Tìm hiểu nỗi nhọc nhằn nghề làm cốm mỗi độ thu về

Thứ Tư, 19/09/2012 05:21

5,655 xem

0 Bình luận

(0)

4202

Sáng sớm người làng Mễ Trì phải dậy đi vài chục cây số sang các vùng Đại Mỗ, Đông Anh, Sơn Tây mua lúa. Sau đó, họ bắt tay luôn vào các công đoạn làm cốm. Mờ sáng lại phải thức dậy giã thêm vài lượt cho cốm thật dẻo, thật mỏng, thật thơm.

Thu Hà Nội, thoang thoảng cái mùi ngọt mát, thơm dịu đến nao lòng. Nhịp chày đều vang, khói biếc mơ màng. Trong nhà, ngoài ngõ lất phất những cọng rơm xanh, người người trao nhau một "thứ quà của lúa non". Mùa cốm đã về.

Bao đời nay, cái màu xanh xanh, hương thơm dịu, vị ngọt mát của cốm, lá ráy bọc trong, lá sen bọc ngoài, điểm thêm một cọng rơm buộc, xuất hiện trong tiết trời thu đã là một thứ quà thanh đạm, mộc mạc của người Tràng An.

Xưa, cốm làng Vòng nức tiếng nhưng giờ đây người làng Vòng chẳng còn mấy ai theo nghề. Thay vào đó, xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) - cách đó không xa đang bước vào mùa làm cốm. Nơi nơi xanh ngắt màu lúa non.

Theo các cụ cao niên trong làng, ngày xưa người làng Mễ Trì ra làng Vòng làm nghề cốm, rồi học lỏm đem về. Từ đó đến nay đã 3-4 đời, người Mễ Trì có nghề cốm kiếm sống.

Nhiều người nói vui "một hạt lúa vàng 9 giọt mồ hôi nhưng để làm ra 1 hạt cốm còn mất 90 giọt mồ hôi". "Thứ quà của lúa non" được làm cầu kỳ, từ khâu chọn lúa phải là nếp hoa vàng, đương thời kỳ ngậm sữa. Lúa gặt về, người dân đập lấy những hạt to, mẩy. Sau đó cho lên bếp than củi rang khoảng 2 giờ cho tới khi lúa chín.

Chờ cho lúa nguội bớt rồi cho vào máy xay không dưới 20 lượt, sau đó đem giã 5, 6 lượt nữa cho cốm dẻo. Người làm cốm dùng ngón tay của mình miết cho tơi cốm, sàng sẩy đề phân loại. Người ta thường lọc lấy lớp cốm non bên trên ngon, dẻo nhất bán với giá cao hơn cốm thường.

Sáng sớm người làng Mễ Trì phải dậy đi vài chục cây số sang các vùng Đại Mỗ, Đông Anh, Sơn Tây mua lúa. Sau đó, họ bắt tay luôn vào các công đoạn làm cốm. Mờ sáng lại phải thức dậy giã thêm vài lượt cho cốm thật dẻo, thật mỏng, thật thơm.

Đây là một mẻ cốm 'mộc' - hoàn toàn không dùng chất tẩm màu. Cốm có màu vàng nâu, hơi xanh, ăn rất dẻo, thơm dịu khác với loại cốm tẩm màu xanh sẫm hơn. "Trước đây chúng tôi còn dùng nước từ mạ non, lá dong riềng để tẩm màu cho cốm nhưng từ khi có thông tin cốm tẩm hóa chất, chúng tôi cứ để nguyên cái màu của nó", chị Hảo - người làm cốm ở Mễ Trì cho biết.

Cũng vì thông tin cốm tẩm hóa chất mà người làm cốm ngày càng ít đi, chợ cốm cũng dần mai một, vắng vẻ. Từ 3-4h sáng, người Mễ Trì đã mang những "gánh quà từ lúa non" ra đây bán nhưng cũng chẳng có mấy người mua.

Chị Nguyễn Thị Tuyết - một người nhiều năm bán cốm vỉa hè trên phố Hàng Đường chia sẻ: "Chỉ vì có một vài người làm cốm tẩm hóa chất mà cốm bị người tiêu dùng tẩy chay. Những năm trước mỗi ngày tôi bán vài chục kg cốm nhưng năm nay chỉ vài cân không hết".

(theo vnexpress)

Danh mục bài viết Chế biến món ngon

Đang tải dữ liệu loading