Đi ăn rong ở Chu Hải

Thứ Năm, 23/05/2013 09:11

1,298 xem

0 Bình luận

(0)

2722

Lần theo bản đồ du lịch, chúng tôi đến khu phố ẩm thực trên đại lộ Yuehai. Chỉ cách Khách sạn Guangdong Regency Hotel Zhuhai, nơi chúng tôi nghỉ đêm vài bước chân, những cửa hàng ăn uống đã hiện lên với đầy đủ sắc màu. Anh bạn người Việt gốc Hoa đi cùng tỏ ra khá sốt sắng khi chia sẻ kinh nghiệm ẩm thực của mình. Anh nói ẩm thực của Quảng Đông gồm ba trường phái: Quảng Châu, Triều Châu và Đông Giang tuy nhiên các món chiên, rán, hầm của Quảng Châu là nổi tiếng nhất.

Với nụ cười tươi tắn, sau khi rót đầy chung trà giải nhiệt, cô tiếp viên tiếp tục chiêu đãi chúng tôi bằng những đặc sản như tôm chiên rong biển, cá mú chưng xì dầu ăn kèm với cải xào và món nghêu hấp tỏi. Nghe vị ngọt thơm của từng múi quýt đường lan tỏa trên đầu lưỡi, càng thấm thía lời mời gọi chân thành của cô chủ nhà hàng: “Thưởng thức ẩm thực đường phố là cách ngắn nhất để đến với trái tim của Chu Hải”.

Từ năm 1979, thực hiện chính sách mở cửa, Chính phủ Trung Quốc cho xây dựng ở tỉnh Quảng Đông hai đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Chu Hải. Nhờ những điều kiện địa lý thuận lợi, thị trấn nhỏ Chu Hải nghèo nàn lạc hậu, đã trở thành một trong những đặc khu kinh tế lớn của đại lục. Từ bờ Tây sông Châu Giang nhìn về phía Đông, Hong Kong chỉ cách Chu Hải 36 hải lý. Thành phố này còn tiếp giáp Ma Cau về phía Nam, mở ra phía tam giác Châu Giang ở phía Bắc.

Theo lời anh hướng dẫn viên du lịch, Chu Hải là thành phố thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và là trung tâm công nghiệp miền Hoa Nam với nhiều ngành công nghiệp tiên tiến như giao thông vận tải, điện khí, hóa học, y dược, thực phẩm, may mặc, chế biến cao su...

Nếu ví các nền ẩm thực lớn của Trung Quốc như Giang Tô, Triết Giang với những giai nhân tuyệt sắc thì món ngon Sơn Đông, An Huy dường như phảng phất hình ảnh những hiệp khách phong trần. Trong khi “bát trân” của Tứ Xuyên, Hồ Nam, Phúc Kiến mang tinh thần của những ẩn sĩ, thì đặc sản của Quảng Đông nổi lên như những trang tuấn kiệt anh hào.

Bản đồ thông tin du lịch của Chu Hải cũng cho biết: “Nguyên liệu trong món ăn chính của Quảng Đông là ngũ cốc, hoa quả với các loại rau và cá thịt tươi, được chọn lựa khá kỹ lưỡng. Ngay cả cách chế biến, nêm nếm cũng phải dung hòa được các gia vị nhằm tạo nên hương thơm vị ngọt.

Đến khi thưởng thức, món ăn ngon phải mềm dẻo hoặc giòn; nếu có vị cay phải đảm bảo độ thanh nhẹ. Để món ăn được hấp dẫn, đầu bếp còn bỏ công phu trình bày sao cho tinh hoa của ẩm thực Quảng Châu mang đầy đủ bản sắc văn hóa và phong vị của địa phương”.



Đoạn phố dài chừng 500m ken dày những “nhà hàng lưu động” nhưng cũng có sự phân chia rạch ròi giữa không gian “ẩm” và “thực”. Đầu phố, thoáng thấy những kios trái cây tươi có giá khá mềm. Cạnh đó là vài ba xe đậu phộng nấu ngun ngút khói. Hàng bánh nướng lôi kéo khách bằng hương thơm tỏa ra từ những chiếc lò nướng thùng phuy. Bánh mì nướng nhân thịt mỡ và củ cải trắng có giá ba tệ (khoảng 6.000 đồng). Miếng bánh ăn vào mang hương thơm cay của vị cà ri Ấn, pha lẫn chút béo giòn của lớp bột mì khét tan nhanh trong miệng. Kề bên là gian hàng bạch tuộc nướng bơ cay luôn đỏ lửa vì khá đông khách đứng chờ.

Hàng thịt nướng cũng không kém phần “tài sắc” với đầy đủ các loại thịt tươi sống. Chủ hàng còn có cả khô và nhiều loại nấm, rau, cải… để ăn kèm. “Lò sản xuất” và “cửa hàng” ấy chỉ gói ghém trong một chiếc xe ba bánh nhỏ, đủ thấy tài vén khéo của các chủ cửa hàng lề đường. Chúng tôi dừng lại một xe hải sản để thưởng thức món mì trụng và không quên gọi đĩa phá lấu lưỡi vịt cay giòn ở gian hàng cạnh bên. Đĩa thức ăn mang ra có bao tử heo, mề gà, lưỡi vịt trộn với tương đen, bột ớt khô, chan thêm nước hành phi đậm mùi. Vị cay của thịt phá lấu ban đầu còn thoảng nhẹ, về sau càng nồng làm ấm người trong cái rét đậm lúc đêm về.

Ông chủ xe phá lấu đề nghị hạ hỏa bằng ly nước táo đỏ bên đường hoặc chén chè thanh dịu. Hàng chè nơi đây nổi tiếng món chí mà phù và chè đậu đỏ. Nếu thích uống nước mát, có thể chọn nước bí, củ sen, bông cúc hoặc trà tàu pha sẵn với giá khá mềm chỉ khoảng hai tệ (khoảng 4.000 đồng).

Ngay ở trung tâm, có thể thấy hàng loạt nam thanh nữ tú ngồi trên những chiếc ghế thấp say sưa gặm chân gà nướng, cánh gà luộc. Đến gần cuối phố, dãy quán nhậu mà theo cách gọi của anh bạn người Hoa là “quán đồ hiếm”, cũng thu hút khá đông khách hàng. Những chiếc lồng chật ních rắn, rùa sẽ được chế biến thành những món ăn “cải lão hoàn đồng” hoặc “tráng dương bổ thận” luôn là một phần không thể thiếu của ẩm thực Trung Hoa.

Càng về khuya, thực khách đổ về khu phố đêm càng đông. Người đến đây gồm du khách, dân lao động và cả những nhân viên văn phòng tranh thủ lót dạ trước khi về nhà. Rời phố đêm khi trời gần sáng, chúng tôi vẫn chưa thỏa lòng. Chẳng biết “đã đến được trái tim của Chu Hải” như lời cô chủ nhà hàng căn dặn chưa, chỉ thấy ăn rong nơi đây khá hấp dẫn. Vậy nên trước khi tạm biệt Chu Hải, chúng tôi vẫn không quên một lời tự hứa sẽ quay trở lại đây trong một ngày đẹp trời.

Theo monngonhanoi

Danh mục bài viết Món ngon Á

Đang tải dữ liệu loading