Trà thuần việt - Quốc trà Việt Nam

Thứ Hai, 25/04/2011 08:15

2,471 xem

0 Bình luận

(0)

1951

Báo Thanh Niên Ngày nay là nguyệt san chuyên đề của NXB Thanh Niên, tờ báo nhắm đến giới trẻ và tiêu dùng, in mầu bản đẹp.

Đây là bài thứ ba nằm trong “series Tùng Nguyên”, Tùng Nguyên đã viết nhiều về Câu lạc bộ Trà Việt. Đây có lẽ là người hiểu Câu lạc bộ nhất trong các nhà báo từng viết. Trầm ngâm, quan sát, có thói quen khoanh tay trước ngực, nhưng lại sở hữu một nụ cười rất tươi, Tùng Nguyên luôn ở rất lâu với Câu lạc bộ, tìm mọi cách tiếp xúc gần hơn. Bài báo giới thiệu Ý tưởng Quốc Trà, đề tài chưa tờ báo nào nói đến. Bài báo đã được minh họa trên mục lục của nguyệt san tháng 9. Mọi người cùng xem :

Vô Môn Quan!
cổng mà không có cổng, có ranh giới nhưng không có ngõ vào, không lối ra… Đó là nơi ta trải lòng cùng tri kỷ, nơi thời gian ngưng đọng, nơi bỏ lại sau lưng cuộc đời tất bật những bon chen vụn vặt… Đó là Hiên Trà của người Việt.

Ý tưởng xây dựng Quốc trà Việt Nam

Với vị đắng chát trên đầu lưỡi, cái hậu ngọt thanh bất tận, trà làm ấm lòng người Việt- những con người nhân ái luôn yêu những kết thúc có hậu. Có lẽ vì vậy mà người Việt cũng yêu luôn trà.

Từ lâu lắm rồi, không biết là từ khi nào, người Việt đã dùng trà làm ẩm vị hàng ngày của mình. Theo Vũ Thế Ngọc, người Việt biết uống trà trước cả người Trung Quốc. Sau đó trà mới được người Trung Quốc truyền sang Hàn Quốc, Nhật Bản và cuối cùng là lan rộng ra cả thế giới.

Nhưng tại sao người Nhật lại có Trà đạo như một quốc đạo? Tại sao người Trung Quốc lại có Công phu trà được thế giới ngưỡng mộ? Vì sao người Hàn Quốc lại có Chae Won Hwa, một nghệ nhân Panyaro (nghệ nhân pha trà) được cả nước Hàn kính trọng, được xem là 1 trong 600 danh nhân của đất nước Đại Hàn? Và quan trọng là tại sao Việt Nam lại không?

Phải chăng vì người Việt chưa xem trọng trà? Không! Thực tế là người Việt rất yêu trà. Trong mỗi hộ gia đình Việt Nam hầu như đều có trà. Khó có người Việt nào dám nói là tôi chưa từng uống trà. Vậy lý do là vì sao?

Đó là vì trà của người Việt là trà bình dân, trà là một thức giải khát, một vị thuốc thanh nhiệt… Nhưng trà với người Việt không có gì là cao sang. Không có người Việt nào tự hào về văn hóa uống trà của nước mình. Họ cứ ngắm nhìn Trà đạo Nhật Bản mà ngưỡng vọng, nhìn Công phu trà Trung Quốc mà trầm trồ…

“Chúng tôi muốn xây dựng một phong cách trà đặc trưng của người Việt đi vào quy cách như Trà đạo Nhật Bản. Để đưa trà Việt trở về vị trí xứng đáng của nó, cho người Việt tự hào về trà Việt. Và cho thế giới biết đến tinh hoa của trà Việt Nam”- anh Đinh Ngọc Dũng, chủ nhiệm CLB Bạn trẻ yêu trà cho biết.

Từ mong muốn ấy, CLB Bạn trẻ yêu trà đã ra đời. Các bạn trẻ yêu trà này tích cực cổ vũ phong trào uống trà trong giới trẻ bằng các tiệc trà theo quy cách pha trà Việt tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, giới thiệu các tiệc trà đến bạn bè quốc tế. Đó chính là ý tưởng xây dựng Quốc trà Việt Nam, một ý tưởng cách tân trong nỗi niềm hoài cổ, một ý tưởng xuất phát từ lòng tự hào dân tộc của những người trẻ năng động.

Hồn trà Việt trong quy cách pha trà Việt

Anh Dũng cho hay: “Trong nền văn hóa trà Việt Nam có rất nhiều loại trà: trà tươi, trà mộc, trà ướp hương… Nhưng không có gì sáng giá bằng trà sen. Do đó, chúng tôi đã chọn trà sen làm đại diện cho quy cách pha trà Việt, làm đại diện để phổ biến cho cả thế giới biết đến văn hóa trà Việt Nam”.

Theo anh Dũng, trong truyền thuyết, chúa Trịnh Sâm rất yêu trà và ông thường tự tay pha trà cho mình uống. Ông rất tâm đắc với câu “trà nô tửu tướng”; tức là người uống rượu có phong cách như vị tướng, còn người uống trà phải có phong thái điềm đạm, khiêm tốn như một người nô bộc giỏi giang. Và người uống trà nên tự tay mình pha trà để thấy hết cái phong nhã và vị thơm khi thưởng thức trà.

Vì lẽ đó, những bạn trẻ pha trà trong CLB đều được gọi là trà nô. Và trong quy cách pha trà Việt, tách trà đầu tiên mà trà nô pha là dành cho mình. Đối với trà nô, trà là tri kỷ. Khi pha trà, người và trà như rất thân thiết- một tình thân giao hòa tâm linh mộc mạc; động thái pha trà tuy điêu luyện mà không hoa mỹ, nhẹ nhàng thanh thoát như gió thoảng, mây bay. Trà nô mặc áo dài, tóc vấn cao, đi guốc mộc ngồi giữa chiếu trà phô diễn kỹ thuật pha trà. Bốn bề xung quanh nước chảy róc rách, ánh đèn dìu dịu, hương trà phảng phức khắp không gian hiên trà… Một khung cảnh đáng để thưởng thức một lần. Đó là những gì mà quy cách pha trà Việt đem lại cho mọi người.

Các bước trong quy cách pha trà Việt cũng rất phức tạp, nó có 3 bước chính: làm ấm và đánh thức trà, pha trà, mời trà. Mỗi bước lại có nhiều động tác chi tiết hơn. Tất cả các quy cách ấy hướng đến sự hòa hợp ngũ hành mà tâm linh người Việt kính vọng. Mộc là trà, thủy là nước, hỏa là lửa, kim là nồi đồng và thổ là ấm trà. Sự hòa quyện của ngũ hành tạo nên sự cân bằng hài hòa trong lòng trà nô cũng như khách trà trên chiếu trà, trong hiên trà.

Tuy phức tạp thế, nhưng quy cách pha trà Việt vẫn giữ lại được cái hồn của trà Việt, vẫn giữ lại những giá trị tinh thần mà tổ tiên bao đời gầy dựng. Đó là chiếu trà trên phản mà không ngồi bàn trà như người Trung Quốc. Đó là hiên trà mà không dùng trà thất như người Nhật. Rồi những trà cụ bằng gốm Bát Tràng, nồi đồng truyền thống. Rồi trang phục mang nét cổ truyền của trà nô. Và nét chính là sự giao hòa giữa chủ và khách trên chiếu trà. Chiếu trà của người Việt là nơi để giao hòa, để tâm tình, để kết giao… Đó chính là tinh hoa của văn hóa uống trà Việt Nam, là hồn Việt trong quy cách pha trà Việt.

Hiện tại CLB đã có gần trăm lượt bạn trẻ học cách pha trà, hàng ngàn lượt bạn trẻ dự các buổi tiệc trà. Nhưng chúng tôi muốn tổ chức những tiệc trà lớn hơn nữa tại các địa điểm đông đúc như công viên, quãng trường để quãng bá đến mọi người Việt. Và chúng tôi mong muốn được tổ chức những buổi lễ trà tiếp đãi các vị khách nước ngoài để quốc tế biết đến văn hóa uống trà Việt Nam” – Anh Dũng cho biết.

Mong rằng ý tưởng này của các bạn trẻ sẽ thành hiện thực!

Danh mục bài viết Văn hóa đồ uống

Đang tải dữ liệu loading