Người sáng tạo nên ly Cocktail hương vị Phở

Thứ Năm, 21/06/2012 02:20

4,291 xem

0 Bình luận

(0)

4113

Vị cay đặc trưng của rượu hòa quyện vào mùi thơm của từng gia vị là lạ khiến người thưởng thức mới đầu còn e ngại nhưng sau đó muốn uống tiếp. Hương vị phở được nhận ra ngay ở ngụm đầu tiên và lưu lại mãi.

Từ một cậu bé đánh giày ngủ gầm cầu, Phạm Tiến Tiếp vừa giành giải Nhà pha chế giỏi nhất Việt Nam với loại đồ uống lạ.

Món cocktail mang hương vị phở này sắp tới sẽ cùng Tiếp sang Brazil tham dự cuộc thi dành cho các bartender thế giới.

Hương thơm của những gia vị trong món phở lan khắp phòng khi chàng bartender 24 tuổi đốt cốc rượu vừa lắc rồi tưới lần lượt qua ba cốc đựng hồi, quế và thảo quả, rồi thêm một chút rau mùi. Vị cay đặc trưng của rượu hòa quyện vào mùi thơm của từng gia vị là lạ khiến người thưởng thức mới đầu còn e ngại nhưng sau đó muốn uống tiếp. Hương vị phở được nhận ra ngay ở ngụm đầu tiên và lưu lại mãi.

Món cocktail mang tên nữ ca sĩ nổi tiếng thế giới, Joan Baez, này giúp Tiếp vô địch Diageo Reserve World Class 2012 ở Nha Trang, cuộc thi dành cho những bartender đẳng cấp ở Việt Nam mới đây. Đầu tháng 7 tới, Tiếp sẽ mang đồ uống đậm chất Việt Nam ấy sang Brazil tham dự cuộc thi tầm cỡ thế giới.

Tự nhiên và ấn tượng với nụ cười có má lúm đồng tiền, chàng trai quê Hưng Yên thoăn thoắt pha chế món đồ uống độc đáo trước sự chứng kiến của các vị khách trong bar Angelina của Khách sạn Metropol. Sáu năm làm nghề, Tiếp từng mơ ước một ngày sẽ trở thành nhà pha chế tài ba.

Khi tham dự cuộc thi, Tiếp nghĩ đó là cơ hội để giao lưu, học hỏi và thể hiện mình. Cuộc thi diễn ra trong một ngày gồm bốn phần chính. Ở phần thi cocktail sáng tạo yêu cầu chế đồ uống mang tên một diva hoặc bài hát nổi tiếng thế giới, Tiếp chọn Joan Baez, nữ ca sĩ từng trú bom dưới hầm của khách sạn Metropol khi bà lưu lại đây. Giữa bom đạn, tiếng đàn, tiếng hát ngọt ngào của nghệ sĩ nước ngoài ấy làm những người trú ẩn dưới hầm quên đi nỗi sợ hãi. Món cocktail đặc biệt như một lời cảm ơn của người Việt Nam gửi tới bà Joan Baez. Để có sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và Pháp, Tiếp sáng tạo đồ uống của mình có hương vị phở, món ăn đặc trưng của người Việt.

Nguyên liệu làm món đồ uống độc đáo này gồm quế, thảo quả, hồi, ớt và rau mùi

"Vừa kết thúc phần thuyết trình bằng tiếng Anh về món cocktail vị phở, giám khảo cùng tất cả những người có mặt lúc đó đồng loạt vỗ tay, chúc mừng khiến em đứng lặng người vì vui sướng. Em chỉ biết chắp tay cảm ơn mẹ ở trên trời đã phù hộ cho em",Tiếp xúc động nói.

Mẹ mất khi Tiếp học lớp một. Bố đi bước nữa khiến hai chị em Tiếp giận ông rồi nghỉ học từ rất sớm. Chị đi học nghề nấu ăn ở trường dành cho trẻ mồ côi còn Tiếp lang thang kiếm sống. Không muốn làm phiền tới chị nhưng suốt một tuần đầu lê la ở Hà Nội, đói quá, cậu đành tới chỗ chị cầu cứu. Tiếp chia sẻ, thời điểm đó, ai thuê gì cậu cũng làm, từ phục vụ trong quán phở, làm ở công trường xây dựng hay đánh giày. Không ít lần bị hội đánh giày đập vỡ đồ nghề vì dám "xâm phạm lãnh địa", Tiếp sợ hãi. Không có chỗ ngủ, cậu lang thang ra gầm cầu Long Biên ngủ cùng đám bạn bỏ nhà đi dạt trong đó có cả dân nghiện và xã hội đen. "Em cũng rất sợ nhưng nghĩ mình không còn gì để mất. Lúc đó nếu chúng có đe dọa, em cũng sẵn sàng đáp trả", Tiếp ngậm ngùi nhớ về những ngày xa xưa.

Sau quãng đời lang bạt ấy, cậu được vợ chồng chủ quán phở nhận làm con nuôi và cho đi học bổ túc. Một thời gian sau, Tiếp được ông chủ trung tâm nơi chị gái đang theo học cho đi học nhạc sau khi nghe bài hát cậu sáng tác. Trong thời gian học nhạc, Tiếp làm thêm ở quán bar trên Hàng Bè. Lần đầu tiên trông thấy bartender biểu diễn với bộ đồ trước ánh mắt ngưỡng mộ của khách, Tiếp đã mê mẩn và quyết định theo đuổi nghề pha chế đồ uống.

Tiếp kể, tháng nào cậu cũng chia mức lương làm thêm 800.000 đồng thành nhiều phần và luôn dành ra 200.000 đồng làm tiền "học phí" đến quán bar để uống và học lỏm. "Một tháng em đi khoảng bốn lần và chỉ dám tới những bar vừa vừa. Mới đầu nhân viên ở đó rất ghét em vì ngồi lâu và hay hỏi nhưng dần dần thấy em thực sự muốn học hỏi, các anh bartender đã chia sẻ", Tiếp cho biết.

Không có tiền mua nguyên liệu, ở phòng trọ, Tiếp pha nước chanh và tự tưởng tượng trong đầu chai nước trước mặt là rượu ngoại rồi nghĩ ra nhiều cách chế khác nhau. Có lần cậu chế cocktail với rượu trắng cho các bạn cùng phòng trọ thưởng thức. Không biết tiếng Anh, Tiếp lưu vào điện thoại tên rượu, xuất xứ và công thức pha chế rồi nhẩm đọc thuộc lúc đi ngủ. Hôm sau tỉnh dậy, cậu bạn cùng phòng mở lại đoạn ghi âm Tiếp đọc làu làu tên đồ uống trong mơ.

Phạm Tiến Tiếp vừa giành giải bartender xuất sắc nhất Việt Nam trong cuộc thi tìm kiếm nhà pha chế tài ba Diageo Reserve World Class 2012 tổ chức tại Nha Trang.

Những ngày đầu mới vào nghề, Tiếp từng gặp nhiều sự cố khi pha cocktail cho khách. Nhiều lần mải buôn chuyện, đồ uống bật ra từ bộ đồ làm cocktail và đổ ụp xuống đầu Tiếp hay viên đá văng vào người khách. Có lần đang vắt nước cam cho một khách nữ, hạt cam bất ngờ bắn vào ngực của cô khiến Tiếp xấu hổ đành ngồi thụp xuống dưới để... trốn. Lúc sau cậu mới từ từ nhô lên và trông thấy người khách đó đang bối rối lấy hạt cam ra. Vẻ ngượng ngùng cùng khuôn mặt hài hước của Tiếp khiến cô bật cười bỏ qua lỗi. Sau sự cố ấy, Tiếp và người này trở thành bạn thân.

Trước khi vào làm ở bar của khách sạn Metropol, Tiếp từng pha chế cho một vài quán bar khác. Tiếp cho biết bản thân mỗi bartender cần phải có bản lĩnh. Cậu sợ chị gái buồn nên luôn tự nhắc mình giữ mình trước những lời mời mọc "gửi hàng" (tài mà hoặc ma túy tổng hợp) hay gái bán dâm gửi số điện thoại hoặc gay quấy rầy. "Một số bạn của em làm cũng từng kiếm thêm theo cách đó nhưng em thấy việc này làm ảnh hưởng đến uy tín nơi mình làm việc, giảm giá trị của một bartender", Tiếp nói.

Sau lần bị một đàn anh "chơi xấu" và phải đền đồ uống cho khách, Tiếp đã tự nhủ "một ngày nào đó sẽ giỏi hơn đàn anh đó". "Chiến thắng tại Diageo Reserve World Class và chuyến đi tới Brazil sắp tới đã giúp em thực hiện được lời hứa của mình", Tiếp vui vẻ khoe.

Ngay khi thắng cuộc, người đầu tiên cậu gọi điện thông báo là chị gái. Không kìm nổi xúc động, người chị khóc suốt trong cuộc điện thoại của em trai. Hiện tại, chị gái Tiếp nấu ăn cho một khách sạn lớn ở Hà Nội.

Trong chuyến sang Brazil sắp tới, Tiếp dự định vẫn mang đồ uống có hương vị phở theo để giới thiệu với các vị khách quốc tế về nét đặc sắc của Việt Nam. Ngoài ra, cậu cũng đang ấp ủ một đồ uống mới có sự kết hợp nhiều gia vị đặc trưng của người Việt để đi thi. Trong tương lai, Tiếp mơ ước sẽ mở được trung tâm dạy pha chế cho những em nhỏ có hoàn cảnh như mình và những ai đam mê trở thành bartender.

(Theo NS)

Danh mục bài viết Sự kiện ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading