Lợi và hại khi sử dụng đồ uống có Gas

Thứ Tư, 20/06/2012 09:28

6,078 xem

0 Bình luận

(0)

1775

Nước có gas là món giải khát để kích thích tiêu hoá cho người biếng ăn, thức uống để “chữa cháy” cho người tụt đường huyết. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên nước có gas bạn sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh như viêm họng, thiếu canxi...

Nước ngọt có gas là thức uống quen thuộc. Nhưng những tác hại của chúng khi lạm dụng thì nhiều người chưa biết.

Ai cũng đã từng nếm qua cảm giác sảng khoái khi thưởng thức ly nước ngọt có gas ướp lạnh đúng lúc trời oi bức. Không lạ gì khi nước ngọt có gas là mặt hàng luôn được mọi người ưa thích, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng nước ngọt tuy có gas nhưng lại ít có lợi cho sức khoẻ, vì:

• Uống nước ngọt có gas quá lạnh là lý do khiến viêm họng dễ tái phát, hay tệ hơn nữa, viêm loét dạ dày lâu lành. Nhiều người tốn tiền hoài cho thuốc đau bao tử mà không ngờ là vì thói quen uống nước ngọt có gas lúc bụng đói.

• Uống nước ngọt có gas ướp lạnh đúng là đã khát nhưng chỉ tạm thời rồi sau đó lại khát, thậm chí khát nhiều hơn, vì lượng đường trong nước ngọt làm khô cổ họng.

• Uống nhiều nước ngọt có gas dễ mập vì thừa năng lượng do lượng đường quá cao trong nước ngọt.

• Uống nước ngọt có gas dễ gây đầy bụng vì chất sinh gas và vì đường trong nước ngọt dễ lên men trong khung ruột.

Nhưng nếu tưởng chỉ có bấy nhiêu thì lầm. Tai hại lâu dài khi lạm dụng nước ngọt có gas là do ảnh hưởng trực tiếp trên khoáng tố, cụ thể là phốtpho và canxi, rồi qua đó gián tiếp trên nhiều phản ứng biến dưỡng.

Phải nói ngay để tránh hiểu lầm. Nước ngọt có gas cũng có mặt mạnh. Đó là nguồn cung ứng phốtpho. Cơ thể rất cần phốtpho vì đó là khoáng tố cơ bản của mô xương và đồng thời là chất xúc tác cho vô số phản ứng biến dưỡng. Thiếu phốtpho thì cơ thể hết ... pin. Nhưng nếu uống quá nhiều nước ngọt có gas thì thừa phốtpho là chuyện đương nhiên. Đó lại là nguyên nhân dẫn đến nhiều hậu quả bất lợi trên hệ thần kinh, vận động, nội tiết... Tình trạng bệnh lý này càng rõ nét hơn nữa nếu gia chủ vô tình tiếp nhận quá ít canxi. Không chỉ cần thiết cho mô xương, nhiều phản ứng biến dưỡng chỉ được tiến hành với tiến độ và kết quả như mong muốn khi hàm lượng phốtpho trong cơ thể cân bằng với canxi.

Theo cảnh báo của tổ chức y tế thế giới (WHO), nhiều trẻ em bị bệnh ngoài da và người già bị bệnh cột sống là vì chế độ dinh dưỡng có quá nhiều phốtpho do lạm dụng nước ngọt có gas, thịt xông khói trong khi lại thiếu canxi. Bên cạnh tính cân đối trong khẩu phần, giải pháp đơn giản hơn là đừng quên uống ly sữa, hay sữa chua. Dùng sữa hiệu nào cũng được, nếu trong ngày đã có lần thưởng thức nước ngọt có gas.

Nói thế không có nghĩa phải xoay lưng với nước ngọt có gas. Trái lại, đó là món giải khát để kích thích tiêu hoá cho người biếng ăn, thức uống để “chữa cháy” cho người tụt đường huyết. Nếu thèm cứ uống nhưng đừng lạm dụng. Khéo hơn nhiều là nếu định uống hai ly mới đã khát thì cứ chọn một ly nước ngọt có gas nhưng ly thứ hai là nước khoáng hay nước trà.

(Theo TNV)

Danh mục bài viết Đồ uống & Sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading