Đặc sản chè ở Phìn Hồ

Thứ Hai, 20/05/2013 08:10

2,437 xem

0 Bình luận

(0)

3057

Vất vả lắm chúng tôi mới tìm được nhà anh Lý Văn Hảo ở xã Thông Nguyên - một trong số rất ít người còn làm món chè ống truyền thống của dân tộc mình. Thế nhưng, khi vào nhà anh Hảo, chúng tôi thấy trên bàn uống nước là một bộ ấm chén trắng tinh. Anh bạn đồng nghiệp hỏi gia chủ về món chè truyền thống. Anh Hảo cười lớn rồi vào nhà lôi ra những ống tre cũ nát khoe rằng: "Giờ dân bản bỏ kiểu uống chè ống rồi, uống chè pha vào ấm, tách như dưới xuôi hay hơn. Nhà tôi là gia đình cuối cùng ở đây bỏ chè ống". Nói rồi anh tiện tay quăng luôn mấy cái ống tre mà cách đây vài tháng anh còn dùng pha chè ống ra vườn. Anh bảo: "Không dùng nữa thì vứt ống tre đi thôi chứ để làm gì nữa".

Đặc sản chè ống

Đó là một sản phẩm đặc biệt từ ngàn đời nay của bà con dân tộc Dao ở cao nguyên Phìn Hồ. Tuy nhiên đến nay, chè san tuyết được chế biến một cách đặc biệt này đang chìm dần vào quá vãng bởi lí do đơn giản: "Đó là thứ chè đầy ám ảnh của một thời khổ sở, nhơ nhớp...". Thế nhưng, từ trong tiềm thức của nhiều người, chè ống vẫn là thứ đặc sản, là điểm nhấn mang tính văn hóa không nơi nào có được.



Anh Hảo giới thiệu: "Chè ống do người dân tự làm, đầu tiên là đi hái búp chè sau đó dùng chân nhồi cho nhè nhừ ra và đem phơi dưới trời nắng, hoặc cũng có thể để gác bếp cho đến khi chè khô. Khi uống phải cho chè vào một ống tre rồi cho nửa ống nước nóng sắc đều và đổ nước này đi, tiếp đó mới cho nước nóng lần 2 vào đợi khoảng 5 - 10 phút cho chè ngấm rồi mới uống. Khi có khách, mỗi người sẽ được mời một ống chè nóng... Khi uống, chè ống có mầu vàng, trong, vị đậm, ngọt đặc trưng của chè san tuyết và có cả mùi thơm của tre tiết ra".

Nhắc đến chè ống, một cán bộ Phòng Văn hóa Si Ma Cai nuối tiếc: "Đó là loại chè đặc biệt mà thượng đế đã ban tặng cho Phìn Hồ, chỉ ở nơi này mới có chè ống. Hiện tại chỉ còn rất ít nhà giữ được thói quen xưa cũ, mỗi khi có khách du lịch hỏi han về kiểu uống chè lạ lùng này chúng tôi chỉ còn cách thành thật là chè này rất ít, muốn uống chè phải mất thời gian tìm ở các bản xa trung tâm huyện thì mới có".

Anh Lý Chòi Nhàn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai lại có cách nhìn khác. Anh bảo: "Đó không phải là đặc sản, trước đây do đời sống người dân khổ sở nên mới phải uống cái thứ chè được chế biến bẩn đó. Người dân dùng chân nhồi chè rất bẩn, rồi lại còn gác bếp khiến chè bị ám khói... Bây giờ đời sống khá lên, người dân từ bỏ loại chè dị kỳ đó là phải".

Đưa chè xuống phố

Trước đây, chè san tuyết Phìn Hồ không được chăm sóc khoa học nên năng suất không cao, người dân địa phương chỉ trồng chè để uống với cách chế biến duy nhất đò là chè ống chứ ít khi bán ra ngoài. Anh Lý Chòi Nhàn nhớ lại: "Cách đây mấy năm, chè san tuyết không được cắt tỉa, khi hái, người dân phải treo mình trên những cây chè cổ thụ cao tít tắp, việc chăm sóc thiếu khoa học này khiến cho sản lượng chè không cao, không đem lại giá trị kinh tế cho người dân".

Không ngồi nhìn cảnh hàng trăm héc ta chè san tuyết cổ thụ bỏ phí và người người dân chỉ biết hái chè gác bếp uống chè ống, năm 2008, anh Nhàn đã tự làm sản phẩm chè sạch đem xuống các thành phố từ Hà Giang đến Hà Nội để bán và tìm hướng đi mới cho cây chè san tuyết Phìn Hồ. Anh cho khách hàng dùng thử sản phẩm, nếu thấy ngon, ưng ý thì mua không thì thôi. Ngay chuyến đi đầu tiên xuống thành phố anh đã bán hết trơn một tạ chè khô. Việc này khiến anh rất vui, sau chuyến buôn đầu tiên, anh Nhàn trở về Phìn Hồ và dùng 2 con ngựa để thồ hàng tạ chè xuôi thành phố bán.



Thấy chè san tuyết Phìn Hồ chất lượng tốt, những đại lý chè ở Hà Giang, Hà Nội, Thái Nguyên... đã đặt mua chè dài hạn. Đến lúc đó, sản lượng chè Phìn Hồ không đủ để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đại lí dưới thành phố. Anh Nhàn về bản huy động bà con chặt tỉa chè san tuyết để chè ra nhiều búp hơn nhằm nâng cao sản lượng chè Phìn Hồ để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngay sau khi tìm được đầu ra cho chè san tuyết Phìn Hồ, anh Nhàn đã đi đăng ký thương hiệu "Fìn Hò Trà" để tạo đà thuận lợi cho việc phát triển chè san tuyết cải thiện đời sống của bà con dân bản.

Anh Nhàn tâm sự: "Tôi sinh ra lớn lên ngay tại cao nguyên Phìn Hồ, cùng chịu đựng những vất vả, khổ sở của người dân vùng cao nên tôi muốn thay đổi cuộc sống hiện tại và đem lại cuộc sống tốt hơn cho anh em họ hàng và người dân trên núi. Nếu dân bản cứ duy trì nét văn hóa cũ là uống chè ống thì sẽ không tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, mỗi khi có khách du lịch đến, cùng lắm thì họ cho người dân được một hai trăm ngàn, tiêu hết thì thôi, nhưng nếu làm chè thương phẩm thì sẽ nâng cao được giá trị kinh tế của cây chè, giúp người dân thoát đói, nghèo nhanh hơn".

Theo kienthuc

Danh mục bài viết Món ngon Việt Nam

Đang tải dữ liệu loading