Câu chuyện của thần dược Tiên hạc thảo

Thứ Hai, 15/08/2011 09:14

3,545 xem

0 Bình luận

(0)

4425

Tiên hạc thảo có tác dụng ức chế mạnh đối với tế bào ung thư mô liên kết S180, ung thư ruột, ung thư gan và một số loại ung thư khác

Truyền thuyết về loài cây kỳ diệu

Tương truyền, thời xưa có hai chàng tú tài lên kinh dự thi. Do sợ đến muộn, khi đi qua một vùng núi, trời nắng gắt, vẫn không dám nghỉ.

Do quá mệt mỏi, một người bỗng nhiên lên cơn sốt, máu từ mũi chảy ra không ngừng. Họ đành dừng lại tìm cách chữa trị. Nhưng ở nơi hoang dã ấy, làm sao có thể tìm thầy thuốc, mà chung quanh cũng không có thứ gì có thể dùng để chữa trị. Đang lúc bối rối, không biết phải làm gì, thì có một con hạc trắng, mỏ ngậm một nhánh cây bay qua. Hạc trắng nhìn thấy họ, lượn quanh mấy vòng, rồi thả cành cây đang ngậm xuống ngay trước mặt chàng tú tài đang bị bệnh nặng, rồi lại bay đi. Chàng trai cầm lấy nhánh cây, thử đưa vào miệng nhai, cảm thấy đỡ khát, người mát dần, rất dễ chịu, chẳng bao lâu máu từ mũi cũng ngừng chảy. Hai người rất ngạc nhiên, nghỉ thêm một lát, lại tiếp tục lên đường. Họ kịp đến kinh đô dự thi và đều được đăng quang tiến sĩ. Sau khi nhậm chức, chàng trai mang mẫu cây về cho các thầy thuốc ở kinh đô nghiên cứu, đã phát hiện đó là một loại thuốc có tác dụng cầm máu rất tốt. Liền quyết định đặt tên là “tiên hạc thảo” (cỏ hạc tiên), để tỏ lòng biết ơn con hạc đã giúp họ trong lúc hiểm nghèo.

Xanh xanh Tiên Hạc Thảo

Tiên hạc thảo còn có một số tên khác, như long nha thảo, qua hương thảo, tử mẫu thảo, hoàng hoa thảo, thoát lực thảo, địa thiên thảo, phụ tử thảo, mao kê thảo, lang nha thảo, tả lị thảo; tên khoa học là – Agrimonia nepalensis D. Don (Agrimonia eupatoria auct. non L.); thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Là loài cây mọc ở cả châu Âu và châu Á. Tại Việt Nam, tiên hạc thảo mọc hoang nhiều trên các vùng núi cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng…

Về mặt thực vật, tiên hạc thảo là loại cỏ sống lâu năm, cao 0,5-1,5m; toàn thân có vạch dọc và mang lông trắng, nhiều cành. Thân rễ mọc ngang, đường kính có thể đạt tới 1cm. Đầu mùa hè cây đâm mầm, mọc ra nhiều cánh, lá xum xuê. Lá mọc so le, kép lông chim, dìa lẻ; lá chét hình trứng dài, mép có răng cưa to. Cạnh những lá chét to có nhiều lá chét nhỏ. Lá chét to dài chừng 6cm, rộng chừng 2,5cm; lá chét nhỏ có khi chỉ dài 5mm. Cả hai mặt lá đều mang nhiều lông. Hoa nhỏ mọc thành chùm mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Quả gồm 2-3 quả bế bọc xung quanh bởi đế hoa có đài ở mép trên. Toàn bộ có nhiều gai. Để dùng làm thuốc, thường dùng toàn cây, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.

Giá trị dược tính

Trong sách thuốc Đông y hiện đại, tiên hạc thảo được xếp trong loại thuốc “chỉ huyết” – thuốc chống chảy máu. Loại thuốc chỉ huyết Đông y phân chia thành 4 nhóm nhỏ, tùy theo cơ chế tác động lên huyết dịch: lương huyết chỉ huyết, hóa ứ chỉ huyết, thu liễm chỉ huyết và ôn kinh chỉ huyết. Tiên hạc thảo được xếp trong nhóm “thu liễm chỉ huyết”, cùng với bạch cập, tử chu, huyết dư thán, ngẫu tiết…

Theo Đông y, tiên hạc thảo có vị đắng chát, tính ấm, vào 4 kinh tâm, phế, can và thận. Có tác dụng thu liễm chỉ huyết, trị lỵ (chữa kiết lỵ), tiệt ngược (chống sốt rét), bổ hư (bồi dưỡng cơ thể). Thời xưa, dân gian thường sử dụng tiên hạc thảo làm thuốc cầm máu, chữa thổ huyết, khái huyết (ho ra máu), nục huyết (đổ máu cam), đi lỵ phân lẫn máu, sốt rét và mụn nhọt lở loét ngoài da. Hiện tại trên lâm sàng, tiên hạc thảo thường được sử dụng chữa các bệnh như ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, ban xuất huyết do dị ứng, bệnh ưa chảy máu (hemophilia), xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết đường tiết niệu, xuất huyết tử cung…

Liều dùng hằng ngày: 6-15g, dưới dạng thuốc sắc; một số trường hợp có thể sử dụng liều cao hơn.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, tiên hạc thảo là vị thuốc có phổ tác dụng tương đối rộng. Chất agrimonin chiết xuất từ tiên hạc thảo có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu xuống còn 50%, đồng thời làm tăng lượng tiểu cầu trong huyết dịch. Cao thuốc chế từ tiên hạc thảo có tác dụng làm co mạch ngoại biên, tăng tốc độ đông máu rõ ràng. Thuốc nước chế từ tiên hạc thảo có tác dụng ức chế rất mạnh đối với tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn và trực khuẩn lao. Ngoài ra, agrimol trong tiên hạc thảo có tác dụng trừ sán; tannins trong tiên hạc thảo có tác dụng chống virut gây bệnh mụn rộp.

Các kết quả nghiên cứu được lý hiện đại không những đã chứng minh kinh nghiệm sử dụng tiên hạc thảo làm thuốc cầm máu và chữa trị một số chứng bệnh viêm nhiễm là có cơ sở, mà còn phát hiện thêm hai tác dụng mới, đó là tác dụng chống ung thư và HIV.

Kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy: tiên hạc thảo có tác dụng ức chế mạnh đối với tế bào ung thư mô liên kết S180, ung thư ruột, ung thư gan và một số loại ung thư khác. Còn theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật công bố trên Nhật Bản dược học tạp chí và Hán phương nghiên cứu: Tiên hạc thảo có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư rất mạnh, mà không ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của tế bào bình thường.

Đặt biệt, kết quả nghiên cứu dược lý thập niên gần đây còn phát hiện thêm, tiên hạc thảo có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể; các chất quercetin, lateoin, ursolic acid,… trong tiên hạc thảo có tác dụng ức chế khả năng tái sinh của virut HIV. Hiện tại tiên hạc thảo bắt đầu được sử dụng trên lâm sàng cho các bệnh nhân HIV/AIDS.

Một số bài thuốc tiêu biểu có dùng tiên hạc thảo:

- Chữa các chứng xuất huyết (khái huyết, thổ huyết, tiện huyết, niệu huyết, băng lậu): Dùng tiên hạc thảo 30-50g tươi, giã vắt lấy nước uống. Hoặc dùng tiên hạc thảo 15g khô sắc nước uống. Tùy theo bệnh tình, có thể phối hợp với hòe hoa, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) 10g, bồ hoàng,… cùng sắc nước uống.

- Chữa ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: dùng tiên hạc thảo 20g, đan bì 10g, sinh địa 10g, kim ngân hoa 12g, tử thảo 10g, sắc nước uống trong ngày.

- Chữa nổi hạch, tràng nhạc: tiên hạc thảo 20g, nga truật, ngưu tất, xạ can, huyền sâm, mỗi vị 12g, sắc uống.

- Hỗ trợ điều trị ung thư:

Ung thư phổi ra mồ hôi trộm: dùng tiên hạc thảo 15g, hồng táo 10 trái, sắc nước uống thay trà trong ngày.

Ung thư vú giai đoạn đầu: tiên hạc thảo 30g, bồ công anh 30g, ngâm trong 500ml rượu trắng, sau 40-50 ngày chắt lấy rượu thuốc. Ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 10ml rượu thuốc, hòa thêm 1 thìa mật ong uống.

Ung thư trực tràng, ung thư cổ tử cung: tiên hạc thảo, bại tương thảo, mỗi thứ 50g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

- Chữa xuất huyết ở bệnh nhân HIV/AIDS: Dùng tiên hạc thảo 30g, bạch mao căn 30g, hải kim sa 30, bạch hoa xà thiệt thảo 30g, chi tử 15g, xa tiền thảo; sắc nước uống trong ngày. Dùng trong trường hợp bị lây nhiễm HIV, phát hiện với các triệu chứng: niệu huyết, chân răng xuất huyết và chảy máu mũi (theo tài liệu Trung Quốc).

Danh mục bài viết Món ăn & sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading