Cà phê Sài Gòn

Thứ Năm, 09/09/2010 10:07

2,440 xem

0 Bình luận

(0)

3507

Cà phê bệt ở Sài Gòn không hoàn toàn được hiểu theo nghĩa đen "ngồi bệt uống cà phê", mà là uống nước giải khát nói chung. Nhưng nếu chỉ đơn thuần như vậy thì làm sao thú thưởng thức đơn giản được giới trẻ Sài Gòn ưa thích này trở thành một nét văn hóa?

Đi bệt không?

Trong lòng Sài Gòn có nhiều quán cà phê bệt, nhưng nếu ai đó bất chợt hỏi "Đi bệt không?", thì chỉ có thể là bệt Hàn Thuyên.


Chẳng biết từ bao giờ, con đường nhỏ bên hông nhà thờ Đức Bà lại trở thành địa điểm tụ tập ưa thích của giới trẻ thích "bệt". Theo một vài gương mặt quen thuộc ở nơi đây, quán cà bệt trên con phố này ngày trước nằm bên kia đường.

Sau khi những ngôi biệt thự to lớn mọc lên, chủ quán phải chuyển địa điểm sang phía công viên 30 tháng 4, đồng thời nảy ra ý tưởng dùng một chiếc xe Mitsubishi 9 chỗ đã cũ, tháo hết ghế để làm "quán".


Khách đến quán được phát mỗi người một tờ báo để ngồi luôn trên lề đường. Còn xe máy thì cứ thoải mái để trên lòng đường. Vừa ngồi uống cà phê, khách vừa phải để mắt nhìn xe, vừa phải cảnh giác kẻo "trật tự" đến "hốt".

Lúc đầu, mỗi ngày anh chủ quán chỉ phải đóng 5.000 đồng tiền vé gửi xe để hành nghề. Trên xe luôn có nhân viên túc trực để pha chế đồ uống tại chỗ. Sau, "quán" được dời sang góc đường Pasteur. Chủ và phục vụ liên lạc với nhau qua bộ đàm mỗi khi có khách "order" đồ uống. Chỉ sau 5 phút gọi, thức uống sẽ được mang đến bằng xe... honda.

Chẳng sang trọng, thậm chí có phần nhếch nhác, lộn xộn, nhưng lượng khách tới cà phê bệt vẫn khiến những quán cà phê lớn phải ganh tỵ.

Nơi trao một nụ hôn cũng chẳng ai trách móc...

Thường gặp ở cà phê bệt nhất, là những nhóm bạn trẻ, ngồi quây quần với nhau, nói cười hỉ hả, đủ chuyện trên trời dưới bể. Vào dịp cuối tuần, nơi đây lại trở thành điểm tụ tập của một vài nghệ sĩ nghiệp dư, già có, trẻ có, cùng nhau đàn hát nghêu ngao.


Cà phê bệt cũng là nơi nhiều đôi trai gái tìm đến tâm sự. Dù xung quanh kẻ đứng người ngồi lố nhố, nhưng vẫn không khó để tìm được một góc lãng mạn nào đó rất lạ, rất đáng yêu và tĩnh lặng vô cùng. Thi thoảng không kiềm chế được, lỡ có trao nhau một nụ hôn thì cũng chẳng ai trách móc hay khó chịu. Chưa kể tình phí thì... quá rẻ.

Lại có người thích đến cà phê bệt một mình. Họ đến để hóng gió, đến theo thói quen, đến để tìm những ý tưởng mới cho công việc, hoặc cũng có thể là đến để góp nhặt lại chút bình yên sau những bộn bề cuộc sống.

Nhiều người, khi có bạn bè phương xa ghé chơi Sài Gòn, đều cố gắng rủ rê bạn "đi bệt" cho bằng được. Tất nhiên, lý do không phải vì cà phê rẻ.

Và còn nhiều cái "để" khác...

Không "bệt" thấy mệt
Họ là những người mà nếu trong ngày, không được "bệt" một lần thì sẽ cảm thấy như thiếu thiếu cái gì đó, thấy bứt rứt khó chịu trong người. Chỉ chăm chăm lúc nào xong việc, rảnh tay rảnh chân là lập tức nhấc máy: "Alô, bệt nhé!".


Hoặc, họ cũng có thể là những người chỉ thi thoảng ghé tới một lần, nhưng mỗi lần "bệt" lại có những kỷ niệm mới, cảm xúc lạ.

Như một bạn gái tâm sự trên blog, rằng dù đã hai năm không ghé đây vì những "lý do cuộc sống", nhưng mỗi khi đi xe ngang qua, lại "dấy lên những tình cảm đặc biệt dành cho con đường này, cho khung cảnh xung quanh nó, cho từng tiếng xe qua lại, từng khoảng cỏ xanh công viên, từng chiếc lá vàng rơi...".

Không chỉ "bệt" nơi công viên, họ còn mang cả "bệt" lên... mạng. Một diễn đàn có tên Cộng đồng bệt ra đời với mục đích kết nối những con người vẫn ngày ngày gắn bó cùng những mảnh báo cũ và ly cà phê được phục vụ bằng xe "honda". Facebook Cà phê bệt với 1.000 thành viên tham gia cũng là nơi để các "tín đồ bệt" chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm của riêng mình...

Một "tín đồ" của "bệt" tâm sự: "Bệt là nơi không phải đến chỉ để uống cà phê, đó còn là nơi kết nối bạn bè, hòa mình vào thế giới của những niềm vui, sự sẻ chia, nơi những ước mơ và hy vọng được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng... Và là một nơi để trải lòng, một nơi để thấy mình tĩnh lại giữa bộn bề cuộc sống...".

Món 'nướng trên, lẩu dưới' của người Lào ở Sài Gòn

Món 'nướng trên, lẩu dưới' của người Lào ở Sài Gòn

Các món được nướng trên chiếc khay, toàn bộ vị ngọt của không mất đi mà chảy xuống nồi nước lẩu phía dưới cho thêm phần hấp dẫn.
Xem thêm

Bài, ảnh: Linh Phạm

Theo Vietnamnet

Danh mục bài viết Du lịch Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading