Ấm lòng với những món chè nóng ngày đông

Thứ Tư, 28/11/2012 02:33

6,514 xem

0 Bình luận

(0)

1915

Mùa đông những món chè nóng lên ngôi. Khi thời tiết se lạnh cũng là lúc trên những con đường của thành phố trong cả nước lại xuất hiện những bóng dáng người phụ nữ tần tảo với gánh chè nóng thơm phức bạn khó lòng mà cưỡng lại được.

Khi những cơn gió lạnh bắt đầu tràn về là ẩm thực mùa đông lên ngôi. Những chiếc xe đẩy nồi chè bốc khói nghi ngút bắt đầu xuất hiện dày đặc trên các đường phố Hoàng Diệu, Bạch Đằng, Phan Chu Trinh, Pasteur, Nguyễn Chí Thanh… của TP. Đà Nẵng.

Gần như không phút nào ngơi tay, những bà, những cô chủ hàng chè nóng cứ liên tục múc chè cho khách. Khách đến rồi đi tấp nập. Không ít người đội mưa đi mua một lúc cả mấy chục bịch chè để mang về nơi làm việc chia cho đồng nghiệp cùng thưởng thức lúc giải lao.

Chè nóng thường là chè đặc, được nấu với vị ngọt nhẹ và lúc nào cũng bốc khói nghi ngút, khách vừa xì xụp thổi, xì xụp ăn để thấy hết cái thú vị của kiểu ăn chè nóng ngày đông.

Chè nóng cực kỳ đơn giản và dễ nấu, lại siêu ngon vào mùa lạnh nên cho dù hàng quán đắt khách vào ngày thường, nhưng cuối tuần, vẫn được các mẹ, các chị chọn làm món ăn chơi trong ngày giá lạnh.

Có người thích chè đậu ván đặc, với những hạt đậu căng mẩy, được ngâm, hầm rất công phu. Bí quyết cho hạt không vỡ ra là cho nước xăm xắp hạt đậu, đến khi nước vừa rút thì châm tiếp nước.

Khi đậu mềm thì mới bắt đầu cho đường nấu, sao cho thấm đường vào đậu, rồi khuấy bột năng với nước lạnh, cho vào và khuấy đều tay nhưng hết sức nhẹ nhàng để hạt đậu không bị vỡ. Vậy là đã có nồi chè đậu ván đặc thơm lừng.

Chè đậu đen, đậu đỏ đặc cũng tương tự. Chè hoa cau thì công phu hơn ở giai đoạn ngâm đậu xanh.

Chè bột lọc cũng khá công phu với công đoạn nhào bột. Bột lọc được bóp tơi, lấy 1/3 bột viên thành cục to bằng nắm tay, bỏ vào nồi nước đang sôi rồi vớt ra sau vài phút để nhào. Khi bột mịn không dính tay nữa thì vê thành từng viên rồi nhét vào trong hạt đậu phộng hoặc miếng dừa già (xắt hạt lựu) làm nhân rồi vê tròn. Bỏ vào nồi nước sôi luộc đến khi các viên bột lọc nổi lên thì vớt ra cho vào nồi nước đường vừa nấu tới, có giã thêm gừng vào cho nồi chè thơm lừng.

Chè chuối thì nhiều nguyên liệu nhất. Có chuối, bột bán, bột lọc dây, khoai lang, sắn, nước dừa… Chuối phải chọn loại chín đen vỏ càng ngon. Tất cả chuối, sắn, khoai lang đều cắt miếng vừa ăn. Nấu cho khoai, sắn vừa chín tới thì cho chuối vào, kế đó là bột bán, bột lọc dây (đã luộc sơ qua) cho vào nồi chè, cho đường nêm nếm vừa miệng, cuối cùng là nước cốt dừa. Nếu chè không có độ sệt thì cho một chút bột năng pha nước lạnh vào nồi khuấy đều. Khi ăn rắc thêm chút đậu phộng là ngon tuyệt đỉnh…

Chè bắp cũng là loại chè nóng được chọn nhiều nhất vào những ngày đông và nấu vô cùng đơn giản. Bắp nếp trắng được dùng dao bào quanh để lấy phần thịt bắp. Cho bắp vào nấu với nước xăm xắp, đến khi bắp dậy mùi thì cho đường trắng vào và một ít bột năng cho chè có độ quánh. Vậy là đã có nồi chè bắp ngon mềm môi.

Chè nóng sẽ vô cùng ngon nếu các bà, các chị biết pha chế nước cốt dừa ăn kèm. Bí quyết nằm ở mỗi người, nhưng cách làm chung vẫn là dừa già nạo tơi, cho nước vào rồi vắt lấy nước cốt ban đầu. Tiếp tục cho nước vào để lấy tiếp nước dảo. Nấu nước dảo dừa sôi lên với lá dứa, thì cho thêm một chút xíu muối, rồi pha nước cốt dừa với bột năng đổ từ từ vào nồi nước dảo dừa đang sôi. Ðã xong nồi nước cốt ngon ăn kèm món chè nóng thơm lừng.

(Theo hanoilive)

Danh mục bài viết Ẩm thực ba miền

Đang tải dữ liệu loading