Người tiêu dùng lo ngại gà lậu

Thứ Hai, 15/04/2013 10:43

1,332 xem

0 Bình luận

(0)

1894

Dạo quanh các chợ gần trung tâm thành phố Hà Nội như: Mai Lĩnh (Yên Nghĩa- Hà Đông), Xốm (Phú Lãm- Hà Đông), Vác (Thanh Oai)… chúng tôi thấy có nhiều loại gà sống chưa qua kiểm dịch được bày bán công khai. Nhìn bề ngoài, rất khó để phân biệt đâu là gà ta và đầu là gà thải loại được nhập từ Trung Quốc.

Khó phân biệt

Chị Trần Mai Lan, một tiểu thương bán gà ở chợ Mai Lĩnh cho biết: “Hiện nay, gà “Tàu” còn có một loại nữa giống y như gà ta, lông còn đẹp hơn gà ta. Đặc điểm của gà này chân nhỏ, mào to, ở dưới lườn thường là màu trắng nhưng thịt không được chắc và đỏ như gà ta”. Chị Lan còn cho biết thêm: Giống gà này thường được trà trộn và bán cùng với gà ta, ngay cả các tiểu thương bán lẻ cũng không phân biệt được.

Không những thế còn một loại gà nữa theo những người bán quảng cáo là gà mía, thịt dai và giòn hơn gà ta. Trong khi giá rẻ chỉ từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg cũng đang được bày bán tại các chợ. Nhiều tiểu thương còn khẳng định đó là gà thải loại. Chị Lê Thị Bích, một tiểu thương bán gà thịt ở khu chợ Xốm cho biết: “Gà mía chính là gà đã đẻ trứng rồi được bán ra thị trường, nhưng khi thịt ra để bán thì khó có thể phân biệt được đâu là gà nuôi thịt, đâu là gà đẻ thải loại”.

Thực tế là, để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng ngày càng chặt chẽ nhiều thương lái đã đưa gà nhập lậu về các chợ xa trung tâm để thụ. Bởi các chợ này thường không có ban quản lí ngay tại chợ, cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được lượng gà mang về.

Tuy nhiên, chỉ có ít dấu hiệu phân biệt mà không phải lúc nào cũng đúng. Một tiểu thương tiết lộ, gà mía đều là gà thải loại từ Trung Quốc và trong quá trình vận chuyển đều được tiêm hoặc cho vào thức ăn một lượng thuốc kháng sinh. Do đã đẻ trứng và vận chuyển đường dài nên lông gà thường rũ hơn bình thường. Ở mỏ của gà thải loại thường bị cắt một phần (vì gà đẻ cần cắt mỏ để không mổ được trứng).



Còn thờ ơ trước dịch

Mặc dù, hiện nay mới chỉ phát hiện những ca nhiễm vi rút cúm A/H7N9 ở Trung Quốc... Còn cúm A/H5N1, ở Việt Nam ngày 9-4-2013 cũng đã có một bệnh nhân tại huyện Cao Lãnh- Đồng Tháp tử vong do cúm A/H5N1. Trước tình trạng gà nhập lậu vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì vấn đề phòng chống dịch cúm càng trở nên cấp bách hơn. Trong khi, người tiêu dùng vẫn đang vô tư mua gia cầm mà không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ đang tiềm ẩn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại chợ Văn Điển, Thanh Trì - Hà Nội, khi chúng tôi hỏi mua và chê gà nhìn ủ rũ, chị bán hàng liền phân bua: “Đây toàn gà được lấy ở Đông Anh, Vĩnh Phúc xuống bán thì cần gì phải qua kiểm dịch. Cứ yên tâm đi gà này an toàn tuyệt đối không bị bệnh đâu mà lo, ngày nào chị chẳng bán hết mấy lồng, có thấy ai bảo sao đâu!”.

Không chỉ người bán mà cả người mua cũng thờ ơ trước dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Chị Phạm Thị Thanh Nga, ở Thanh Oai- Hà Nội cho rằng: “Dịch cúm A/H7N9 mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc còn nước mình đã bị đâu mà lo. Cứ hai, ba ngày tôi lại mua thịt gà về ăn, mà cũng chỉ mua của người quen thôi”.

Nhiều người tiêu dùng hiện chỉ dựa vào sự quen biết đối với những tiểu thương bán lẻ để mua mà không hề quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ của gia cầm. Chị Lê Thanh Hải, ở Phú Lãm- Hà Đông cho biết: “Mình chủ yếu mua của người quen, nên cũng yên tâm, ngon thì họ bảo mình lấy còn không ngon thì cũng không dám bán cho mình”.

Sự chủ quan của người tiêu dùng sẽ là mối lo ngại tiềm ẩn khi dịch cúm diễn biến phức tạp hơn.

Theo baohaiquan

Danh mục bài viết Tin Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading