Côn Đảo Đỉnh Tình Yêu

Thứ Tư, 31/12/2008 05:58

1,006 xem

0 Bình luận

(0)

3273

Cách Vũng Tàu 200km, cách cửa Sông Hậu 83km, có thể nói Côn Đảo nằm hoàn toàn ở giữa biển sâu. Độ mặn của nước biển nơi đây khác xa ở Vũng Tàu, Nha Trang hay bất kỳ một bãi biển ven bờ nào
Bài & ảnh: Bích Thảo
Từ Cảng Cá Cát Lở ở thành phố Vũng Tàu đi ra Côn Đảo có hai chuyến tàu thay phiên nhau đó là tàu Côn Đảo 09 và tàu Côn Đảo 10. Cứ 17 giờ hôm trước lên tàu, lênh đênh trên biển đúng 14 tiếng đồng hồ thì kịp đến Côn Đảo vào một buổi sớm mai để đón bình minh. Mỗi chuyến tàu ra chỉ ở lại hai ngày một đêm là trở lại đất liền nên bến Đầm cũng theo đó mà nhộn nhịp.
Bến Đầm đón khách
Như thường lệ, Bến Đầm sáng nay tấp nập xe Daihatsu chở khách về thị xã. Chỉ chừng 5 phút là xe đã đầy người và hàng hóa. Từ cầu cảng đi về thị xã khoảng chừng 16km, một bên đường là núi và rừng còn bên kia là biển xanh mênh mông. “Mùa này biển chưa gầm gào, sang mùa gió (tháng 9, tháng 10 âm lịch) đi con đường này không nổi, vì gió thổi vào vách núi và bật ngược trở ra, mạnh lắm” - lời của một người dân Côn Đảo. Đường vô trung tâm leo qua con dốc ngoằn ngoèo, đi qua mũi Cá Mập một đoạn thì đến nhà nghỉ Côn Đảo. Khu resort thật lớn nằm ở cửa ngõ vào thị xã.
Như bất kỳ một hòn đảo nào, màu xanh của rừng và biển là màu chủ đạo. Nơi đâu cũng có những hàng cây rất đẹp, những gốc bàng, gốc phượng vĩ phải ba, bốn người ôm mới kín. Thân cây sần sùi trông không hề già cỗi mà tràn đầy nhựa sống. Đường phố thật sạch, ngăn nắp và bình yên. Dân cư trên đảo thân thiện vô cùng. Với dân số 7.000 người, việc ở rải khắp hòn đảo dường như là quá ít. Vì thế thật thú vị khi người lạ đến chỉ cần nói đến nhà ai, tên gì, làm việc ở đâu là xe đã đỗ xịch trước cửa. Người dân ở đây cũng thế, chỉ nói tên chồng, vợ hoặc tên người hàng xóm là tài xế đã gật đầu đưa đến tận nơi. Biết khách mới đến lần đầu người bản xứ nhiệt tình hướng dẫn: “chợ ở đằng kia, biển ở đằng này, rừng quốc gia, cầu Ma Thiên Lãnh hướng đó, mộ chị Sáu và khu di tích chuồng cọp, chuồng bò hướng nọ; Côn Đảo thứ gì cũng có hết nhưng mắc hơn trong “đất” nhiều”.

Hội tụ ẩm thực 3 miền
Quả thật, chợ Côn Đảo tuy không lớn nhưng đầy đủ lắm. Tất cả đều mang từ đất liền ra, nào là mực, tôm, cua, ghẹ, cá, trái cây mùa nào thức nấy. Bên cạnh đó cá nước lợ như cá kèo, lươn ruộng cũng tìm được trên đảo… Bởi vậy dù mấy ngày mới trở về đất liền, đó là chưa kể những hôm biển động phải ở lại trên đảo, du khách vẫn không có cảm giác xa nhà. Kinh tế chính của người dân ở đây không phải là nghề biển, chủ yếu là buôn bán nhỏ. Đa số những gia đình đều là công chức, công tác trong những cơ quan đơn vị nhà nước, các khu bảo tồn quốc gia, viện bảo tàng di tích lịch sử, trung tâm nghiên cứu biển… Một điều đặc biệt hình thành cộng đồng dân cư nơi đây là người trong đất ra đảo làm việc, lập gia đình rồi bén rễ luôn ở đảo. Cứ hết mùa này sang mùa khác, 90% dân cư trên đảo có nguồn gốc từ khắp 64 tỉnh thành cả nước. Vì không có dân truyền thống nên Côn Đảo không có món ăn truyền thống của riêng mình. Đó cũng là một nét rất thân thiện của Côn Đảo. Khẩu vị Bắc, Trung hay Nam đều vừa lòng người lạ. Khách thật khó tính trong ẩm thực vẫn có thể hài lòng vì tô canh chua lươn bông so đũa đậm chất miền Tây Nam Bộ, đĩa dưa nhút (sơ mít non) xứ Nghệ An, lạ miệng với món đậu đũa xào răng mực, chả trứng mực và cá chuộng tươi hấp cuốn bánh tráng…
Ở Côn Đảo thích nhất là ăn cá tươi, điều này thật khó tìm trong “đất”. Sau một vòng dạo quanh đường phố thể nào cũng ra đến bãi biển. Mùa này sóng vỗ bờ rất nhỏ, mặt biển dịu êm như mặt hồ, nước xanh và trong vắt nhìn thấy rõ từng sọc cát trắng mịn dưới chân, ngâm mình trong làn nước mát nhìn xa xa nơi di tích cầu 914 thấy nhiều người ngồi câu mực, thấp thoáng ngoài khơi con thuyền ai đó neo giữa dòng. Vắng vẻ và bình an đến lạ. Không có cái xô bồ của chốn thị thành nên Côn Đảo là thiên đường nghỉ dưỡng, khám phá sinh thái và tìm hiểu lịch sử chiến tranh. Côn Đảo ngày nay không phải đi dễ khó về, khi về lại không quên được tiếng người dân đảo gọi người mới đến giản dị mà thân thuộc “người trong đất”. Những con đường mang tên các anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai lùi dần sau lưng khi khách trở lại bến Đầm cho chuyến vào bờ, trước mặt là Hòn Bà với đỉnh Tình yêu ngọt ngào chào tạm biệt. Hai ngày trên đảo là không đủ...
Đến Côn Đảo đừng quên dùng đặc sản mứt hột bàng. Có hai loại ngọt và mặn. Đó là món ăn mà chỉ có ở hòn đảo này. Bàng là cây rừng ở đây, lá và quả thật to. Người dân thu hoạch quả bàng đem phơi cho dốt vỏ rồi trong những lúc rỗi việc nhà đem ra chẻ lấy hột. Hột bàng mới tách ra có màu nâu giống như màu gỗ được đánh vẹc-ni. Ngồi một lúc, có khi vừa chẻ vừa tách chỉ được chừng 1kg hột. Sau đó đem rang muối hoặc rang đường tùy ý. Gọi là mứt nhưng giống như món đậu phộng rang muối, đường ở đất liền. Nhón mấy hạt bỏ vào miệng, vị ngọt của đường hay vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi và béo ngồ ngộ ở đầu lưỡi, du khách chỉ có thể gật đầu công nhận: ngon và rất đặc biệt.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading