Đến với vùng đất ăn cơm nếp 365 ngày
Đường vào Cao Sơn từ trung tâm xã Lũng Cao đi lên như một sợi chỉ vắt ngang qua dãy Phà Hé, chỉ cần sơ sẩy trượt chân là mất mạng như chơi. Những ngôi nhà sàn ở ba bản Son, Bá, Mười nằm dọc trên các vạt đồi san sát nhau.
![]() |
Cao Sơn xinh đẹp với những nóc nhà sàn nằm sát nhau trên vạt đồi. |
Những già làng kể lại, cách đây gần 400 năm, người Thái ngược Hòa Bình cùng với một tốp người từ dưới Lũng Cao lên đây định cư. Trải qua nhiều thế hệ, người Thái sinh sống giữa đại ngàn Pù Luông vẫn lưu giữ được nhiều nét nguyên sơ của núi rừng.
Hơn 200 hộ dân với gần 800 nhân khẩu sống giữa núi rừng nhưng lại rất ít đất canh tác. Khí hậu lạnh khiến cho việc trồng trọt càng trở nên khó khăn, hai cây trồng chủ yếu là lúa nếp và ngô. Chính vì vậy, từ xa xưa, đồng bào Thái ở đây vẫn chuyên ăn cơm nếp đồ. Người xưa có câu "ngán như ngán cơm nếp" nhưng với dân bản thì cơm nếp có thể ăn cả 365 ngày trong năm.
Nhấp chén rượu ngô, ông Ngân Văn Kim, trưởng bản Bá, cười khà bảo ăn gạo nếp gần 50 năm rồi mà chưa biết chán. Người Cao Sơn chỉ ăn chơi cơm tẻ, còn cơm nếp mới là lương thực chính. Ngày nào vợ ông Kim cũng dậy thật sớm, đồ một nồi cơm nếp để cả nhà cùng ăn sáng.
Gạo nếp được ngâm vài tiếng, đãi sạch rồi cho vào chiếc niếng đồng, đặt lên hông gỗ đồ như kiểu đồ xôi. Nếp chín đổ ra chiếc rá tre rồi quạt cho bớt hơi nóng. Những hạt nếp nương tỏa hương thơm riêng của thung lũng quanh năm mây mù, nhai kỹ sẽ cảm nhận được vị ngòn ngọt.
![]() |
Người dân nơi đây quanh năm ăn cơm nếp và không quen với cơm tẻ. |
Ruộng nương ở xa, dân đi chợ hoặc mua bán đều phải xuống phố Đòn cách đó vài chục cây số hoặc ngược sang Hòa Bình mất cả nửa ngày. Người lớn đi nương, đi rừng, trẻ con đi học chỉ cần một nắm cơm nếp to với chút lạc rang, muối vừng là xong bữa trưa. "Ăn cơm tẻ thì không bao giờ chắc bụng và phải kèm thịt, cá mới ăn được nên không quen", ông Kim nói.
Cơm nếp ở đây ăn không bao giờ bị nóng cổ và nhanh chán như cơm nếp dưới xuôi. Những cây lúa nếp được trồng ở đây thường có sức chịu đựng dẻo dai hơn lúa ở những vùng khác. Theo ông Kim, mùa hè nhiệt độ chỉ từ 18 đến 22 độ C. Mùa đông rất lạnh, nhiều hôm nhiệt độ xuống chỉ còn vài độ C. Sáng dậy thấy nước đóng băng như những mảnh thủy tinh vỡ, có hôm sương muối giăng trắng khắp vạt đồi. Dân bản cũng thử trồng những giống lúa tẻ nhà nước cho để tăng năng suất nhưng cuối cùng nó vẫn chết vì không chịu được lạnh.
Người dân thường trồng lúa ở gần mó nước vì nơi đây không có sông, suối. Giống lúa lâu đời nhất có tên gọi "kháu khuông" ăn ngon nhất, khỏe vươn lên, không cần phân bón nhưng năng suất thấp nên chỉ còn vài nhà trồng. Còn lại, dân chủ yếu trồng giống nếp đại trung. Giống này chịu lạnh tốt, cấy hơi thưa và phải 6 tháng mới cho gặt. Không điện, không chợ búa nên người dân thường phải gùi thóc sang tận Nam Sơn hoặc đi bộ đường rừng xuống tận trung tâm xã để xay xát.
![]() |
Cao Sơn còn được gọi là "Sa Pa say ngủ trong lòng xứ Thanh" bởi khí hậu lạnh. |
Hết mùa gặt, người Thái thường để dành những thúng gạo hạt to nhất, mẩy nhất để dành cho lễ cúng cơm mới, mong cho thần rừng, thần núi về phù hộ cho dân làng. Người dân cũng tổ chức hội cấy, dân bản ngả một con lợn vài chục cân để ăn và tập trung đi cấy cho nhau trong ngày hội cấy đầu năm của bản làng.
Người Thái nơi đây rất mến khách, ai đến chơi nhà cũng được chủ mời ăn cơm. Khách ra về, chủ thường gói cho một đùm cơm để ăn dọc đường. Nhờ khí hậu lạnh, nơi đây hoa đào còn nở rực rỡ 6 tháng trong năm. Chỉ cần nhìn thấy hoa đào nở, người dân bắt đầu dành gạo nếp, ủ ngô làm rượu để đón Tết về.
Theo Vnexpress
Danh mục bài viết Du lịch Ẩm thực
Bình luận