tiền cho các con ăn học là một cố gắng lớn lao của ba má tôi. Ngoài ruộng vườn, ba tôi còn trồng thêm trên đất ruộng hai công ấu. Đến kỳ thu hoạch, những món ăn trong nhà toàn là ấu, từ món canh cho tới món kho. Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn mãi hình ảnh sáng nào má tôi cũng luộc sẵn nồi củ ấu để tôi ăn lót dạ trước khi đến trường. Có thể nói ấu là cây “xóa đói, giảm nghèo” của gia đình tôi, vì trồng ấu có lợi gấp 3 lần trồng lúa!…

Củ ấu (còn gọi trái) nhìn rất bình dị, màu đen xù xì, có 2 sừng cong nhọn như sừng trâu, bên trong chứa chất tinh bột trắng, thơm, ngọt, béo, bùi…Ấu không chỉ để luộc ăn như một thứ quà vặt mà còn chế biến được nhiều món khá độc đáo như: giò heo hầm củ ấu, ba ba hầm củ ấu, củ ấu hầm dừa với chuối, nấu lẩu (thay khoai sáp) v…v…; Nhưng, có một món từ ấu do má tôi chế biến để cúng ông bà trong dịp Xuân về được anh em chúng tôi rất thích, còn được xem như món truyền thống của gia đình tôi là: Chè củ ấu nấu với đường phèn.


Chè củ ấu

Tôi còn nhớ cái dáng gầy gò của má tôi khi ngồi dưới bếp tỉ mẩn chọn những củ ấu già, có vỏ cứng, cầm chắc tay (những củ như thế khi nấu có nhiều tinh bột, ăn bùi) đổ ra rổ rửa sạch. Sau đó, má luộc chín. Chờ nguội, má dùng dao bén tách vỏ lấy phần thịt bên trong cho vào cối quết nhuyễn. Thịt  ấu đã quết được nấu lại lần nữa với một ít nước (đừng quá loãng). Chờ nước sôi, cho đường phèn và nước cốt dừa vào. Đợi đường hòa tan, nhấc xuống, múc ra chén  ăn liền hoặc để nguội cho vào ngăn lạnh như chè kho miền Bắc.

Nay ba tôi đã đi xa, má tôi già yếu, gia đình tôi đã chuyển lên thành phố sinh sống. Công việc bếp núc hàng ngày có chị tôi phụ trách, món chè truyền thống đó của gia đình đã bị quên lãng.... Thỉnh thoảng, vào những ngày cuối năm trời se lạnh thế này, tôi lại nhớ cái không khí ấm cúng khi cả nhà đoàn tụ vui vầy trong đêm Giao thừa với chén chè củ ấu nấu với đường phèn!

(Giá tham khảo tại các siêu thị: ấu luộc: 9.500đ/kg, ấu chưa luộc: 7.500đ/kg)

Phương Anh

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading