“Sát Thủ” Trans Fat Trong Thực Phẩm Chế Biến Sẵn

Thứ Ba, 22/06/2010 10:25

1,097 xem

0 Bình luận

(0)

1447

Ngày 14/6/2010, tại Hà Nội Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Chi hội Dinh dưỡng lâm sàng đã tổ chức hội thảo khoa học "Tác hại của việc sử dụng thực phẩm có Trans fat" với sự tham gia của hơn 250 bác sĩ dinh dưỡng lâm sàng đang công tác tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho các bác sĩ dinh dưỡng về chất béo Trans (Trans fat) và những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tim mạch.
Dùng dầu chiên đi chiên lại đã bị hydro hóa ở nhiệt độ cao làm sản sinh Trans fat.
Sự xuất hiện của rất nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn trên thị trường hiện nay đã giúp người tiêu dùng có được sự tiện lợi trong việc sử dụng và tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất thực phẩm, đặc biệt là đồ chiên rán như khoai tây chiên, gà rán..., vì muốn tăng thời gian bảo quản và giảm chi phí, nhiều người sử dụng loại dầu chiên đi chiên lại đã bị hydro hóa ở nhiệt độ cao làm sản sinh Trans fat. Theo nghiên cứu của bang British Columbia - Canada, Trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Nó làm tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu do đó làm tăng khả năng bị các bệnh tim mạch. Ngoài ra, chất béo này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng bám vào thành mạch, dần dần làm hẹp lòng mạch máu, từ đó dẫn đến nguy cơ đột qụy.

Theo thống kê, tại New York (Mỹ), có đến hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến Trans fat hàng năm. Trans fat - chất béo chuyển hóa - càng trở nên nguy hiểm bởi trong cuộc sống hiện đại, áp lực công việc nặng nề, xu hướng lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn của người tiêu dùng ngày càng phổ biến. Tại cuộc hội thảo, các báo cáo về tình hình của bệnh tim mạch, đột qụy; về cơ chế hình thành và những tác động của Trans fat đến sức khỏe tim mạch đã được tập trung phân tích sâu để các bác sĩ dinh dưỡng và lâm sàng có được cái nhìn hệ thống hơn về chất béo nguy hại này. Đồng thời, hội thảo cũng đưa ra những khuyến cáo giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn từ đó có thể lựa chọn các loại thực phẩm không có Trans fat nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ chất béo này. Báo cáo trong buổi hội thảo bao gồm các nội dung: Trans fat trong thực phẩm chế biến sẵn và nguy cơ các bệnh tim mạch của PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Tình hình bệnh tim mạch và các yếu tố có liên quan của TS. Nguyễn Bạch Yến, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai; Sự hình thành của Trans fat trong quy trình chế biến thực phẩm và hydro hóa chất béo của ThS. Vũ Hồng Sơn, Phó trưởng Bộ môn Quản lý chất lượng và thực phẩm nhiệt đới - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đã được đánh giá cao.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Với những tác hại do Trans fat gây ra hiện nay, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Chi hội Dinh dưỡng lâm sàng khuyến cáo không nên sử dụng những thực phẩm có chứa Trans fat - loại chất béo có hại, nguy cơ gây nên bệnh tim mạch và đột qụy”.

* Tác hại của Trans fat

- Trans fat làm tăng cholesterol xấu (LDL) và đồng thời cũng làm hạ cholesterol tốt (HDL) xuống gây xơ vữa động mạch, làm giảm sự lưu thông của máu.

- Trans fat không thể chuyển hóa được trong cơ thể mà "đọng" lại, nếu dùng lâu dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

* Một số cách tránh bớt Trans fat

- Nên dùng các loại dầu thực vật có chứa nhiều chất béo chưa bão hòa đa polyunsaturated hoặc loại dầu chưa bão hòa đơn thể monounsaturated .

- Hạn chế việc tiêu thụ các thực phẩm có chứa quá nhiều cholesterol như lòng, tim, gan, óc, thận, lòng đỏ trứng gà...

- Nên ăn thịt nạc đã bỏ da, bỏ mỡ.

- Nên chọn sữa 1% thay vì sữa 3,25% chất béo.

- Nên sử dụng loại margarine mềm làm từ dầu thực vật không hydro hóa.

- Nên ăn cá 2 lần trong tuần: Cá chứa nhiều chất acid béo omega-3 rất tốt.


Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading