Măng cụt

Măng cụt (danh pháp hai phần: Garcinia mangostana), là một loài cây thuộc họ Bứa (Clusiaceae). Nó cũng là loại cây nhiệt đới cho quả ăn được, rất quen thuộc tại Đông Nam Á. Cây cao từ 7 đến 25 m. Quả khi chín có vỏ ngoài dày, màu đỏ tím đậm. Ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt có mùi thơm thu hút.

Công dụng

Măng cụt

Trái măng cụt thơm ngon cũng còn cống hiến nhiều môn thuốc. Từ lâu, ở Á châu, bên Ấn Độ, hệ thống khoa học đời sống ayurvedic đã kê nó vào nhiều thang thuốc cổ truyền, đặc biệt chống viêm, chữa tiêu chảy, ức chế dị ứng, làm giản phế quản trong cuộc điều trị hen suyễn. Nó cũng được xem như là những thuốc chống dịch tả, bệnh lỵ, kháng vi khuẩn, kháng vi sinh vật, chống suy giảm miễn dịch. Người Thái dùng nó để chữa vết thương ngoài da. Người Mã Lai, Phi Luật Tân dùng nước sắc vỏ chữa lỵ, đau bụng, đi tiêu lỏng, bệnh vàng da. Theo Đông y, vỏ quả măng cụt có vị chua chát, tính bình, đi vào hai kinh phế và đại tràng, có công năng thu liễn, sáp trường, chi huyết, dùng trị tiêu chảy, ngộ độc chất ăn, khi bệnh thuyên giảm thì thôi, dùng lâu sinh táo bón. Cách thức dùng tương đối dễ: bỏ vỏ quả măng cụt khô (60g) vào nước (1.200 ml), có thể thêm hạt mùi (5g), hạt thìa lìa (5g), rồi đun sôi, sắc kỹ cho cạn chừng một nữa, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 120 ml. Nếu là người lớn, đau bụng, có thể thêm thuốc phiện. Những công tác khảo cứu mới cho biết những tính chất của vỏ trái: nhờ chất epicatechin, nó chống oxi hoá; nhờ những flavonoid, nó ức chế hoạt động sản xuất acid của trùng Streptococcus mutans GS-5. Bên phân garcinon E thì có tính chất độc hại cho các tế bào gan, phổi, dạ dày.

Trong số các xanthon, hoạt chất được khảo cứu sâu rộng nhất là những mangostin. Chúng có tác dụng mạnh lên các vi khuẩn Staphylococcus aureus ở nồng độ 7,8 µg/ml, lên các nấm Fusarium oxysporum vasinfectum, Alternaria tenuis, Dreschlera oryzae, Trichophyton mentagrophytes, Microsporum gypseum, Epidermophyton floccosum ở nồng độ 1 µg/ml, Mycobacterium tuberculosis ở nồng độ 6,25 µg/mL. Đem thử trên heo và chuột, nó có khả năng ức chế hệ thống phân vệ tế bào bám dính miễn dịch. Đặc biệt a-mangostin ức chế Bacillus subtilis ở nồng độ 3,13 µg/ml, Staphylococcus aureus NIHJ 209p chịu đựng methicillin ở nồng độ 1,57 µg/ml, tác dụng tăng cường nếu cho thêm vào vannomycin. g-mangostin thì chống sự oxi hóa lipid, ức chế sự sản xuất nitrit từ lipopolysaccharid do các tế bào đại thực gây ra. Cả hai a- và g-mangostin đều có tính chất chống dị ứng; thuốc viên rất hiệu nghiệm trên các bệnh nhân bị chứng sổ mũi mùa. Cả hai ức chế sự co của động mạch chủ trên ngực thỏ đã bị histamin và serotonin tác động. Nói chung, cả hai đều là những chất đối kháng thiên nhiên tác dụng của histamin, tức là những tác nhân điều trị đác lực những bệnh biến dị ứng. Hai chất nấy, chiết xuất từ măng cụt nguồn gốc Việt Nam, lại có khả năng khử gốc, kháng oxi hóa. Một phần chiết măng cụt gồm có mangostin và g-mangostin ức chế HIV-1 protease (IC50=5,12 và 4,81µM).

Đứng về mặt ứng dụng, măng cụt được dùng trong thuốc tẩy, thuốc đánh răng, mỹ phẩm có tính chất kháng vi sinh vật. Một chất xanthon trộn lẫn với gartanin hay ergonol ức chế Helicobacter pylori đã được dùng để chữa ung thư, loét hay viêm dạ dày. a-mangostin có công hiệu trên Helicobacter pylori ở nồng độ 1,56 µg/ml (38). a- và g-mangostin ức chế glucosyl transferase phát xuất từ trùng sâu răng Streptococcus sobrinus và collagenase do vi khuẩn viêm lợi Porphyromonas gingivalis gây chảy mũi nên được dùng trong thuốc đánh răng, có khả năng ngừa chặn sâu răng và mảng răng. Mangosten được trộn với nhiều hóa chất khác như cetyl alcool, cetyl phosphat, dimethicon, eicosen, disodium, magnesium stearat, dipropylen glycol, triethanolamin,… để làm một loại thuốc bảo vệ chống ánh nắng mặt trời. Nhờ tính chất ức chế hoạt động phosphodiesterase, ở nồng độ 50 µg/ml trong một dung dịch 5% dimethyl sulfoxyd, nó được dùng để làm thuốc kích thích tiêu mỡ. Sau cùng, cũng nên biết để trái măng cụt tránh bị rám nâu khi tích trữ trong tủ lạnh, nó cần phải được lắc lay một phút trong một dung dịch 0,25% calcim chlorid + 0,5% citric acid.