Bếp Hoàng Cầm

Chủ nhật, 25/07/2010 08:21

2,247 xem

0 Bình luận

(0)

3397

Lịch sử các cuộc chiến tranh hàng ngàn năm qua đã chứng kiến vô số điều kỳ diệu. Nhưng có lẽ, chuyện một vật dụng giản đơn có mặt trong tất cả các gia đình trở thành một biểu tượng cho một cuộc chiến, thì thực “xưa nay hiếm”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có 3 người cùng mang tên Hoàng Cầm. Một Hoàng Cầm sau trở thành thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Một Hoàng Cầm nhà thơ nổi tiếng với Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông… Và một nữa, là một người lính rất bình thường.

Bếp Hoàng Cầm Ảnh: TT

Người lính rất bình thường ấy quê gốc ở Cát Nội, Nam Ninh, Nam Hà. Năm 20 tuổi, vì đói nghèo, anh bỏ lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc làm thợ nề, sau làm bếp cho Tây. Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hoàng Cầm xung phong vào bộ đội. Sẵn có nghề nấu ăn, anh được cử làm anh nuôi bếp đội phẫu thuật, Đại đoàn 308.

Chiến dịch Hoà Bình diễn ra, chiếc bếp cải tiến phân tán khói lần đầu tiên ra đời. Đó là tâm huyết nhiều đêm của anh nuôi Hoàng Cầm. Xuất phát từ thực tế của công tác hậu cần trong chiến dịch, khi các anh nuôi của ta phải chịu đựng những hy sinh, mất mát trong lúc làm nhiệm vụ, Hoàng Cầm đã sáng tạo ra chiếc bếp đặc biệt, sau này mang tên anh. Bếp do Hoàng Cầm thiết kế được đào trong lòng đất, nên đảm bảo không phát sáng ngay cả trong đêm tối. Đặc biệt, khói phát sinh khi nấu được phân tán ra xa. Điều này trên thực tế chiến đấu đã tránh được rất nhiều thương vong cho bộ đội ta.

Từ đội phẫu thuật, chiếc bếp cải tiến ra toàn Sư đoàn 308, rồi ra tất cả các đơn vị trong toàn quân. Cái tên Hoàng Cầm trở nên thân thuộc với từng chiến dịch. Bếp lửa Hoàng Cầm theo bộ đội vây lấn, tiêu diệt địch ở chiến dịch Điện Biên hào hùng, vượt các trọng điểm ác liệt trên đường Trường Sơn, cùng đoàn quân chiến thắng tiến thẳng hướng Sài Gòn.

Từ thực tế chiến trường, bếp Hoàng Cầm được đưa vào chương trình huấn luyện chiến sĩ, đào tạo sĩ quan. Đào bếp, sử dụng bếp Hoàng Cầm trở thành một môn thi của nhiều hội thi quân lương, thi hậu cần tại các đơn vị.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hoàng Cầm được cử đi học văn hoá ở trường bổ túc công nông. Năm 1959, ông ra quân, trở lại Tam Đảo. Tháng 6 năm 1994, được sự quan tâm của bộ Quốc phòng, Hoàng Cầm được cấp một căn hộ trong khu tập thể bộ đội 28 Điện Biên Phủ. Sáu tháng sau, ông chính thức trở thành “người Hà thành”.

Một chiếc bếp nấu ăn, thật bình thường và có vẻ không lạ lẫm gì với bất cứ ai. Thế nhưng, bếp Hoàng Cầm đã vượt ra khỏi sự bình thường đó. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến kế tiếp cuộc kháng chiến chống Pháp, khi kỹ thuật quân sự của không quân Mỹ đã lên đến đỉnh cao, khi chỉ một lọn khói nhỏ cũng có thể bị phát hiện, đồng nghĩa với những cuộc oanh kích dữ dội, chiếc bếp Hoàng Cầm càng có ý nghĩa. Có nó, các anh nuôi tránh được rất nhiều thương vong. Có nó, bộ đôi ta luôn có những bữa ăn nóng hổi, củng cố sức khoẻ và tinh thần chiến thắng.

Bếp lửa Hoàng Cầm tuy chỉ là một vật dụng cụ thể, không trực tiếp đối đầu vời quân giặc, nhưng phần nào nó đã thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong những hoàn cành khó khăn, thiếu thốn, vốn là đặc trưng của hầu hết các cuộc đấu tranh giữ nước của dân tôc Việt Nam.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading