Lối Xưa Xe Ngựa

Thứ Tư, 31/12/2008 06:01

860 xem

0 Bình luận

(0)

4827

Nằm lọt thỏm trong một thung lũng giữa tứ bề là núi xanh rừng thẳm, mang một vẻ đẹp hoang tàn nhưng kỳ lạ thay, thánh địa Mỹ Sơn vẫn luôn thu hút du khách tìm đến...
Bài Yên Nghi. Ảnh: Nguyên Phương
Dải đất miền Trung với những danh thắng nổi tiếng thường khiến du khách bị quyến rũ, dẫn dắt để đi từ Đà Nẵng đến Cố Đô, từ Huế sang Phong Nha, từ Hội An lại tạt qua Mỹ Sơn mới thấy thỏa lòng. Nên nếu là người ham khám phá và ưa chuộng những công trình cổ xưa thì, một khi đã đến Hội An, bạn sẽ không thể kềm lòng thăm thú nốt Mỹ Sơn để ngắm nhìn cho trọn vẹn 2 di sản văn hóa thế giới này trên đất Quảng.
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”
Nếu từ Hội An, bạn chỉ mất khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ chạy xe gắn máy cho quãng đường 50 cây số đến Mỹ Sơn. Nếu đi từ trung tâm Đà Nẵng, bạn phải vượt qua gần 70 cây số mới đến được khu thánh địa nổi tiếng này. Nhưng đường quê nên thơ sẽ giúp bạn cảm thấy đoạn đường ngắn đi đáng kể. Những cây cầu thẳng tắp như một đường kẻ băng qua sông Thu Bồn. Những bãi bồi thoai thoải trồng ngô. Những khóm tre trúc xanh mướt với vài chú trâu đen bóng đang thong dong gặm cỏ. Những cánh đồng thơm mùi lúa mới gợi cảm giác bình yên. Hai bên đường, những bông xuyến chi đã nở rộ cứ rập rờn theo từng cơn gió, trông như đàn bướm trắng nhỏ xinh đang tung cánh vui đùa.
Với sự nhiệt tình của dân địa phương cùng một bảng chỉ đường hiếm hoi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến Mỹ Sơn. Con đường độc đạo đến nơi này cứ hun hút như đâm thẳng vào rừng núi đã phần nào giải thích cho sự duy tồn của khu tháp này. Nằm lọt thỏm trong một thung lũng giữa tứ bề là núi xanh rừng thẳm, Mỹ Sơn nhờ đó tránh khỏi cảnh diệt vong mà Trà Kiệu - kinh đô cổ xưa nhất của người Chăm - đã phải gánh chịu.
Nếu chỉ hình dung các tháp Chăm như kiểu Tháp Bà Nha Trang, bạn sẽ thấy ấn tượng bởi quần thể những ngôi tháp ở Mỹ Sơn to rộng hơn nhiều, chia thành các khu A, B, C… với bản đồ chi tiết và lời giới thiệu khá kỹ lưỡng nơi nhà trưng bày được dựng ngay đầu khu di tích. Du khách đến đây đa phần là người nước ngoài, bị cuốn hút bởi nền văn minh Ấn giáo rực rỡ cổ xưa và những kiến trúc đặc biệt của khu tháp này.
Qua những lối mòn quanh co, khu tháp đầu tiên đã hiện ra trước mắt du khách. Vẻ hoang tàn của những tòa tháp cổ, những viên gạch cũ lại đối lập hoàn toàn với cây lá xanh mơn mởn mọc trên mình tháp. Tất cả gợi nên một cảm xúc khó tả, vừa khâm phục, vừa nuối tiếc cho một vương triều vàng son đã bị diệt vong. Du khách đông nhưng gần như không có tiếng nói chuyện, không chút ồn ào huyên náo, có lẽ vì không khí thiêng liêng nơi này khiến ai đến đây cũng rơi vào trạng thái trầm mặc suy tưởng. Quá khứ như sống dậy qua những viên gạch được chạm trổ công phu, những bức tượng bằng đá được khắc đẽo tinh xảo, những bức phù điêu thể hiện sinh động đời sống hiện thực và tinh thần của người Chăm xưa. Những tấm bia đá với các ký tự cổ là tư liệu cho người thời nay hay áng văn hào hùng của người xưa?
Các ngọn tháp không còn nguyên vẹn. Nhưng bí ẩn đằng sau chất liệu xây dựng của người xưa thì vẫn vẹn nguyên. Người ta không hiểu bằng phép thần kỳ nào mà những viên gạch không cần vôi vữa lại có thể kết dính chắc chắn và bền bỉ đến thế qua thời gian. Thế nên những ngôi tháp luôn nhuốm màu huyền thoại, những huyền thoại đã bám rễ chắc vào lòng đất, thấm vào từng viên gạch vẫn đỏ như son qua bao mưa nắng, trường tồn và vĩnh cửu. Những huyền thoại như mơ như ảo, nhưng lại là bằng chứng rõ nét nhất cho thời đại vàng son của một nền văn minh đã mất.
Chợt nhớ đến những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương…”

“Bê thui ngon nhất Việt Nam”
Lời truyền tụng hùng hồn đó đã níu chân chúng tôi lại trên đường về, ngang qua cây cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn. Phía Bắc cây cầu này là xóm Cầu Mống với một dãy những hàng bê thui san sát. Chúng tôi ghé vào một quán rất khang trang, một căn nhà ba tầng với cửa kính chịu lực trong suốt, bên trong nườm nượp khách. Những tảng bê thui treo lủng lẳng đầy quyến rũ trong tủ kính. Hai cô gái luôn tay xắt, cân thịt bê để dọn ra cho khách. Món ăn này tuy đơn giản nhưng thực khách khó tính thường đòi hỏi kỹ lưỡng ngay cả khâu xắt thịt. Miếng thịt phải vừa đủ độ dày, không quá mỏng mất ngọt, không quá dày hóa dai, lại còn phải đủ cả da cả thịt để khi ăn, người ta được thưởng thức đủ vị ngọt của thịt bê, cái giòn sừn sựt và mùi thơm khen khét của da bê.
Nhưng bê ngon nhất thiết phải bắt đầu từ khâu chọn và thui bê. Phải là bê non không quá ba chục, cũng không dưới hai chục ký mới đủ tiêu chuẩn để làm bê thui. Non quá thịt nhão, lớn quá thịt dai. Khi mua bê về, người ta còn chăm chút cho bê vài ngày ăn toàn đọt mía nên miếng thịt bê cứ trắng hồng và thật ngọt, khác hẳn bê thui qua quít ở Sài Gòn. Mà thui bê đúng cách là phải thui bằng hom dâu, bằng bã mía chứ không phải bằng than hoa vốn nóng già. Thui được con bê chín vừa tới, thịt đỏ hồng mà không sống, da vàng ruộm mà không khô không dai, cũng không bị hôi mùi khói, ấy là cả một nghệ thuật cha truyền con nối mà dường như chỉ dân xứ Cầu Mống mới nắm được.
Người đã từng nếm qua bê thui Cầu Mống, đôi khi vì thèm mà về đến Sài Gòn cũng tất tả ra ngã tư Bảy Hiền, nơi tập trung rất nhiều người dân xứ Quảng làm nghề thui bê để lại được thưởng thức món ăn trứ danh này. Nhưng nếu có chỉ là ăn cho đỡ thèm, chứ muốn thưởng thức nguyên vẹn hương vị độc đáo của bê thui xứ Quảng, hẳn người ấy sẽ thất vọng. Vì ở Sài Gòn không có những cọng rau thơm Trà Quế nhỏ ri rí mà thơm nức nở, không có trái ớt sừng trâu xanh rờn, không dọn kèm tô tỏi tím cay tê tê đầu lưỡi. Nên dù vẫn công nghệ thui bê như nguyên gốc, dù vẫn đi cùng khế chua chuối chát, rau sống bánh đa, vẫn chấm cùng mắm nêm pha đúng công thức, bê thui xa xứ vẫn thiếu cái hồn của quê mẹ, thiếu cái tinh túy của đất Quảng vốn được chắt lọc trong từng lá rau vốn mọc lên từ lớp cát cằn.
Trải miếng bánh tráng ra, đặt lên đó vài lát thịt bê, cuốn chung với rau, chấm vào bát mắm nêm pha tỏi ớt chanh đường chua chua ngọt ngọt mà thơm mùi biển, cắn thêm một tép tỏi sống, một miếng ớt sừng trâu xanh đặc trưng xứ Quảng, nhai thật chậm, thật kỹ để nghe vị chua chát của rau trái, vị mặn của mắm nêm tôn vị ngọt của thịt bê thui lên đến nhường nào, để rồi cùng tán thưởng gật gù câu tuyên bố hùng hồn của cánh lái xe đường dài Nam Bắc: “Bất thực… bê thui bất đáo Quảng Nam”.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading