Ông tây gia vị

Thứ Tư, 21/04/2010 01:22

2,669 xem

0 Bình luận

(0)

1542

Mười sáu năm gắn bó với gia vị Việt Nam, đầu bếp tài danh người Pháp Didier Corlou được nhiều người Việt Nam yêu mến gọi với cái tên quen thuộc “ông Tây gia vị”.
Từ những gia vị đa dạng của Việt Nam, ông đã khám phá, chế biến, sáng tạo ra những cung bậc riêng cho “bản nhạc” ẩm thực Việt và góp phần đưa hương vị Việt bay xa…

Khúc nhạc gia vị

Tốp khách Na Uy ghé vào nhà hàng La Vertical (Thẳng Đứng) trên phố Ngô Văn Sở, Hà Nội, một nơi vẫn được mệnh danh là “bảo tàng gia vị Việt”, thu hút không chỉ khách nước ngoài mà còn gây bất ngờ với nhiều người Việt Nam tới đây.


Vị đầu bếp Pháp, Didier Corlou, 52 tuổi, mau mắn dẫn khách vào phòng trưng bày gia vị. Ông say sưa giới thiệu từng lọ gia vị. Từ những gia vị “bình dân” như tiêu, mắm, ngũ vị hương, hạt mùi… đến các loại hiếm hơn: tiêu Đỉnh, muối làm từ nước mắm, tiêu Phú Quốc…
Ông kể: “Tôi đã qua nhiều nước, tìm hiểu nhiều gia vị các nước trên thế giới, nhập về nhiều loại hạt mùi ép, tiêu Jamaica, dầu sả, thì là Ai Cập… nhưng các loại hương vị của Việt Nam vẫn hút hồn tôi hơn cả”.
Mỗi lần nhắc tới hương vị Việt, ông lại dùng một cách gọi rất trìu mến: “hương vị của chúng ta”. Dường như, hương vị, gia vị Việt đã ngấm sâu vào tâm hồn ông. Ông tự hào: “Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu gia vị vào loại phong phú, tôi đánh giá hơn cả Thái Lan và Trung Quốc. Những loại rau thơm, rau sống, gia vị chế từ lá, từ rễ như gừng, nghệ… rất lạ và thật độc đáo. Mỗi khi sử dụng chúng trong từng món ăn, người ta có cảm giác như những bản nhạc trên đầu lưỡi”.
Việt Nam không chỉ có sự đa dạng của các loại gia vị mà ở mỗi vùng, miền cũng có những loại rau, gia vị rất đặc trưng, không thể trộn lẫn với bất cứ loại gia vị nào khác. “Chúng ta có gia vị Sài Gòn, Huế, Hà Nội và các vùng trung du, miền núi. Mỗi vùng có một bản sắc độc đáo và một sức hút thật khó cưỡng lại”, Didier hào hứng. Nghe những lời giới thiệu của người chủ quán dễ mến, những vị khách Na Uy như bị hút vào thế giới gia vị Việt và không ngớt lời trầm trồ, thán phục.
Niềm đam mê của Didier với nước mắm, gia vị Việt sau bao năm tìm hiểu, chế biến, sáng tạo đã khiến ông trở thành một nghệ sĩ gia vị Việt thật sự. Chính những người Việt Nam khi trò chuyện cùng ông cũng không khỏi ngạc nhiên, khâm phục vốn hiểu biết của vị đầu bếp Tây này: “Ẩm thực Việt có thể nói chính là kiểu ẩm thực gia đình, do người phụ nữ trong gia đình duy trì, hay ẩm thực vỉa hè độc đáo. Còn nữa, người Việt thường có thói quen ăn nhẹ, như cách nêm gia vị, món ăn không quá cay như Thái Lan, hương liệu sử dụng không quá đậm, ít dùng quế; đồ ăn cũng thanh đạm, không quá béo như bơ của người Châu Âu”.

Nhà hàng La Verticale là nơi nổi tiếng với những món ăn rất đặc trưng, mang đậm phong cách của ẩm thực Việt, nhưng dưới bàn tay nghệ sĩ của Didier, các món ăn cũng có những nét độc đáo riêng. “Ở đây, chúng tôi có nhiều món ăn Việt, món ăn Pháp. Nhưng món Việt không dập khuôn như người Việt vẫn nấu, tôi dựa vào các nguyên liệu và cách thức cơ bản, phần còn lại tuỳ thuộc vào sáng tạo của tôi. Chúng ta không phải đang ở trong một bảo tàng, ẩm thực luôn luôn phát triển, ẩm thực Việt cũng không ngoại lệ”.
Phở Việt nổi tiếng là thế, Didier vẫn tìm được hướng riêng khi sáng tạo món phở cá hồi, bánh cuốn nhân trứng cá hồi theo kiểu Didier: “Tôi không bắt chước cách làm bánh cuốn ở các cửa hàng vỉa hè Việt Nam, tôi tôn trọng các nguyên liệu cơ bản và làm theo cách riêng. Vỏ bánh cuốn tôi rất thích và giữ nguyên, bên trong có thêm nấm, không dùng thịt lợn mà có nhân cua hoặc trứng cá hồi”.
Hương vị Việt bay xa
Đã bén duyên với gia vị Việt hơn 16 năm, một phần tâm hồn gắn liền với văn hóa ẩm thực Hà Nội, nhưng Didier Corlou vẫn bị choáng ngợp: “Tôi tự hào vì được mọi người yêu mến, có được vốn kha khá về ẩm thực Việt. Tôi chỉ dám nói là kha khá. Còn rất nhiều điều tôi chưa biết hết. Việt Nam cho tôi nhiều khám phá mới lạ, thú vị”.
Để theo đuổi niềm đam mê với gia vị Việt, Didier đã rời cương vị bếp trưởng khách sạn 5 sao Sofitel Metropole để mở nhà hàng riêng. Ông tâm sự: “Tôi mở nhà hàng Verticale để được… khoe bảo tàng gia vị nho nhỏ của mình với bạn bè ở các nước, để họ có dịp được thưởng thức và khám phá câu chuyện về ẩm thực Việt mà tôi tìm hiểu”.
Với tấm lòng và tình cảm đặc biệt dành cho hương vị Việt độc đáo, Didier luôn mong muốn những nét văn hóa ẩm thực Việt bay xa và đến được với các nước trên thế giới. Ông chia sẻ: “Hôm trước, tôi vừa tiếp đoàn của Đài truyền hình Hà Lan sang Việt Nam làm chương trình về nhà hàng và các loại gia vị Việt độc đáo. Còn gì thích thú bằng, nếu được chia sẻ nét đẹp của ẩm thực chúng ta với bạn bè các nước”.
Mặc dù được nhiều nhà hàng nổi tiếng ở các nước Nhật Bản, Thái Lan… mời về làm việc, nhưng ông đã quyết định chọn Hà Nội làm điểm dừng chân. Từ nhỏ, Didier đã có ấn tượng với hình ảnh của những người Việt sống ở quê hương của mình - Bretagne. Chính cách sống thân thiện, chan hòa và cởi mở của những người Việt nơi đây đã khiến ông bị cuốn hút và tìm đến với Việt Nam.
Gần 20 năm gắn bó với hương vị, gia vị Việt, Didier đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Và giờ đây, khi đã bước qua tuổi 50, ông vẫn luôn miệt mài trên con đường khám phá những nét dẹp của ẩm thực Việt như một duyên phận, một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình.
Trong thời gian ở Việt Nam, Didier đã viết nhiều cuốn sách về gia vị, ẩm thực và du lịch của Hà Nội và Việt Nam. Trong số đó, nhiều cuốn rất có giá trị như: Ẩm thực Việt Nam, Hà Nội xưa và nay (2000), Phở (2002), Việc nấu ăn trong gia đình người Việt (2003), Món ăn Việt Nam của tôi (2003), Nước mắm (2004), Năm mùa (2008). Với những đóng góp của mình, Didier đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng “Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian của Việt Nam”.

Theo : Amthuc.net.vn

Danh mục bài viết Sự kiện ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading